Thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn được đông đảo dư luận đồng tình cùng với hy vọng giảm áp lực thi cử, việc dạy học sẽ đi vào thực chất. Nhưng còn không ít lo ngại có “đổi” mà không có “mới”.
Với các em học sinh (HS), không có lý do gì để không ủng hộ từ thi 6 môn bắt buộc xuống còn 4 môn lại được tự chọn một số môn. Không phấn khởi sao được khi cái lợi trước mắt là các em giảm ngay áp lực việc học để thi. Và càng phấn khởi hơn khi được tự chọn môn thi, các em có thể kết hợp “hai trong một” giữa kỳ thi tốt nghiệp và ĐH - CĐ.
Học sinh TPHCM trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2012 - 2013. |
Lâu nay, thi 6 môn thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp vẫn cao chót vót, rất nhiều ý kiến đề nghị bỏ ngay kỳ thi này. Với những thay đổi trong kỳ thi năm nay đã có không ít lời dự báo tỷ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ phải trên 99,9%, rất khó để... trượt. Không phấn khởi sao được.
Giáo viên, nhà quản lý giáo dục chờ đợi việc giảm số lượng môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay đồng nghĩa chất lượng giáo dục sẽ thay đổi khi việc dạy học được tháo gỡ "dây trói" thi cử.
Một hiệu trưởng ở TPHCM chia sẻ, trước đây giáo viên đứng lớp luôn phải chăm chăm dạy học theo cách “gò” HS để các em vượt qua các kỳ thi. Họ không dám thay đổi cách dạy học, không dám đặt chất lượng lên hàng đầu vì sợ các em đi “chệch đường ray” là một lộ trình thi cử phía trước. Áp lực thi cử giảm được kỳ vọng như là tiền để giáo viên dạy thật và HS học thật.
Bên sự phấn khởi đó, người này cũng tỉnh táo cho rằng, kỳ vọng đó chỉ đạt được khi giáo viên thật sự có khát khao, phương pháp và khả năng để tổ chức đổi mới việc dạy học. HS phải có một mục tiêu, tinh thần học tập đúng đắn thôi thúc. Còn ngược lại, việc giảm môn thi đơn thuần là để trút được gánh nặng mà thiếu đi sự dấn thân, đổi mới phương pháp trong dạy và học thì nguy cơ HS học lệch là hoàn toàn có cơ sở. Nhất là khi tâm lý học để thi, thi gì học nấy đã ăn sâu vào tiềm thức của người dạy lẫn người học.
Liên hệ với việc thay đổi trong tuyển sinh vào lớp 10 của TPHCM năm học 2014 - 2015, sẽ phần nào thấy mối lo này đang hiện hữu. Năm nay, TPHCM sẽ bỏ hình thức xét tuyển vào lớp 10 được thực nhiều lâu nay ở một số quận huyện, thay vào đó tất cả HS phải thi tuyển. Thay đổi như thể đi ngược xu thế này là quá trình ngành ghi nhận từ thực tế các cơ sở xét tuyển: không thi nên HS không học.
Trao đổi với học trò về những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay, ông Nguyễn Hoài Chương - Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ, ông ủng hộ việc HS được lựa chọn môn thi. Nhưng cũng lo ngại nếu HS thiếu mục tiêu học tập nghiêm túc, không hiểu hết giá trị của các môn học thì rất khó thể sẽ học lệch với hậu quả nguy hại khi các em vào đời với khả năng và tâm hồn què quặt.
Phải chăng chúng ta đang quá tập trung một cách loay hoay vào việc thi cái gì, thi ra sao mà chưa thật sự chú trọng đến việc xây dựng thái độ đúng đắn với các môn học; tạo động lực để người thầy cống hiến cho nghề; khích lệ tinh thần học tập, đam mê tìm tòi nhằm phát huy phẩm chất và năng lực bản thân của người học. Một khi mục tiêu giáo dục đi đúng hướng thì việc thi cái gì, quy chế thi thế nào sẽ không còn quá quan trọng và nặng nề như hiện nay đối với cả thầy lẫn trò.
Nói như vậy không có nghĩa là không ủng hộ việc cải cách thi cử nhưng không phải cứ giảm tải là xong mà việc cần hơn hết là sau việc giảm đó, chúng ta sẽ làm gì để giáo dục đi vào đúng bản chất. Nếu không mọi thay đổi sẽ chỉ là hình thức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.