(HNMO) - Nghiên cứu cho thấy, giảm ô nhiễm không khí có thể cải thiện sự phát triển chức năng phổi ở trẻ em và giảm đáng kể tình trạng suy giảm chức năng phổi ở thanh thiếu niên.
Tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe đã trở thành chủ đề nhận được nhiều quan tâm trong những năm gần đây. Các kết quả nghiên cứu đều cho thấy không khí ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến mọi cơ quan trong cơ thể. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lưu ý, những cơ quan và hệ thần kinh ở trẻ em trong giai đoạn phát triển dễ bị tổn thương lâu dài hơn.
Theo The Guardian, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ô nhiễm không khí ở mức độ thấp cũng có thể làm giảm sự phát triển chức năng phổi của trẻ từ 6 đến 15 tuổi. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy, tình trạng này có thể được cải thiện trong điều kiện không khí trong lành.
Giáo sư Erik Melen, bác sĩ nhi khoa tại Khoa nghiên cứu lâm sàng và giáo dục thuộc Học viện Karolinska (Thụy Điển) nhận định, việc giảm mức độ ô nhiễm không khí và độ phơi nhiễm sẽ mang lại những kết quả tích cực về lâu dài, đặc biệt đối với trẻ em. Đây cũng là thông điệp mạnh mẽ gửi tới các nhà hoạch định chính sách và quy hoạch thành phố.
Trong bài việt trên Tạp chí Hô hấp châu Âu (ERJ), giáo sư Erik Melen và các đồng nghiệp lưu ý, chức năng phổi thường phát triển nhanh chóng trong giai đoạn niên thiếu, trước khi hoàn thiện vào những năm đầu của độ tuổi 20. Tuy nhiên, những trường hợp có phổi chậm phát triển đối diện nguy cơ mắc chứng tắc nghẽn mãn tính cao hơn khi trưởng thành.
Giáo sư Erik Melen cùng đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu của một nhóm trẻ em Stockholm ra đời giai đoạn 1994-1996. Từ lúc sơ sinh đến 24 tuổi, nhóm này được theo dõi bằng những biện pháp kiểm tra chức năng phổi được thu thập ở các độ tuổi 8, 16 và 24.
Sau khi ghi nhận sự phát triển của phổi, cũng như tác động của các yếu tố như hút thuốc lá hay quá trình tiếp xúc với không khí ô nhiễm, nhóm nghiên cứu nhận thấy việc giảm tình trạng ô nhiễm có liên quan đến tốc độ phát triển chức năng phổi ở người tham gia.
Cụ thể, mức tăng trung bình về thể tích thở ra trong 1 giây tăng 4,63 ml mỗi năm trong trường hợp nồng độ bụi mịn PM2.5 giảm 2,19 microgram trên mỗi mét khối không khí.
Mức tăng đáng kể trên tương đương với vài phần trăm cải thiện tốc độ phát triển chức năng phổi trong khoảng thời gian 10 năm. Dù mức tăng này không lớn ở cấp độ cá nhân nhưng vẫn có tác động tích cực trong thời gian dài, làm giảm 20% nguy cơ bị suy giảm chức năng phổi.
Về lâu dài, mọi sự cải thiện về chức năng phổi sẽ có tác động tích cực, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính ở tuổi trưởng thành và có thể kéo dài tuổi thọ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.