Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm chi tiêu công, loại nhà thầu yếu

Hồng Sơn| 10/03/2014 06:20

(HNM) - Luật Đấu thầu 2013 vừa được Quốc hội thông qua với vai trò là



Với những quy định mới, luật này được các cơ quan quản lý, chủ đầu tư và nhà thầu kỳ vọng sẽ cải thiện căn bản những tồn tại của luật cũ, triệt tiêu nạn "quân xanh, quân đỏ" cũng như bảo đảm điều kiện thuận lợi, phù hợp nhất để tăng cường hiệu quả sử dụng vốn của Nhà nước...

Luật Đấu thầu có hiệu lực từ ngày 1-7-2014 sẽ tạo điều kiện cho các nhà thầu tham gia cạnh tranh bình đẳng, minh bạch.


Điều chỉnh toàn bộ hoạt động chi tiêu, mua sắm công

Luật mới có hiệu lực từ ngày 1-7-2014 với nhiều điểm mới, nhất là sự gia tăng phạm vi điều chỉnh, bao trùm lên toàn bộ hoạt động mua sắm sử dụng vốn nhà nước, chi tiêu công. Cụ thể, luật quy định việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp đối với: Dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn nhà nước của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập; dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp (DN) nhà nước; dự án đầu tư phát triển của DN nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng hơn 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án; mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; mua sắm có sử dụng vốn nhà nước nhằm cung cấp sản phẩm dịch vụ công; mua hàng dự trữ quốc gia; mua thuốc, vật tư y tế sử dụng vốn nhà nước…

Bên cạnh đó, luật quy định rõ hơn về vấn đề phân cấp, làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng nhằm tránh tình trạng thiếu công khai, minh bạch; hoàn toàn bí mật về thông tin trong tổ chức đấu thầu như trước đây; gây khó khăn hoặc nảy sinh tiêu cực trong công tác đấu thầu. Ngược lại, từ nay trong quá trình triển khai đấu thầu, cơ quan cấp trên, tổ chức liên quan có thể yêu cầu bên mời thầu hoặc nhà thầu cung cấp thông tin, báo cáo những nội dung cần thiết, hoặc thực hiện thanh, kiểm tra để bảo đảm tính minh bạch khi có biểu hiện mập mờ cần can thiệp.

Các chuyên gia nhận xét rằng, quy định trên là những điểm mới hoàn toàn và khái niệm "bí mật" thông tin sẽ chỉ áp dụng với người không liên quan; còn lại thông tin có thể công khai với các đối tượng trong cuộc đấu thầu và cơ quan quản lý. Như vậy, tính công khai đã được bảo đảm và từ đó tạo niềm tin, thu hút sự quan tâm của giới nhà thầu, cũng như là cơ sở để có thể tuyển chọn được nhà thầu xứng đáng nhất. Một khi thông tin được công khai tức là nguy cơ "quân xanh, quân đỏ" bị triệt tiêu, tạo tiền đề cho sự lành mạnh trong quá trình triển khai đấu thầu.

Như vậy, cơ hội để phát sinh tiêu cực sẽ bị hạn chế, thậm chí không còn cơ hội tái diễn; tạo ra thời cơ và điều kiện rõ ràng đối với từng chủ đầu tư, nhất là cho những nhà thầu chân chính. Ngoài ý nghĩa và giá trị kinh tế còn mang lại hiệu quả cao, có tính chất bước ngoặt đối với hoạt động quản lý kinh tế, tài chính nói chung và đấu thầu nói riêng; Luật Đấu thầu 2013 trở thành công cụ hữu hiệu về công tác quản lý nhà nước trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách đang eo hẹp.

Đánh giá công tâm về năng lực nhà thầu

Đặc biệt, Luật Đấu thầu 2013 đã đưa ra giải pháp nhằm giải quyết, loại bỏ việc nhà thầu yếu kém về năng lực nhưng vẫn trúng thầu thông qua việc áp dụng phương thức đấu thầu "một giai đoạn hai túi hồ sơ" đối với gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa hoặc hỗn hợp. Theo đó, túi hồ sơ đề xuất về kỹ thuật của nhà thầu sẽ được mở để đánh giá trước nhằm lọc ra trước những nhà thầu đáp ứng được về kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật. Nếu đủ điều kiện thì ban tổ chức mới bóc tiếp túi hồ sơ về tài chính để cùng so sánh về giá giữa các nhà thầu nộp hồ sơ đăng ký tham gia. Đây là bước thay đổi về chất và đột phá bởi trước đây đơn vị tổ chức thường mở đồng thời cả 2 túi hồ sơ nói trên, nên trong một số trường hợp thì nhà thầu yếu đã được lựa chọn chỉ vì họ chào giá thấp, tức là "đánh" vào tâm lý mong muốn giảm chi phí của phần lớn chủ đầu tư. Từ nay, cách xử lý đã thay đổi căn bản và tổ chuyên gia sẽ có đủ cơ sở để đánh giá một cách chính xác công tâm về năng lực tổng thể của nhà thầu.

Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) xác nhận, Luật Đấu thầu mới có 2 điểm nổi bật là bảo đảm tính nhất quán và không có sự mâu thuẫn, chồng chéo như trước đây. Để kịp thời đưa luật vào cuộc sống, sắp tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ ban hành 2 nghị định, gồm: Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu trong lựa chọn nhà thầu và Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu trong lựa chọn nhà đầu tư; bên cạnh đó là những thông tư để thực thi luật một cách đầy đủ, chi tiết.

Theo số liệu của Cục Quản lý đấu thầu, kết quả một cuộc khảo sát mới đây đối với 100 gói thầu thuộc nhiều lĩnh vực, đơn vị khác nhau cho biết, tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu là 27,4%, cá biệt có gói thầu đạt tỷ lệ tiết kiệm lên tới 73%.

Thiết nghĩ, đấu thầu là nhằm đưa ra điều kiện công bằng, minh bạch cho cộng đồng DN, nhà thầu tham gia cạnh tranh bình đẳng; từ đó bảo đảm quyền lợi và các yêu cầu của chủ đầu tư cũng như cơ hội được nhận thầu, triển khai thi công của nhà thầu. Cơ quan quản lý luôn nhằm mục tiêu cao nhất là tiết kiệm tối đa ngân sách của Nhà nước kết hợp với bảo đảm chất lượng dự án/công trình thông qua việc thực thi Luật Đấu thầu 2013.

Ông Lê Văn Tăng - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, phạm vi điều chỉnh của luật rất rộng, bao quát hầu hết các hoạt động chi tiêu công nên quy mô, số lượng các dự án phải tuân thủ luật này sẽ tăng từ 2 đến 3 lần so với trước đây, kéo theo khối lượng công việc liên quan tăng lên gấp bội. Để đưa luật đi vào cuộc sống một cách suôn sẻ, hữu hiệu, phía trước còn nhiều việc phải làm, nhưng chắc chắn sẽ là cơ sở để thực hành tiết kiệm, giảm chi đối với nguồn ngân sách nhà nước.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảm chi tiêu công, loại nhà thầu yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.