Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm nghèo vẫn chưa bền vững

Hiền Thu| 29/09/2018 06:41

(HNM) - Hai năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về “Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020” (giai đoạn 2017-2018) đã mang lại nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ giảm nghèo đạt mục tiêu đề ra.

Cho vay vốn kết hợp với hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân sản xuất là giải pháp thoát nghèo bền vững. Ảnh: Bá Hoạt


Tỷ lệ hộ nghèo phát sinh khá lớn

Theo báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về "Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020" (giai đoạn 2017-2018) của Chính phủ, tổng nguồn lực ngân sách trung ương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 khá lớn. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1722/QĐ-TTg là 41.449 tỷ đồng, trong đó số vốn bố trí cho các địa bàn khó khăn, vùng dân tộc thiểu số chiếm trên 90% tổng số vốn của chương trình. Ngân sách nhà nước đã bố trí 44.214 tỷ đồng trong năm 2016-2017 để thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên...

Cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, các địa phương đã thực hiện huy động thêm nguồn lực xã hội để thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Tổng số tiền huy động dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong năm 2016 là trên 7 nghìn tỷ đồng, năm 2017 là gần 6 nghìn tỷ đồng, trong 6 tháng đầu năm 2018 là 3.600 tỷ đồng…

Đến hết năm 2017, tổng số hộ nghèo trên tổng số hộ dân là tương ứng 6,7%. Ước đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 6%... Kết quả giảm nghèo trong 2 năm (2016-2017) đạt mục tiêu Quốc hội giao nhưng chưa thực sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo bình quân 5,1%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo. Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, bằng 22,98% so với tổng số hộ thoát nghèo.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Đến tháng 3-2018, tuy đã có 8/64 huyện thoát nghèo; 14/30 huyện hưởng chương trình thoát nghèo nhanh và bền vững ra khỏi tình trạng khó khăn nhưng lại bổ sung 29 huyện vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018-2020. 12 tỉnh có tỷ lệ tái nghèo tăng rõ rệt; số hộ tái nghèo bằng khoảng 1/20 số hộ thoát nghèo; số hộ nghèo mới phát sinh bằng khoảng 1/4 số hộ thoát nghèo. Nhiều tỉnh thuộc khu vực bị thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng có tỷ lệ phát sinh hộ nghèo mới hằng năm rất cao. Bên cạnh đó, tốc độ giảm nghèo không đồng đều; nhiều huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm trên 50%...

Nhận diện chính xác để có giải pháp phù hợp

Hà Nội ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai và gia đình có công với cách mạng. Ảnh: Hữu Tiệp


Một số hạn chế trong công tác giảm nghèo đã được nhận diện rõ trong giai đoạn trước nhưng đến nay chưa được khắc phục. Đó là: Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững; còn phổ biến tình trạng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước; sự phức tạp, phân tán, chồng chéo của hệ thống văn bản về giảm nghèo…

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, công tác tuyên truyền còn nhiều bất cập, chưa khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo. Quá trình tổ chức rà soát, bình xét hộ nghèo còn hạn chế do tình trạng nể nang hoặc trục lợi chính sách. Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi: Cùng chính sách nhưng vì sao có nơi thực hiện giảm nghèo nhanh, có nơi thực hiện chậm? Ngoài yếu tố khách quan là thiên tai, bão lũ thì cần đánh giá nguyên nhân chủ quan một cách chính xác.

Ở một góc nhìn khác, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề xuất, cần tích hợp các văn bản, chính sách, tập trung phát triển hạ tầng, dành nguồn lực tạo sinh kế, vốn, đất đai để người dân có tư liệu sản xuất. Chính sách hỗ trợ phải tính đến tình hình cụ thể của từng địa bàn, có chính sách đặc thù đối với vùng đặc thù.

Nhận định công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh cao, không hợp lý giữa các vùng miền, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, cần xác định rõ trách nhiệm của từng địa phương trong công tác giảm nghèo, chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng nhiều hộ không muốn thoát nghèo; chỉ ra nguyên nhân, trách nhiệm của từng cá nhân, từng cấp chính quyền trong công tác này.

Trên thực tế, đã có những địa phương ban hành chính sách riêng, thể hiện cách làm sáng tạo trong công tác giảm nghèo theo cách tiếp cận đa chiều, bước đầu mang lại kết quả đáng khích lệ. Tiêu biểu như mô hình “Tổ tự quản giảm nghèo” tại TP Hồ Chí Minh, “3 hộ khá giúp 1 hộ nghèo” tại Đồng Tháp...

Chỉ còn hai năm nữa để hoàn thành thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về "Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020". Do đó, các cơ quan chức năng cần nhìn thẳng vào những hạn chế và có giải pháp để chính sách giảm nghèo đến đúng đối tượng. Trong đó, ưu tiên tập trung hỗ trợ đối với hộ nghèo là gia đình có công với cách mạng và các địa phương chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của TP Hà Nội giảm đều hằng năm.

Năm 2017, toàn thành phố giảm hơn 15.000 hộ nghèo, tương đương 0,68%, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,69%. Điển hình là huyện Quốc Oai giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,5%; quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân... cơ bản không còn hộ nghèo. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo như hỗ trợ về giống, vốn, tư liệu sản xuất, hỗ trợ về nhà ở và các chính sách an sinh xã hội..., dự kiến trong năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo ở Hà Nội giảm xuống dưới 1,2%.

So với chuẩn nghèo chung của cả nước, số hộ nghèo trên địa bàn TP Hà Nội còn không đáng kể.

Minh Ngọc


(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảm nghèo vẫn chưa bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.