Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giám sát chặt chẽ công tác xét xử án tham nhũng

Theo Báo Điện tử ĐCSVN| 22/03/2013 15:54

Sáng 22/3, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đã trực tiếp trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Chánh án Trương Hoà Bình về những vấn đề liên quan đến các vụ án tham nhũng.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình,trả lời các câu hỏi chất vấn tại Phiên họp (Ảnh: An Đăng/TTXVN)


Phiên chất vấn được tổ chức theo hình thức trực tuyến, có sự tham gia của các đại biểu Quốc hội ở các địa phương, đồng thời được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên chất vấn.

Tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế tiêu cực trong công tác xét xử

Báo cáo tại phiên chất vấn, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, tính đến ngày 30/9/2012, toàn ngành Toà án nhân dân có 13.026 người. Mặc dù trung bình mỗi năm, số lượng các loại vụ án mà toàn ngành phải thụ lý, giải quyết tăng khoảng trên 30.000 vụ án các loại, nhưng các Tòa án vẫn đảm bảo về tiến độ giải quyết, khắc phục có hiệu quả việc để các vụ án quá thời hạn xét xử theo quy định của pháp luật và chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án cũng ngày càng được nâng lên, đã hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp kết án oan người không có tội; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán đều giảm hơn so với các năm trước.

Liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế tiêu cực trong công tác xét xử, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra và giám đốc việc xét xử của Toà án cấp trên đối với Toà án cấp dưới luôn được duy trì thường xuyên và nghiêm túc trong toàn ngành. Hàng năm, Tòa án nhân dân tối cao đều tổ chức các đoàn công tác tiến hành kiểm tra công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án tại các Tòa án địa phương, tập trung vào những đơn vị có nhiều hạn chế, thiếu sót trong công tác xét xử.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, ngành Tòa án nhân dân còn duy trì chế độ tự kiểm tra và báo cáo định kỳ đối với các đơn vị trong toàn ngành về các nội dung như: Việc để các vụ án quá hạn luật định, án tuyên không rõ ràng, phạt tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật...

Chánh án Trương Hòa Bình cũng trình bày các giải pháp nhằm hạn chế tiêu cực trong công tác xét xử, kịp thời phát hiện và khắc phục ngay đối với những sai sót trong quá trình giải quyết các loại vụ án.

Đối với những bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán, hội đồng xét xử, gây thiệt hại nghiêm trọng tới lợi ích của Nhà nước, tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, gây bất bình trong dư luận thì phải tổ chức ngay việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm để có biện pháp xử lý nghiêm khắc, báo cáo nêu rõ.

Chánh án Trương Hòa Bình cũng khẳng định, tiếp tục thực hiện chủ trương tạm dừng tái bổ nhiệm các thẩm phán có tỷ lệ án bị hủy, sửa cao (hơn 1,16% trên tổng số vụ án đã xét xử). Trong thời gian tạm dừng việc tái bổ nhiệm thì áp dụng biện pháp cho đào tạo, bồi dưỡng lại hoặc đối với những thẩm phán có tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan trên 3% (trong một năm hoặc trong quá trình nhiệm kỳ tính đến thời điểm phát hiện) hay có bản án có sai lầm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của đương sự phải bị tạm đình chỉ xét xử để kiểm điểm trách nhiệm, chuyển công tác khác...

Xét xử nghiêm khắc đối với những kẻ cầm đầu trong án tham nhũng

Trong phiên chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Chánh án Trương Hoà Bình về các vấn đề liên quan đến các vụ án tham nhũng.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) đặt vấn đề: Nhìn chung, tòa án các cấp xét xử khá nghiêm minh các loại tội phạm, tuy nhiên án về tham nhũng, lợi dụng chức vụ nói chung là ít. Trong các bản án xét xử tội phạm tham nhũng, số bị cáo được hưởng án treo, hình phạt tù quá nhẹ chiếm tỷ lệ cao gấp nhiều lần so với tội phạm khác, gây hoài nghi, tiêu cực trong dư luận về việc chạy án?

