(HNM) - Đại diện lãnh đạo Bộ Công an cho hay, việc bỏ sổ hộ khẩu cần được hiểu là, chỉ thay đổi hình thức quản lý hộ khẩu từ thủ công sang hiện đại, bằng cách tiến bộ hơn để tránh phiền hà, nhưng vẫn bảo đảm quản lý hiệu quả, chặt chẽ, an toàn thông tin của công dân...
Hướng dẫn người dân làm thủ tục hộ khẩu tại Công an quận Đống Đa. Ảnh: Nhật Nam |
Tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý và người dân
Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, Nghị quyết số 112/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 30-10-2017. Trong đó, vấn đề được người dân quan tâm nhất là việc bãi bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân để thống nhất quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Cụ thể, theo Thiếu tướng Lương Tam Quang, ở nhóm thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú, thời gian tới sẽ được thực hiện thông qua hình thức cập nhật thông tin bằng mã số định danh có trong thẻ căn cước công dân, được lưu trữ trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thiếu tướng Lương Tam Quang khẳng định, việc bãi bỏ các nhóm thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu giấy, giấy chứng minh nhân dân không có nghĩa là bỏ quản lý hộ khẩu. Không chỉ riêng nước ta, trên thế giới cũng không có quốc gia nào bỏ quản lý hộ khẩu. "Bản chất quản lý hộ khẩu không hề thay đổi mà chỉ thay đổi phương thức từ sổ hộ khẩu giấy thủ công sang áp dụng hình thức hiện đại. Đây là phương thức quản lý mới, tiến bộ hơn theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho công dân khi các thủ tục giấy tờ thủ công chồng chéo, rườm rà đã bị bãi bỏ" - Thiếu tướng Lương Tam Quang cho hay. Để thực hiện các vấn đề được nêu trong Nghị quyết số 112/NQ-CP, Bộ Công an đã xây dựng và tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội thay đổi các luật có liên quan như Luật Cư trú năm 2006; kiến nghị sửa đổi 7 nghị định và 5 thông tư liên tịch...
Đón nhận thông tin trên, anh Lê Văn Thanh (28 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai) kỳ vọng, thời gian tới hoạt động này sẽ tạo ra những thuận lợi cho cả cơ quan hành chính nhà nước và người dân. Cụ thể, cơ quan hành chính nhà nước sẽ quản lý dân cư thông suốt, còn người dân sẽ rút ngắn được thời gian, tiết kiệm kinh phí khi tham gia hoạt động hành chính... Trường hợp cá nhân đi xin xác nhận sơ yếu lý lịch tại UBND phường, xã trước đây bắt buộc phải xuất trình sổ hộ khẩu bản gốc nhưng sau này, người dân chỉ cần xuất trình thẻ căn cước công dân.
Không chỉ riêng anh Thanh, những ngày qua dư luận nhân dân đều rất đồng tình, ủng hộ chủ trương đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ hành chính... Tham gia quản lý dân cư tại cơ sở, cảnh sát khu vực là lực lượng luôn chịu áp lực về việc xác định hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng trên địa bàn. Đại úy Trần Trung Kiên, Phó Trưởng công an phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) cho rằng, điều này sẽ mang lại thuận lợi cho lực lượng cảnh sát khu vực. Mỗi người dân được cấp mã số định danh cá nhân (thẻ căn cước công dân) được tích hợp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì việc khai báo thường trú, tạm trú, tạm vắng sẽ được thực hiện trên mạng internet. Hiện nay, lực lượng cảnh sát khu vực đã làm quen với phương thức quản lý hiện đại này, do đó khi triển khai quản lý dân cư trên Cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ không gặp nhiều khó khăn.
Lộ trình thực hiện
Thông tin công dân sẽ được Bộ Công an thiết lập, đưa vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. |
Theo Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 112/NQ-CP, ngày 14-11, Bộ Công an sẽ triển khai tập huấn trên toàn quốc cho lực lượng công an cấp tỉnh, huyện, xã. Sau đó, lực lượng công an cơ sở sẽ phát bảng kê, xuống từng hộ dân để đối chiếu dữ liệu. Tất cả dữ liệu sau khi thu thập được sẽ nhập vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là dự án công nghệ thông tin phức tạp, cần sự đầu tư lớn về nhân lực cũng như ngân sách, Bộ công an phấn đấu trong 2-3 năm sẽ hoàn thành.
Sau khi thực hiện xong việc cập nhật dữ liệu, Bộ Công an sẽ đề xuất Chính phủ bỏ sổ hộ khẩu giấy và chứng minh thư nhân dân cũ, thay vào đó là thẻ căn cước công dân có mã số định danh cá nhân với 15 trường thông tin, cung cấp đầy đủ về các lĩnh vực như, y tế, bảo hiểm xã hội, giáo dục... của mỗi công dân. Từ năm 2016, Bộ Công an đã triển khai cấp thẻ căn cước công dân tại 16 tỉnh, thành phố. Đến ngày 1-1-2020, Bộ sẽ tiến hành cấp thẻ căn cước công dân trên toàn quốc, thay thế chứng minh nhân dân 9 số và 12 số như hiện nay. Khi đó, công dân có thể sử dụng mã số định danh cá nhân để thực hiện tất cả các giao dịch, thủ tục hành chính mà không cần đến những giấy tờ khác. Hầu hết trường thông tin là cố định, không thể thay đổi, chỉ có trường thông tin về nơi thường trú, tạm trú có thể thay đổi, thông qua việc công dân khai báo với công an sở tại để tiến hành nhập dữ liệu mới.
Nhằm tạo sự thống nhất, tránh chồng chéo trong thu thập, sử dụng dữ liệu dân cư, hai dữ liệu chuyên ngành của Bộ Công an là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về căn cước sẽ được kết nối với Cơ sở dữ liệu về hộ tịch của Bộ Tư pháp. Các dữ liệu này sẽ được chia sẻ đến các bộ, ngành có liên quan khai thác, sử dụng chung, phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Trung tướng Trần Văn Vệ khẳng định, trong thời gian chờ hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp thẻ căn cước công dân chứa mã số định danh trên phạm vi toàn quốc, những loại giấy tờ hiện tại như sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy chứng minh nhân dân vẫn còn nguyên giá trị sử dụng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.