Xã hội

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà: Vui xuân, đón Tết, không lơ là với dịch bệnh

Thu Trang thực hiện 14/01/2024 - 06:46

Thông thường vào thời điểm trước, trong và sau Tết, nhu cầu giao thương, đi lại của người dân tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số ca mắc bệnh và nhập viện.

Trước thực tế đó, ngành Y tế Thủ đô đã lên phương án ứng phó như thế nào để người dân vui xuân, đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 an toàn? Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà.

cdn-congly-vn_giam-doc-so-y.jpg
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà.

Chủ động kiểm soát dịch bệnh từ sớm, từ xa

- Xin bà cho biết tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội hiện nay như thế nào?

- Hiện tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô đang được kiểm soát, không có đột biến. Riêng dịch bệnh sốt xuất huyết trong năm 2023 diễn biến phức tạp với hơn 40.000 ca mắc (gấp hơn 2 lần so với năm 2022), trong đó có 4 ca tử vong; đến nay đã giảm mạnh nhờ thành phố triển khai nhiều biện pháp quyết liệt và đồng bộ. Cụ thể, trong tuần (từ ngày 5 đến 12-1), trên địa bàn thành phố chỉ ghi nhận 95 trường hợp mắc sốt xuất huyết; trong khi vào thời điểm cuối tháng 10 và đầu tháng 11-2023 ghi nhận từ 2.600 đến 2.700 ca/tuần.

Dù vậy, miền Bắc đang vào giai đoạn mùa đông - xuân, thời tiết gió mùa lạnh, hanh khô là điều kiện thuận lợi khiến các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện và lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng các dịch bệnh truyền nhiễm. Do đó, chúng ta không nên lơ là, chủ quan mà cần cảnh giác phòng ngừa từ sớm, từ xa trước các loại dịch bệnh.

- Ngành Y tế Thủ đô đã lên phương án kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm trong mùa đông - xuân, nhất là vào dịp Tết và lễ hội xuân sắp tới như thế nào?

- Với mục tiêu không để bùng phát dịch lớn trên địa bàn; kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết, ngay từ đầu năm 2024, ngành Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác giám sát dịch (giám sát ca bệnh, giám sát véc tơ, giám sát ổ dịch cũ...). Đồng thời, ngành Y tế giám sát trọng điểm tại các bệnh viện trên địa bàn; nâng cao chất lượng công tác giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để. Thường xuyên cập nhật thông tin các bệnh dịch mới nổi có nguy cơ xâm nhập tại các nước trong khu vực và trên thế giới, chủ động giám sát không để dịch xâm nhập vào thành phố.

Cùng với đó, ngành Y tế tiếp tục triển khai tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, bảo đảm an toàn tiêm chủng, nâng cao chất lượng và tỷ lệ tiêm chủng; tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch của các quận, huyện, thị xã và các đơn vị…

- Công tác khám, chữa bệnh được triển khai thế nào để bảo đảm đáp ứng kịp thời các tình huống cấp cứu người bệnh trong những ngày nghỉ Tết, thưa bà?

- Cùng với nguy cơ bệnh truyền nhiễm gia tăng, thông thường vào thời điểm giáp Tết dễ phát sinh các vấn đề về sức khỏe do lịch sinh hoạt, ăn uống bị đảo lộn, nhu cầu đi lại, tình trạng lạm dụng rượu, bia của người dân gia tăng, kéo theo là các ca tai nạn giao thông phải nhập viện cũng tăng lên… Để bảo đảm công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán, ngành Y tế Hà Nội đã sớm xây dựng kế hoạch, yêu cầu các bệnh viện rà soát bảo đảm mọi điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; nâng cao năng lực thu dung, điều trị… để bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh được xuyên suốt và toàn diện, đáp ứng nhanh, kịp thời các tình huống cấp cứu cho bệnh nhân trong những ngày nghỉ Tết.