Đại biểu Đào Thị Xuân Lan (Ủy ban Tư pháp Quốc hội) hỏi: Với nhiệm vụ thực hiện quyền công tố, Tòa án Nhân dân Tối cao đã xử lý như thế nào trong trường hợp phát hiện tòa cho bị cáo hưởng án treo không đúng, nhất là với tội phạm tham nhũng?

Trả lời vấn đề này, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, trong việc xét xử của tòa án, chất lượng xét xử thống kê theo hàng năm đã có kết quả đạt tỷ lệ chất lượng xét xử tăng lên. Tuy nhiên, vẫn còn có những vụ án, nhất là các vụ án tham nhũng cũng có dư luận đánh giá chưa tốt như việc đưa ra xét xử ít, mức án còn nhẹ.

Chánh án Trương Hòa Bình giải thích: Do tòa án chỉ xét xử những vụ án có Viện Kiểm sát đưa ra truy tố và có cáo trạng. Trên cơ sở đó, tòa án mở phiên tòa xét xử, cho nên việc xử lý các vụ lý tham nhũng còn liên quan đến công tố của Viện Kiểm sát và trách nhiệm điều tra của cơ quan điều tra. Riêng đối với việc tòa án đưa ra xét xử cho hưởng án treo với tỷ lệ cao, Chánh án cho biết, hiện nay, số lượng án treo, số bị cáo cho hưởng án treo đã giảm rất nhiều. Các địa phương cho hưởng án treo có tỷ lệ cao trước kia, hiện nay cũng giảm.

Đối với việc có hoài nghi về chạy án, tiêu cực trong việc xử án tham nhũng, Chánh án chia sẻ: “Không loại trừ là có tiêu cực trong các quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Chúng tôi cũng cảm ơn các cơ quan đã quan tâm và phản ánh".

Theo Chánh án Trương Hòa Bình, thống kê trong 3 năm, tòa án đều xét xử nghiêm khắc đối với những kẻ cầm đầu trong án tham nhũng. Tòa án xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nhưng đồng thời cũng áp dụng chính sách khoan hồng đối với người tự thú, khắc phục hậu quả, tố giác tội phạm, thành thật khai báo… Những tình tiết giảm nhẹ này được tòa án áp dụng, nhất là với những trường hợp có nhân thân tốt. Trên cơ sở đó để ra phán quyết bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Về giải pháp khắc phục tình trạng án treo còn nhiều đối với tội phạm chống tham nhũng, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết: Án treo là chế định được quy định trong pháp luật hình sự của chúng ta, thể hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, là biện pháp để miễn giam giữ có điều kiện, mà điều kiện cơ bản là tội ít nghiêm trọng, mức án dưới 3 năm, có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Tòa án nhân dân Tối cao căn cứ vào quy định đó của pháp luật để áp dụng.

Hiện Tòa án nhân dân Tối cao đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hướng dẫn áp dụng việc tuyên án treo đúng pháp luật. Riêng Tòa án nhân dân Tối cao đã có một nghị quyết hướng dẫn về việc xử lý án treo theo đúng pháp luật. “Chúng tôi cũng đang xây dựng một nghị quyết mới quy định chặt chẽ về điều kiện cho hưởng án treo. Đối với nhóm tội tham nhũng thì chủ trương là với những người chủ mưu, thì dù đã khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo, nhân thân tốt… thì cũng không cho hưởng án treo.” – Chánh án Trương Hòa Bình cho biết.

“Riêng đối với các vụ án về tham nhũng mà có bị cáo được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ, tòa án đã xét xử phải gửi bản án về Tòa án Nhân dân Tối cao để giám đốc kiểm tra, nhằm đảm bảo giám sát chặt chẽ công tác xét xử đối với loại tội phạm này”, Chánh án Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Cũng tại phiên chất vấn, Chánh án TAND tối cao Trương Hoà Bình cũng trả lời các câu hỏi liên quan về tỷ lệ giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án dân sự cao…/.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giám sát chặt chẽ công tác xét xử án tham nhũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.