Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm cử tri “chuyên nghiệp”

Bảo Vy| 15/03/2016 06:31

(HNM) - Tiếp xúc cử tri (TXCT) là hoạt động đặc trưng, quan trọng của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND nhằm giữ mối liên hệ với cử tri, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của nhân dân; đồng thời có thêm căn cứ phục vụ công tác giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước.



Trong nhiệm kỳ 2011-2016, hoạt động TXCT được HĐND các cấp chú trọng đổi mới. Nhiều nơi đã tổ chức cho các tổ đại biểu HĐND tiếp xúc trực tiếp với cử tri tại tổ dân phố, gặp người lao động để tiếp nhận ý kiến phản ánh thực tiễn. Có nơi, trước buổi tiếp xúc, HĐND cung cấp thông tin, tài liệu cho cử tri, nắm bắt rõ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và chủ động giải quyết những vấn đề bức xúc, vướng mắc trong điều kiện có thể… Tuy nhiên, theo dõi nhiều cuộc TXCT thì thấy sự xuất hiện của nhiều cử tri "chuyên nghiệp", thường là tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, cán bộ hưu trí, lãnh đạo các đoàn thể… Họ được mời tham dự hầu hết các cuộc TXCT của địa phương. Thậm chí có trường hợp, kỳ tiếp xúc nào cũng có mặt và có ý kiến kiến nghị. Ngoài đội ngũ cử tri "chuyên nghiệp" còn có tình trạng đại biểu tiếp xúc với "đại" cử tri thuộc các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị; rất ít cử tri ở địa bàn dân cư, lao động trực tiếp ở các đơn vị cơ sở.

Ưu điểm của những cử tri "chuyên nghiệp" là nắm được chủ trương, đường lối, chính sách để đề xuất, kiến nghị, nói năng rõ ràng, lưu loát hơn so với cử tri là người trực tiếp lao động. Tuy vậy, nếu chiểu theo nguyên tắc của hoạt động TXCT là đối tượng đa dạng, tạo cầu nối giữa nhân dân và chính quyền các cấp thì e là chưa tuân thủ nghiêm và đương nhiên, đại biểu ít nghe được ý kiến trực tiếp từ người dân.

Trong quy định không có khái niệm "đại" cử tri hay cử tri "chuyên nghiệp", nhưng thực tiễn vẫn diễn ra như vậy. Rõ ràng là cần tiếp tục đổi mới hoạt động TXCT, đa dạng nội dung, hình thức và thành phần tham dự. Ngoài tiếp xúc trước, sau các kỳ họp HĐND, các tổ đại biểu cần tiếp xúc theo ngành, lĩnh vực, chuyên đề để nắm bắt rõ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri. Địa điểm, thời gian TXCT được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng vẫn cần thông báo thông qua các đoàn thể, tổ dân phố, thôn, xóm không chỉ về ngày giờ, địa điểm mà cả nội dung các cuộc TXCT nhằm thu hút đông đảo cử tri là người lao động trực tiếp tham gia.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảm cử tri “chuyên nghiệp”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.