Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm ô nhiễm bụi ở Hà Nội: Bắt đầu từ ý thức mỗi người

Thanh Hải| 17/05/2016 08:47

(HNM) - Quá trình đô thị hóa đã đẩy nhanh sự gia tăng dân số, phương tiện giao thông cơ giới, hoạt động xây dựng và công nghiệp - những tác nhân gây ra ô nhiễm không khí. Bên cạnh các biện pháp đang triển khai, nhiều ý kiến cho rằng để giải quyết tận gốc vấn đề, cần tạo ra sự chuyển biến ngay từ ý thức của mỗi người.

Một số tuyến đường có lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép.


Số liệu mới nhất Trung tâm Quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường) công bố cuối tháng 4-2016 cảnh báo mức độ ô nhiễm bụi ở Hà Nội vượt quy chuẩn cho phép. Theo thang đánh giá tác động sức khỏe con người, nhóm những người nhạy cảm với ô nhiễm môi trường nên hạn chế ra ngoài. Mặc dù, đây là chỉ số đánh giá theo trung bình giờ và chỉ số này thường cao vào giờ cao điểm, nhưng cũng là hồi chuông báo động về chất lượng môi trường thành phố. Trước đó, báo cáo môi trường quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, Hà Nội có mức độ ô nhiễm cao hơn TP Hồ Chí Minh, dù dân số và phương tiện cơ giới ít hơn. Theo ông Ngô Thái Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), giai đoạn 2012-2015, chỉ tiêu benzen tại hầu hết các vị trí quan trắc đều vượt tiêu chuẩn và có xu hướng tăng do gia tăng phương tiện giao thông và việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Một số khu dân cư như thị trấn Văn Điển, Yên Viên, Vĩnh Tuy, Yên Nghĩa, Ngọc Hồi, Quan Hoa... thông số quan trắc bụi tổng số (TSP), CO, SO2, NO2 đều vượt ngưỡng quy chuẩn 1,04 - 2 lần. Chất lượng môi trường không khí tại các tuyến giao thông, hầu hết đều vượt quy chuẩn từ 1,3 đến 2 lần.

Hoạt động giao thông, xây dựng và ý thức của người dân được coi là nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm bụi. Theo Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình, Hà Nội có hơn 5,3 triệu phương tiện giao thông cơ giới được đăng ký, chưa kể xe vãng lai từ các địa phương khác. Không chỉ gây ra vấn nạn ùn tắc giao thông, đây chính là nguyên nhân khiến lượng khí thải gia tăng, tác động xấu tới môi trường. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho rằng, hoạt động xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng là nguồn phát tán bụi gây ô nhiễm. Đặc biệt, các lò gạch thủ công tạo ra các loại khí độc, bụi siêu mịn… ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động và cộng đồng lân cận.

Để góp phần giảm ô nhiễm không khí, ông Trần Kỳ Hình kiến nghị: Với hơn 10.000 xe ô tô đã hết niên hạn và xe quá hạn kiểm định, thành phố cần phối hợp, chỉ đạo xử lý. Nếu phát hiện xe vi phạm, thu hồi biển số, kiên quyết loại bỏ theo quy định. Còn TS Hoàng Dương Tùng đề xuất, để giảm ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm bụi, mỗi người phải tự ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường. "Những chỉ số chúng tôi cảnh báo là để mỗi người tự thấy trách nhiệm của mình" - ông Tùng cho biết. Phương tiện cá nhân ở Hà Nội tăng từng ngày. Do vậy phải kiểm soát chất lượng, số lượng phương tiện và nhiên liệu sử dụng. Cùng với đó, phát triển hệ thống giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân; kiểm soát các công trình xây dựng, hạn chế đốt rơm rạ, đốt rác.

Hiện, Hà Nội đang triển khai kế hoạch chống ồn, chống bụi, với rất nhiều mục tiêu cụ thể, như ngăn ngừa, kiểm soát, xử lý, giảm phát sinh các nguồn gây ô nhiễm không khí; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường; tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân hướng tới phát triển bền vững. Cùng với đó, hoàn chỉnh hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; ngăn chặn nguồn phát sinh bụi... Tuy nhiên, đây là một quá trình liên tục, lâu dài; phải áp dụng nhiều giải pháp từ truyền thông, cơ chế chính sách, cải tiến công nghệ đến quy hoạch. Đặc biệt, cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng, bắt đầu từ chuyển biến về ý thức của mỗi người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm ô nhiễm bụi ở Hà Nội: Bắt đầu từ ý thức mỗi người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.