(HNM) - Theo thống kê của WHO, tỷ lệ tử vong sơ sinh trong năm 2008 chiếm đến 41% tổng số ca tử vong dưới 5 tuổi. Tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cao nhất là ở khu vực Đông Nam Á, tây Thái Bình Dương (trên 50%).
Tại Việt Nam, chỉ tính riêng BV Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, trong 5 năm từ 2005 đến 2009, đã có 1.199 trẻ sơ sinh bị tử vong, chiếm 6% tổng số trẻ sơ sinh nhập viện. Đặc biệt, các bệnh lý giai đoạn sơ sinh đang có tỷ trọng tử vong tăng dần một cách đáng sợ, từ 24,1% năm 2005 đến năm 2009 lên đến 37,1%.
Chăm sóc trẻ sơ sinh. |
Ba nhóm trẻ sơ sinh có tỷ lệ tử vong cao là các nhóm trẻ có các bệnh lý liên quan đến giai đoạn chu sinh, các bệnh nhiễm trùng hô hấp (viêm phổi, viêm tiểu phế quản…) và dị tật bẩm sinh (teo thực quản bẩm sinh, viêm phúc mạc sơ sinh, dị tật bẩm sinh của đại tràng, teo ruột non, các dị tật về tim) chiếm tỷ lệ đến 87,4% tổng số tử vong sơ sinh. Việc chăm sóc thai nhi không tốt là nguyên nhân cơ bản khiến trẻ sinh ra bị nhẹ cân hoặc thiếu tháng. Bên cạnh đó là những dị tật bẩm sinh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời từ khi mang thai, trẻ sẽ phải mang những nỗi đau đó suốt cả cuộc đời.
Theo phó GS-TS Ngô Minh Xuân, Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ, hiện nay, tử vong sơ sinh chiếm trên 30% tổng số tử vong ở trẻ dưới 15 tuổi và chiếm 70% tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi. Nguyên nhân tử vong sơ sinh thường gặp nhất là nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, khuyết tật cơ bẩm sinh, sinh ngạt và các dị tật tim; chiếm 80% trường hợp tử vong sơ sinh. Bên cạnh đó, việc chăm sóc thai kỳ không tốt, dinh dưỡng kém, yếu tố cơ địa của sản phụ… là nguyên nhân chính khiến mỗi năm Việt Nam có từ 100.000 đến 150.000 bé chào đời khi tuổi thai chưa đến 37 tuần với cân nặng ít hơn 2,5kg. "Do nội tạng chưa phát triển đầy đủ, hầu hết trẻ sinh non có nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, thị giác và hệ miễn dịch kém. Nếu không được sự chăm sóc đặc biệt, phối hợp tốt giữa bác sĩ sản khoa và nhi khoa, trẻ sinh non dễ tử vong, mắc bệnh tật cũng như kém phát triển thể chất và trí tuệ", phó GS-TS Ngô Minh Xuân khẳng định.
Ngày 12-1, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, Hội Chăm sóc trẻ chu sinh (từ 22 tuần tuổi đến 7 ngày sau sinh) và sơ sinh (từ 7 ngày đến hết ngày thứ 28) TP Hồ Chí Minh đã ra đời với sự tham gia tình nguyện của gần 300 bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh. Sự ra đời của Hội sẽ góp phần đặc biệt quan trọng vào việc phát hiện, chẩn đoán sớm các trẻ yếu, có nguy cơ tàn tật, từ đó đưa ra kế hoạch chăm sóc và điều trị tốt nhất. Bên cạnh đó Hội còn giúp bác sĩ sản và bác sĩ nhi khoa trao đổi kinh nghiệm, liên kết giảng dạy, đào tạo, phối hợp chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ngày càng tốt hơn với mục tiêu sau 5 năm hoạt động, Hội sẽ giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ từ 13% hiện nay xuống còn 5%. Đây là một tổ chức xã hội nghề nghiệp trực thuộc Hội Y học thành phố. Khẳng định tầm quan trọng của sự ra đời Hội Chu sinh - sơ sinh, BS Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Hội sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng cho xã hội thông qua những chẩn đoán phát hiện sớm dị tật ở thai nhi, cùng với điều kiện được chăm sóc tốt hơn tỷ lệ bệnh tật và tử vong ở trẻ em sẽ nhanh chóng giảm xuống.
Viện sĩ - BS Dương Quang Trung, Chủ tịch Hội Y dược TP Hồ Chí Minh đánh giá: Sự ra đời của Hội góp phần phát triển hợp tác giữa bác sĩ có kinh nghiệm trong hai lĩnh vực sản - nhi, nâng cao chất lượng chăm sóc điều trị chu sinh - sơ sinh nhằm giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh và làm cho chất lượng cuộc sống của trẻ em được tốt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.