Xã hội

Giảm rủi ro thiên tai từ cộng đồng

Kim Nhuệ 22/08/2023 - 07:00

Thiếu kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai đang là thực trạng ở nhiều địa phương hiện nay. Để giảm tổn thất, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó, đặc biệt chú trọng giải pháp nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ hệ thống đê điều, công trình thủy lợi và kỹ năng phòng, chống thiên tai cho cộng đồng.

ung-hoa.jpg
Diễn tập cứu hộ, cứu nạn, di chuyển tài sản khi xảy ra tình huống lũ lụt tại xã Hòa Phú (huyện Ứng Hòa).

Gia tăng rủi ro thiên tai

Đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng, chống lũ lụt. Tuy nhiên, tình trạng xâm hại công trình này có xu hướng gia tăng về số lượng, phức tạp về tính chất.

Thống kê của Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho thấy, trên địa bàn thành phố năm 2021 phát sinh 59 vụ vi phạm pháp luật đê điều, năm 2022 là 75 vụ, 6 tháng đầu năm 2023 là 33 vụ. Đối với lĩnh vực thủy lợi, tuy giảm về số vụ nhưng quy mô và tính chất có xu hướng phức tạp, nghiêm trọng hơn. Cụ thể trên địa bàn thành phố, năm 2021 xảy ra 348 vụ, năm 2022 là 343 vụ, 6 tháng đầu năm 2023 là 131 vụ.

Trong những vụ việc nêu trên, nhiều hành vi ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn hệ thống đê điều, thủy lợi, như: Xây dựng công trình, tập kết vật liệu xây dựng trong phạm vi bảo vệ đê, đập hồ, hành lang thoát lũ; đổ rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng vào lòng dẫn...

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Trần Thanh Mẫn, những hành vi nêu trên không chỉ đe dọa an toàn hệ thống phòng chống lũ, lụt mà còn làm gia tăng nguy cơ xảy ra sự cố với chính công trình vi phạm...

Ngoài xâm hại công trình, không ít người dân trên địa bàn thành phố còn thiếu kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai, như: Mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, lũ, sạt lở đất... khiến gia tăng thiệt hại. Hành động phổ biến hiện nay là nhiều người không tìm nơi trú tránh khi xảy ra tình huống lốc, sét, gió giật mạnh; cố điều khiển phương tiện giao thông qua đoạn đường ngập sâu, nước chảy xiết hoặc là câu cá, vớt củi khi xuất hiện mưa lũ, ngập lụt; không chủ động chằng chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ, xuất hiện mưa lớn kèm dông, lốc, sét...

Đặc biệt, trận trượt lở đất xảy ra ngày 4-8 mới đây tại xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) làm nhiều ô tô bị ngập trong bùn đất còn cho thấy sự thiếu hiểu biết về thiên tai của một bộ phận người dân...

Tăng cường tuyên truyền, tập huấn

Để giảm tổn thất, từng bước xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai, thành phố Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp hệ thống đê điều, công trình thủy lợi; chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn...

Thực hiện chỉ đạo trên, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội đã phối hợp với 17 quận, huyện, thị xã tổ chức các lớp tuyên truyền phòng ngừa vi phạm pháp luật đê điều, thủy lợi; nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng tránh thiên tai cho người dân; diễn tập ứng phó, khắc phục hậu quả một số loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn. Thông qua hoạt động này, ý thức, trách nhiệm của người dân, cán bộ cấp cơ sở đã bước đầu có chuyển biến.

Trao đổi với phóng viên sau buổi tuyên truyền phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật đê điều, thủy lợi (do Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội phối hợp UBND huyện Chương Mỹ tổ chức ngày 4-8 tại xã Hoàng Diệu), bà Đặng Thị Chiến, người dân địa phương cho biết, nhiều năm nay, sông Đáy không xuất hiện lũ lớn nên một số người có tư tưởng chủ quan, phó mặc trách nhiệm bảo vệ hệ thống đê điều, công trình thủy lợi cho các cấp chính quyền...

“Thông qua buổi tuyên truyền này, chúng tôi hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình và sẽ có hành động thiết thực bảo vệ công trình phòng chống thiên tai. Bên cạnh đó, chúng tôi biết thêm đặc điểm thiên tai nơi mình đang sống, sẽ thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết để biết được mức độ ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất. Cùng với đó, chúng tôi sẽ tuân thủ hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp về phòng ngừa, ứng phó các loại hình thiên tai có khả năng xảy ra trên địa bàn...”, bà Đặng Thị Chiến nói.

Đánh giá về cuộc diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn diễn ra trên địa bàn ngày 4-8, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú (huyện Ứng Hòa) Vũ Hữu Gia cho biết, địa phương đã rút ra nhiều bài học, trong đó, đặc biệt là công tác phối hợp và phân công lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát ẩn họa trong thân đê, xử lý giờ đầu các sự cố, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tuyến đê. Thông qua diễn tập, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá đúng khả năng sẵn sàng ứng phó, xử lý các sự cố đê điều, tình huống thiên tai của các lực lượng liên quan.

Bên cạnh đó, ý thức cảnh giác, tinh thần trách nhiệm của nhân dân đối với nhiệm vụ phòng, chống thiên tai được nâng lên; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và khả năng hiệp đồng của các ban, ngành, đoàn thể địa phương trên địa bàn được củng cố...

Là một trong hơn 300 người tham gia buổi diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, ông Kiều Văn Mài, người dân xã Hòa Phú cho biết, người dân ở đây đã học được nhiều kỹ thuật phát hiện, xử lý mạch đùn, mạch sủi trong đê. Bà con cũng học được cách di chuyển người ra khỏi vùng nguy hiểm và cứu người trong tình huống khẩn cấp; học được cách chung sống với ngập lụt trong nhiều ngày...

Cùng với tập dượt kỹ năng ứng phó, sự chủ động, chuẩn bị sớm của người dân và chính quyền địa phương chính là giải pháp hiệu quả nhất để phòng tránh thiên tai, giảm tác động của thời tiết cực đoan và giảm thiệt hại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm rủi ro thiên tai từ cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.