Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải tỏa sức ép với lãi suất

Hà Linh| 21/05/2022 07:52

(HNM) - Tình hình chính trị bất ổn tại nhiều quốc gia, cộng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào đầu tháng 5 có thể gây sức ép đối với lãi suất trong nước. Tuy nhiên, với mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt với lĩnh vực rủi ro, qua đó giải tỏa sức ép với lãi suất...

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam. Ảnh: Đỗ Tâm

Theo kết quả họp từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), lãi suất tăng thêm 0,5%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2000 nhằm kiềm chế lạm phát tại Mỹ. Trong khi các chuyên gia đánh giá, nhiều quốc gia, trong đó có đầu tàu kinh tế Mỹ phải đối mặt với áp lực lạm phát. Tình trạng lạm phát xảy ra tại nhiều quốc gia cũng khiến Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát và chịu sức ép siết chặt tiền tệ.

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Châu Đình Linh, Giảng viên Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh, nguy cơ nhập khẩu lạm phát là khá rõ ràng bởi nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu Việt Nam từ các nước khác lớn. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước luôn thể hiện sự kiên định trong điều hành là không thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt và giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp, đặc biệt là với các lĩnh vực ưu tiên.

Để duy trì mặt bằng lãi suất thấp không phải đơn giản, bởi, ngành Ngân hàng sẽ phải kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng, đồng thời duy trì thanh khoản của hệ thống ngân hàng, điều hòa linh hoạt thị trường mở và thị trường liên ngân hàng... Theo nhóm chuyên gia phân tích của Ngân hàng HSBC, rủi ro lạm phát gia tăng, dù là do cung vẫn là dấu hiệu cho thấy cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Dự báo lãi suất sẽ được tăng 50 điểm cơ bản vào quý III-2022, sớm hơn so với dự báo đưa ra trước đó vào quý IV. Lãi suất điều hành nhiều khả năng điều chỉnh tăng lên mức 4,5% vào cuối năm 2022.

Đại diện các ngân hàng thương mại cũng cho rằng, với áp lực lạm phát ngày càng hiện hữu, mặt bằng lãi suất đã chạm đáy và tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế và lạm phát. Lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ tăng dần và phụ thuộc nhiều vào khả năng hồi phục của nền kinh tế cũng như diễn biến của lạm phát. Dự báo, có thể xuất hiện kịch bản lãi suất huy động tăng nhanh hơn dự kiến. Song, các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục nỗ lực tiết kiệm chi phí để áp dụng lãi suất “dễ thở” đối với các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp phục hồi nhanh sau đại dịch.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) Trần Minh Bình, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi song vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, VietinBank sẽ bám sát và tập trung triển khai, thực hiện đầy đủ, có kết quả các giải pháp trọng tâm để chủ động vượt qua khó khăn. Tăng trưởng tín dụng chọn lọc đi đôi với bảo đảm an toàn, hiệu quả, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, chú trọng tăng trưởng thị phần các phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng tiền gửi kỳ hạn ngắn, tối ưu hóa chi phí huy động bình quân, thực hiện tiết giảm mạnh chi phí vốn đầu vào để có điều kiện duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp. Đặc biệt, ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai nhiều gói vay ưu đãi với các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19…

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng thừa nhận, nguy cơ rủi ro lạm phát do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong nước và ngoài nước, tác động của chính sách thương mại, chính sách thắt chặt tiền tệ, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư của một số nước lớn, cùng với nhiều áp lực từ kinh tế trong nước. Ngoài ra, kinh tế dự kiến phục hồi trong năm 2022 khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng, gây sức ép lên giá cả, sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ.

Cũng theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận; tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tích cực phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tính toán các gói hỗ trợ lãi suất với quy mô, phạm vi, liều lượng hợp lý trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phòng ngừa rủi ro lạm phát cũng như phòng ngừa rủi ro đối với an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải tỏa sức ép với lãi suất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.