(HNM) - Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho người dân đặc biệt là khu vực nông thôn được thành phố coi trọng và là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và huy động nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo, giữa thành thị và nông thôn còn lớn. Thực tế này đã được mổ xẻ tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với UBND, các sở, ngành của TP Hà Nội ngày 20-12.
Để giảm thiểu tình trạng tái nghèo, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, cần mở rộng hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất cho các hộ gia đình. Ảnh: Yến Ngọc |
Theo Giám đốc Sở LĐ,TB& XH Hà Nội Khuất Văn Thành, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Hà Nội vẫn ưu tiên nhiều nguồn lực cho lĩnh vực giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Tính từ năm 2007- 2011 đã có 9.659 người nghèo được học miễn phí tin học, nấu ăn, dệt may, sửa chữa xe… (tương ứng với 24,2 tỷ đồng). Ngoài ra, thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ năm 2010 đến năm 2012 đã có 1.868 người dân tộc thiểu số, 198 người khuyết tật, 666 người thuộc hộ cận nghèo được tham gia học những nghề đang thịnh hành, trong đó khoảng 70% học viên tìm được việc làm. Không chỉ hỗ trợ người nghèo có nghề nghiệp và sản xuất kinh doanh ổn định, thành phố còn miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh có cha mẹ thường trú tại 15 xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã miền núi, xã giữa sông. Để khơi dậy ý chí vươn lên của người dân, UBND, MTTQ TP Hà Nội đã triển khai chính sách giải quyết nhà ở theo công thức 1+1+1, nghĩa là UBND TP - MTTQ và người dân cùng đóng góp để xây dựng nhà ở. Cụ thể, ngân sách nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng/nhà, Quỹ Vì người nghèo hỗ trợ 5 triệu đồng/nhà và mỗi hộ dân đóng góp tối thiểu 5 triệu đồng/nhà. Ngoài ra, hộ nghèo có nhu cầu còn được vay 8 triệu đồng/nhà từ Ngân hàng Chính sách xã hội với thời hạn vay tối đa là 10 năm, lãi suất chỉ 3%/năm.
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm nhanh qua từng năm, tính đến năm 2013 đã giảm hơn 50% hộ nghèo so với năm 2005 - hiện còn khoảng 2,6% hộ nghèo. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, dù Hà Nội về đích sớm trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đi đầu trong phân loại nhóm không thể thoát nghèo chuyển sang bảo trợ xã hội và có mức bảo trợ xã hội hằng tháng cao hơn nhiều nơi… nhưng kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn còn lớn. Trong khi việc giảm nghèo bền vững còn nhiều thách thức, thì Hà Nội lại phải đối mặt với việc thiếu cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực này khiến một số quận, huyện còn lúng túng trong triển khai thực hiện. Đơn cử như tại phường Thạch Bàn (quận Long Biên), chính sách giảm nghèo mới chỉ tác động đến người nghèo tức là họ nghèo rồi mới hỗ trợ mà chưa chú trọng đến giải pháp phòng ngừa dẫn đến nghèo; phương pháp hỗ trợ đối tượng hộ cận nghèo còn ít và cũng chưa có chính sách giúp đỡ hộ mới thoát nghèo.
Ghi nhận những nỗ lực của Hà Nội trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bên cạnh các chính sách hiện hành, thành phố cần nghiên cứu cơ chế khích lệ ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân, đồng thời, cần xác định nguyên nhân nghèo của từng hộ gia đình để có các giải pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả, theo hướng tăng cường chính sách đầu tư, tạo việc làm ổn định thay vì chính sách hỗ trợ trực tiếp.
Đồng tình với quan điểm này và thông qua thực tiễn ở cơ sở, đại diện huyện Ba Vì và quận Long Biên còn cho rằng, chính sách đối với người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo đã có tương đối đầy đủ, nhưng văn bản hướng dẫn chi tiết ban hành thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho các đơn vị tổ chức thực hiện. Bộ LĐ,TB&XH cần ưu tiên bổ sung nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo. Đặc biệt, để giúp các hộ tránh tái nghèo nên tiếp tục xem xét cho các hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất thêm một chu kỳ.
Nhằm khắc phục tình trạng cán bộ thực hiện chính sách lao động xã hội cấp xã, phường phải kiêm nhiệm nhiều việc, Giám đốc Sở LĐ, TB&XH Khuất Văn Thành kiến nghị Bộ LĐ,TB&XH, Bộ Nội vụ nghiên cứu có hỗ trợ cho nhóm đối tượng này. Đồng thời, cần điều chỉnh mức hưởng bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh của đối tượng cận nghèo từ 80% lên 95% như đối tượng người nghèo. Về chính sách hỗ trợ tiền cho hộ nghèo, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị cần đơn giản hóa thủ tục, tránh để người dân phải đi lại nhiều lần, gây tốn kém, vừa có thể khiến một bộ phận bà con hiểu lầm cán bộ thực thi công vụ cố tình sách nhiễu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.