(HNMO) - Cuối tuần này, nhiều hoạt động về “Những ngày Mátxcơva tại Hà Nội” sẽ mang đến nhiều trải nghiệm cho những ai yêu thích văn hóa Nga. Điểm nhấn của sự kiện là lễ hội đường phố Nga tại không gian phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; trưng bày búp bê Nga tại công viên Thống nhất...
Khám phá văn hóa Nga giữa lòng Hà Nội
“Những ngày Mátxcơva tại Hà Nội”, diễn ra từ ngày 28-11 đến 1-12-2019. Đây là hoạt động góp phần làm phong phú các hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Liên bang Nga. Sự kiện do UBND thành phố Hà Nội phối hợp với chính quyền thành phố Mátxcơva tổ chức.
Điểm nhấn của các hoạt động văn hóa là lễ hội văn hóa đường phố tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận diễn ra từ 14h ngày 30-11. Trong khuôn khổ chương trình có: Biểu diễn âm nhạc của các nghệ sĩ nhạc Pop, triển lãm ảnh về Mátxcơva, hội chợ thương mại, thi đấu cờ vua, các hoạt động thể thao, hoạt động tương tác “Mátxcơva rực sáng”, biểu diễn âm nhạc DJ.
Vào lúc 16h30 cùng ngày, sự kiện khai trương “Góc Mátxcơva” tại công viên Thống nhất hứa hẹn thu hút công chúng bởi công trình sắp đặt mô hình búp bê truyền thống của Nga (chiều cao khoảng 3m).
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ sự kiện “Những ngày Mátxcơva tại Hà Nội” còn có các hoạt động như: Chương trình biểu diễn ballet tại Nhà hát Lớn Hà Nội; triển lãm về “Nhà thơ vĩ đại Nga Alexander Pushkin” tại Trung tâm Văn hóa và Khoa học Nga tại Hà Nội; thi đấu giao hữu bóng đá trẻ tại sân vận động Hàng Đẫy…
Tìm hiểu về tơ lụa tại phố cổ Hà Nội
Toạ đàm “Câu chuyện tơ tằm” diễn ra vào 9h ngày 30-11 tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ) sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho công chúng về lịch sử tơ lụa của Việt Nam. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ sự kiện “Tiếng tơ” do Ban quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức nhân kỷ niệm 14 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.
Tọa đàm “Câu chuyện tiếng tơ” với sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa (họa sĩ Đào Ngọc Hân - Ủy viên BCH Hội Khảo cổ học Việt Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Khảo cổ học ứng dụng; nhà nghiên cứu văn hóa Đàm Quang Minh;…), các nghệ nhân (NNND Vũ Giỏi, NNƯT Phan Thị Thuận), các nhà thiết kế… Tọa đàm sẽ cung cấp những thông tin hữu ích, những câu chuyện về nét đẹp của chất liệu tơ trong đời sống văn hóa và văn minh vật chất của người Việt từ xưa đến nay.
Giao lưu ra mắt cuốn sách hữu ích về bệnh trầm cảm
Chiều 30-11, chương trình giao lưu ra mắt sách "Có một cơn đau mang tên trầm cảm" do Anbooks tổ chức sẽ diễn ra tại số 8 Tràng Thi. Chương trình như một buổi chia sẻ với chủ đề "Hiểu trầm cảm từ người trong cuộc" bằng những chia sẻ của tác giả PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa và nhà báo Tạ Bích Loan.
“Có một cơn đau mang tên trầm cảm” là cuốn sách được phát triển tiếp dựa trên cuốn “Khi mây đen kéo tới”, từng được phát hành. Vẫn bằng những chia sẻ của người mẹ có con trai không may mắc bệnh trầm cảm, cuốn sách tiếp tục mô tả trung thực trải nghiệm của “người trong cuộc” với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm đối phó với trầm cảm tới những người có bệnh và thân nhân của người bệnh, để từ đó có được những hiểu biết căn bản về căn bệnh và liệu pháp điều trị bệnh.
Nghe “Hoài niệm trong lòng phố” của Đào Nguyên Vũ
Ca sĩ - giảng viên thanh nhạc Đào Nguyên Vũ vừa ra mắt bộ đôi sản phẩm gồm CD và DVD ca nhạc với tên gọi “Hoài niệm trong lòng phố”. Đây là sản phẩm âm nhạc đầu tay của anh, cũng là dự án nghệ thuật kỷ niệm 25 năm ca hát của Đào Nguyên Vũ.
CD “Hoài niệm trong lòng phố” gồm 11 ca khúc, là các sáng tác quen thuộc như: “Khúc mùa thu”, “Mẹ” (Phú Quang), “Hướng về Hà Nội” (Hoàng Dương), “Em còn nhớ hay em đã quên” (Trịnh Công Sơn), “Hà Nội mùa lá bay” (Hữu Xuân), “Mẹ tôi” (Trần Tiến), “Mối tình đầu” (Thế Duy)… Đào Nguyên Vũ cũng lần đầu giới thiệu đến công chúng bài hát do chính anh sáng tác và trình bày - “Hoài niệm trong lòng phố” (phổ thơ của Xuân Trường).
Sản phẩm DVD là tuyển chọn 7 ca khúc được sử dụng trong CD xâu chuỗi thành câu chuyện thể hiện tình yêu của Đào Nguyên Vũ dành cho Hà Nội – nơi anh sinh ra và lớn lên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.