(HNMO) - Tiến sỹ John Blandford, Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam đã chia sẻ với PV HNMO tại sự kiện K=K (Không phát hiện = Không lây nhiễm HIV), do Trường Đại học Y Hà Nội và CDC Việt Nam tổ chức mới đây.
Tiến sỹ John Blandford, Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam. |
- Tại sao ông chọn ngày hôm nay để công khai về bản thân mình?
- Có 2 lý do chính tôi muốn chia sẻ về bản thân tôi ngày hôm nay. Thứ nhất với cương vị Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, tôi muốn truyền tải tới tất cả mọi người thông điệp mang tính chất khoa học, để khẳng định rằng đây là bằng chứng chính xác của K=K. Và trải nghiệm của chính bản thân tôi chính là bằng chứng sống để chứng minh cho thông điệp đó.
Với vai trò của CDC tại Việt Nam, tôi mong muốn thông điệp này lan tỏa càng rộng càng tốt, để nhiều người nắm được thông tin thì càng nhiều người được hưởng lợi từ việc tham gia điều trị và tuân thủ điều trị ARV.
Mục đích thứ hai là tôi muốn mình chính là tấm gương để tất cả những người trong cộng đồng người đồng tính nam, người chuyển giới và người có HIV thấy rằng tôi là người mạnh dạn chia sẻ như thế thì tại sao họ không chia sẻ, không bộc lộ bản thân.
Mọi người hãy chia sẻ với cộng đồng của mình, chia sẻ với cộng đồng lớn hơn nữa - những người có nguy cơ lây nhiễm HIV, người chưa điều trị và người đã điều trị ARV, hay những người chịu ảnh hưởng bởi HIV. Khi đó, sức mạnh lan tỏa sẽ lớn hơn rất nhiều so với những thông điệp đi từ những người không ở trong cuộc.
Có một thông tin tôi muốn chia sẻ thêm, đó là tôi và người bạn đời của mình đã chung sống với nhau 23 năm. Và trong suốt quá trình đó, người bạn đời của tôi âm tính với HIV và tôi không hề lây truyền HIV sang cho anh ấy. Vì tôi tuân thủ điều trị ARV trong suốt 16 năm (từ năm 2002) nên bạn đời của tôi không bị vấn đề gì... Điều đó cho thấy việc tham gia điều trị sớm và tuân thủ điều trị ARV vô cùng quan trọng.
- Có phải lý do ông là gay và đang sống chung với HIV nên CDC Hoa Kỳ đã chọn ông là Giám đốc CDC Việt Nam?
- Câu trả lời của tôi là không. Lý do tại sao tôi bắt đầu sự nghiệp của mình với CDC Hoa Kỳ là khi tôi bắt đầu biết mình có HIV. Khi ấy tôi quyết định chuyển sang làm việc, nghiên cứu và làm đề tài tiến sỹ trong lĩnh vực y tế công cộng. Khi vào làm việc trong lĩnh vực này tôi mới xin vào làm việc tại CDC Hoa Kỳ. Tại đây tôi tập trung rất nhiều vào công tác nghiên cứu khoa học để thu thập bằng chứng, để hiểu về bản thân mình và những vấn đề liên quan đến HIV.
Chính vì thế trong thời gian này tôi rất kín tiếng, không chia sẻ, bộc lộ tình trạng của mình. Nhưng về sau, khi tôi càng ngày càng nắm được thông tin và có nhiều bằng chứng khoa học hơn về K=K thì tôi bắt đầu chia sẻ, bộc lộ về mình.
Tôi từng nắm giữ vai trò rất quan trọng ở CDC Hoa Kỳ. Nhưng vì nhu cầu của Việt Nam nên năm 2016 tôi được cử sang Việt Nam làm Giám đốc CDC tại đây. Lý do tại sao tôi sang đây là vì tôi biết tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người có HIV ở Việt Nam vẫn rất nghiêm trọng.
Chính vì điều đó khiến những người có nguy cơ bị HIV không đi xét nghiệm vì họ sợ rằng nếu đi xét nghiệm họ sẽ bị kỳ thị, bị phân biệt đối xử. Vì sợ như vậy nên họ không đi điều trị, không muốn lộ diện hoặc không muốn điều trị tại nơi gần nhà họ.
Tôi muốn lấy bản thân mình ra để làm tấm gương nhằm xóa bỏ sự mặc cảm, sự kỳ thị để khuyến khích tất cả mọi người có nguy cơ nên đi xét nghiệm. Những ai chưa biết tình trạng của mình thì nên đi xét nghiệm HIV. Ai đã biết rồi thì cố gắng đi điều trị càng sớm càng tốt. Việc điều trị sớm và tuân thủ điều trị để có được lợi ích không phát hiện tải lượng HIV thì sẽ không lây truyền cho người khác (K=K).
Và đó là một trong những lý do tôi sang Việt Nam. Tôi mong rằng sự bộc lộ của tôi hôm nay sẽ góp phần rất lớn cho việc xóa bỏ sự kỳ thị và phân biệt đối xử trong cộng đồng của người Việt.
- Ông có thể chia sẻ về kết quả đạt được sau khi ông sang làm Giám đốc CDC Việt Nam?
- Một trong những thành công lớn nhất mà tôi đến với Việt Nam là đã giúp Việt Nam triển khai được hoạt động làm xét nghiệm tải lượng HIV cho những bệnh nhân đang điều trị thuốc ARV tại Việt Nam.
Đóng góp này vô cùng quan trọng và giúp bộc lộ tỷ lệ tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện là rất cao, cao nhất thế giới. Qua sự chuyển giao chương trình, CDC không hỗ trợ trực tiếp việc làm xét nghiệm tải lượng HIV nữa, nhưng vẫn đóng góp vào việc hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng kế hoạch cũng như điều phối với các nhà tài trợ khác để đảm bảo việc xét nghiệm tải lượng HIV được cung ứng cho tất cả mọi người.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.