Chúng tôi cũng yêu cầu các bệnh viện không được từ chối hoặc chậm trễ trước bất cứ trường hợp cấp cứu nào. Trong trường hợp người bệnh nhập viện không đúng tuyến, không đúng chuyên khoa, các kíp trực phải xử lý cấp cứu ban đầu, khi bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy hiểm thì mới được chuyển họ tới các cơ sở y tế đúng tuyến.

phun-thuoc-phong-chong-dic.jpg
Phun thuốc phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Đỗ Tâm

Không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, tăng giá thuốc

- Điều người dân lo lắng nhất là thiếu thuốc chữa bệnh và tình trạng đầu cơ, lợi dụng dịp Tết, lợi dụng các dịch bệnh dễ xảy ra trong mùa đông - xuân để tăng giá thuốc. Vậy, vấn đề này được ngành Y tế Thủ đô giải quyết ra sao, thưa bà?

- Giống như mọi năm, Sở Y tế Hà Nội đều quán triệt các đơn vị trong toàn ngành và đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố chuẩn bị đủ thuốc và xây dựng kế hoạch dự trữ thuốc. Đặc biệt, các cơ sở y tế cần chú ý dự trữ đủ thuốc cấp cứu, điều trị những loại bệnh thường gặp trong mùa đông - xuân và trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán, như: Covid-19, sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng, sởi, rubella, tiêu chảy do vi rút Rota, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa… Mặt khác, chúng tôi cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh dược triển khai kế hoạch dự trữ thuốc và tăng cường các biện pháp quản lý không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến vào dịp nghỉ Tết kéo dài và khi bùng phát dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu khám, chữa bệnh.

Đối với phòng y tế các quận, huyện, thị xã, Sở Y tế thành phố cũng yêu cầu phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện quy định chuyên môn về dược, quy định về kinh doanh thuốc và mỹ phẩm đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Đặc biệt, chú trọng công tác phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành, găm hàng, tăng giá… và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm được phát hiện.

- Trong những ngày nghỉ Tết, các nhà thuốc, quầy thuốc được bố trí như thế nào để cung ứng thuốc kịp thời cho người dân, thưa bà?

- Cùng với các nhà thuốc trong khuôn viên bệnh viện trực thuộc ngành Y tế tổ chức trực bán thuốc 24/24 giờ trong những ngày nghỉ Tết, còn có các nhà thuốc, quầy thuốc được phân bố tại khắp các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Danh sách các điểm bán lẻ thuốc trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2024 sẽ được đăng tải công khai trên trang web (https://soyte.hanoi. gov.vn/) và trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết. Ngành Y tế Thủ đô cũng sẽ cử cán bộ trực 24/24 giờ trong các ngày nghỉ Tết để theo dõi, nắm bắt tình hình và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp cứu, cung ứng thuốc phục vụ chữa bệnh.

- Bà có lời khuyên gì với người dân trong việc giữ gìn sức khỏe để đón Tết vui tươi, an toàn?

- Để Tết bình an, hệ thống y tế không quá tải, mỗi người dân không nên chủ quan bỏ qua các biện pháp phòng bệnh cần thiết. Cụ thể, người dân cần chủ động đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người; thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Ngoài ra, người dân thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng; tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở… Những người có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh cần hạn chế tiếp xúc gần với người khác, đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ cao (người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền); chú ý tiêm phòng đối với các bệnh đã có vắc xin. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời; tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.

Đặc biệt, người dân nên hạn chế uống rượu, bia, nhất là trong trường hợp phải điều khiển phương tiện giao thông để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Cùng với đó, lựa chọn thực phẩm an toàn, ăn chín, uống sôi để tránh ngộ độc thực phẩm. Riêng các trường hợp mắc bệnh mạn tính phải tuân thủ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là thuốc huyết áp để phòng ngừa tai biến mạch máu não trong mùa lạnh.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà: Vui xuân, đón Tết, không lơ là với dịch bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.