(HNM) - Sau 4 năm ban hành, chịu ảnh hưởng, tác động của tốc độ lạm phát và giá cả leo thang thời gian qua nên một số điểm của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã không còn phù hợp.
Trước thực tế đó, Bộ Tài chính đang yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp thống kê, phản ảnh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Thuế TNCN để chậm nhất đến hết quý I-2011 sẽ đưa ra phương án sửa đổi một số điểm của luật này. Đây được xem là giải pháp cần thiết để giảm bớt khó khăn, thiệt thòi cho người nộp thuế. Rất nhiều ý kiến gửi về Ban Bạn đọc Báo Hànộimới bày tỏ sự đồng tình với phương án này, đồng thời nêu một số băn khoăn, kiến nghị.
Mức khởi điểm chịu thuế TNCN không còn phù hợp khi giá cả các mặt hàng thực phẩm liên tục tăng trong thời gian vừa qua. Ảnh: Thái Hiền |
Anh Nguyễn Bùi Khiêm (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy):
Thuế TNCN không theo kịp tốc độ trượt giá
Theo quy định tại Luật Thuế TNCN ban hành năm 2007, một người có thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng (không có người phụ thuộc) sẽ phải nộp thuế TNCN đối với phần thu nhập trên 4 triệu đồng. Nếu người nộp thuế có người phụ thuộc thì mức triết trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng. Vào thời điểm năm 2007, theo tôi mức tính thuế như trên là hợp lý. Tuy nhiên, kể từ khi Luật Thuế TNDN được ban hành đến nay, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam đã từ mức 1 con số lên mức 2 con số (11,75% vào năm 2010), chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng. Trong 4 năm, tiền lương tối thiểu cũng được điều chỉnh tăng vài lần… chỉ riêng mức khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế TNDN là không thay đổi. Luật Thuế TNDN đã lạc hậu với mức sống của đa số người dân, do đó vấn đề cấp bách đặt ra là cần phải nhanh chóng sửa đổi một số điểm của bộ luật này. Theo tôi, để hạn chế tối đa tình trạng sửa đổi luật, Bộ Tài chính nên đề nghị tính mức khởi điểm thu nhập chịu thuế luôn ở mức gấp 8-10 lần lương tối thiểu. Như vậy, khi lương tối thiểu tăng lên, mức thu nhập chịu thuế cũng tăng theo mà không cần ban hành các văn bản sửa đổi, điều chỉnh lại Luật Thuế TNCN.
Ông Mai Anh Tú (phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng):
Cần giảm trừ cả những khoản chi tạo ra nguồn thu nhập
Theo tôi, phương thức tính thu nhập chịu thuế hiện nay còn nhiều điểm chưa phù hợp. Luật Thuế TNCN chỉ mới chấp nhận việc giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc, nhưng trên thực tế, có rất nhiều khoản giảm trừ quan trọng như chi phí tạo nên thu nhập đã bị cơ quan chức năng "bỏ qua". Ví dụ, một bác sĩ, luật sư, giám đốc… có thu nhập hằng tháng lên tới cả trăm triệu đồng, nhưng để có mức thu nhập này, họ thường xuyên phải bỏ ra các khoản chi phí để học tập, mua sắm trang thiết bị, trau dồi nghiệp vụ, chuyên môn, mở rộng mối quan hệ… Song tất cả các chi phí đó đều không được cơ quan thuế tính đến. Tất cả mọi đối tượng đều được "áp" chung mức thuế "khoán" khởi điểm chịu thuế TNCN là 4 triệu đồng. Điều này dẫn đến cơ chế "cào bằng", thu nhập ngang nhau, mức triết trừ gia cảnh bằng nhau, tất yếu có mức nộp thuế TNCN như nhau. Trong khi ở các nước tiên tiến, hai người có thu nhập ngang nhau, nhưng số thuế phải nộp của hai người sẽ khác nhau vì mỗi người có một mức chi phí riêng tạo ra nguồn thu nhập.
Chị Lê Hồng Hoa (phường Trúc Bạch, quận Tây Hồ):
Không nên cố định mức triết trừ gia cảnh
Có điều kiện đi một số nước tiên tiến trên thế giới, tôi thấy mức tính thuế TNCN của họ rất linh động và hiện đại. Thuế TNCN chỉ được tính sau khi đã giảm trừ tất cả những chi phí đủ bảo đảm cho đời sống của người lao động. Còn ở Việt Nam, Luật Thuế TNCN chỉ sau 4 năm ban hành đã tỏ ra quá lạc hậu, bởi mức tối thiểu để bảo đảm cho cuộc sống hiện nay là bao nhiêu, không nhà làm luật nào trả lời được. Rút kinh nghiệm sau mấy năm áp dụng Luật Thuế TNCN, theo tôi, chúng ta nên gắn mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc theo mức lương tối thiểu là phù hợp nhất. Ví dụ, mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế gấp 10 lần lương tối thiểu/tháng, mức giảm trừ cho người phụ thuộc tương đương 4 lần mức lương tối thiểu/tháng. Khi lương tối thiểu tăng, tất yếu mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc cũng được điều chỉnh tương ứng, phù hợp với mặt bằng chung. Quốc hội sẽ không phải sửa đổi luật nhiều lần. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cần kiến nghị sửa mức thu nhập làm căn cứ xác định người phụ thuộc vì mức quy định hiện hành quá thấp, chỉ 500.000 đồng/tháng. Với những người có mức lương hưu, trợ cấp 500.000 đồng/tháng, thấp hơn cả mức lương tối thiểu, đa số đều phải sống phụ thuộc vào sự chu cấp của người thân, nhưng lại không được tính là người phụ thuộc. Đây là điều vô lý.
Ông Vũ Văn Sơn (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm):
Tỷ lệ thất thu thuế rất cao
Dù Luật Thuế TNCN được ban hành đã 4 năm, nhưng tôi thấy tỷ lệ thất thu còn rất lớn. Đa số nguồn thu thuế TNCN chỉ tập trung vào các cơ quan nhà nước, còn các doanh nghiệp tư nhân, người có nhiều nguồn thu nhập… cơ quan quản lý hầu như không thể kiểm soát. Sở dĩ có tình trạng này là do đến nay chúng ta chưa triển khai được việc khấu trừ thuế TNCN ngay tại nguồn mà chỉ có thể thu thuế dựa vào sự tự giác kê khai của người dân. Đây là điểm mà cơ quan chức năng cần lưu tâm, có biện pháp xử lý kịp thời để kiểm soát nguồn thu, giảm nhẹ bộ máy hành thu, hạn chế tối đa tình trạng thất thu thuế. Kinh nghiệm một số nước cho thấy, thuế TNCN chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng nguồn thu NSNN. Việt Nam đang trong giai đoạn đầu thực hiện Luật thuế TNCN, vì vậy cơ quan quản lý nên đặt mục tiêu kiểm soát được các nguồn thu của người nộp thuế, sau đó mới nghĩ đến việc điều tiết thuế ở mức cao hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.