Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải tỏa stress sau sang chấn ở trẻ

Thu Trang| 30/05/2022 06:28

(HNM) - Lo âu, stress là một hiện tượng phổ biến ngày nay, không chỉ người lớn mà cả trẻ em cũng phải đối mặt. Nhiều trẻ em khi gặp những cú sốc tâm lý, như mất người thân, bố mẹ bỏ nhau, bị bạo hành… trở nên lầm lì, “bỏ” giao tiếp và mắc chứng rối loạn stress sau sang chấn (còn gọi là rối loạn căng thẳng sau sang chấn). Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, rối loạn stress sau sang chấn dễ trở thành bệnh lý, khiến trẻ rơi vào tình trạng trầm cảm…

Khám tình trạng chức năng ngôn ngữ cho trẻ tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: Xuân Lộc

Trẻ “bỏ” giao tiếp khi gia đình gặp chuyện không vui...

Gắn bó và thân thiết với ông nội từ lúc lọt lòng, nên khi ông qua đời, bé N.M.H (4 tuổi, ở Hà Nội) bị rơi vào trạng thái sốc tâm lý. Từ một đứa trẻ vui vẻ, hoạt bát và nhanh nhẹn, H. gần như không muốn giao tiếp. Quá lo lắng, gia đình đã đưa H. đến Bệnh viện Nhi trung ương để khám. Tại đây, cậu bé được chẩn đoán bị rối loạn stress sau sang chấn.

Trước đó, một bé trai 8 tuổi (ở Hà Nội) được đưa tới thăm khám tại Khoa Tâm thần (Bệnh viện Nhi trung ương) trong trạng thái lầm lì. Từng là một đứa trẻ ngoan, học tập tốt, nhưng khi thường xuyên phải chứng kiến cảnh bố mẹ cãi vã, bé trai này đã không muốn nói chuyện với ai.

Bác sĩ Thành Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm thần (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, thông thường, trẻ giao tiếp bằng cả lời nói và cử chỉ. Tuy nhiên, sau khi gặp các sang chấn tâm lý, trẻ không sử dụng cả hai phương thức giao tiếp trên hoặc chỉ giao tiếp bằng các ám hiệu. Với những trường hợp này, cần loại trừ bệnh lý thần kinh, các tổn thương não cấp tính gây ra tình trạng rối loạn chức năng ngôn ngữ. Bác sĩ sẽ khai thác kỹ tiền sử để tìm nguyên nhân, từ đó có biện pháp trị liệu phù hợp.

Các chuyên gia y tế cũng chỉ ra rằng, tùy vào mỗi người, mức độ nghiêm trọng và thời gian bệnh kéo dài khác nhau. Có người hồi phục trong vòng 6 tháng, nhưng cũng có người bị ảnh hưởng tâm lý và ngôn ngữ trong thời gian dài hơn. “So với người lớn, hầu hết trẻ em gặp rối loạn stress sau sang chấn sẽ có những biểu hiện nhẹ hơn, thời gian để “chữa lành” cũng nhanh hơn. Song, trẻ cần được điều trị và phát hiện kịp thời. Nếu để tình trạng này kéo dài, bên cạnh việc hạn chế ngôn ngữ còn có thể gây ra các xung đột quá mức, khiến trẻ lầm lì, cục cằn trong ứng xử. Khi rơi vào trạng thái rối loạn ngôn ngữ có thể dẫn đến rối loạn tâm lý, từ đó trở thành các bệnh lý, khiến trẻ nghiện game, trầm cảm…”, bác sĩ Thành Ngọc Minh cảnh báo.

Vai trò quan trọng của gia đình và nhà trường

Đề cập đến quá trình điều trị trẻ bị rối loạn stress sau sang chấn tâm lý, bác sĩ Thành Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm thần (Bệnh viện Nhi trung ương) đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của gia đình, của những ông bố, bà mẹ. Họ chính là những người cùng bác sĩ giúp trẻ trải qua trị liệu tâm lý, tháo gỡ vướng mắc, đưa trẻ trở lại cuộc sống bình thường.

Tại Bệnh viện Nhi trung ương, việc điều trị rối loạn stress sau sang chấn ở trẻ có sự tham gia của bố mẹ. Các chuyên gia sẽ tách bố mẹ và con để khai thác và nắm thông tin. Những chia sẻ, suy nghĩ của trẻ được chuyển tới bố mẹ để họ hiểu hơn về con mình, từ đó có sự điều chỉnh. Với trường hợp của bé H. (4 tuổi, ở Hà Nội), các bác sĩ đã tư vấn cho bố mẹ nên tăng cường cho con tham gia các hoạt động ngoài trời, hạn chế gợi nhớ đến hình ảnh người ông đã mất. Còn với bé trai 8 tuổi cũng ở Hà Nội, sau khi nhận được lời khuyên từ chuyên gia tâm lý, bố mẹ bé đã cố gắng hòa hợp, tránh tối đa việc tranh cãi, xung đột trước mặt con… Kết quả, sau quá trình trị liệu, những bệnh nhi này đã cởi mở hơn trong giao tiếp với người xung quanh.

Ngoài vai trò của cha mẹ, để chăm sóc sức khỏe tâm thần ở lứa tuổi học đường một cách toàn diện, theo bác sĩ Ngô Anh Vinh, Phó Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi trung ương), các trường học nên có phòng quản lý tâm lý và các rối loạn về sức khỏe tâm thần cho học sinh. Việc hình thành phòng này sẽ giúp phát hiện sớm những bất thường ở trẻ, từ đó có thể quản lý, can thiệp kịp thời. Còn với những trường hợp nặng, quá khả năng của gia đình, nhà trường thì cần phải can thiệp chuyên khoa tại các bệnh viện.

Chị Nguyễn Thanh Hà có con học lớp 10 Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) cho rằng, có những vấn đề trẻ khó tâm sự, chia sẻ với bố mẹ hoặc người thân. Nếu có phòng tư vấn tâm lý học đường đúng nghĩa, có chuyên gia hỗ trợ, học sinh có nơi để giãi bày, không sợ ai biết và sẽ nhận được những lời khuyên cũng như cách giải quyết phù hợp với vấn đề mình đang gặp phải.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 4 ở trẻ từ 15 đến 19 tuổi trên thế giới. Trẻ bị trầm cảm dễ dẫn đến hành vi tự sát. Do đó, bố mẹ, người thân cần nhận diện sớm những thay đổi về tâm lý của con em mình để có thể tháo gỡ ngay từ khi các biểu hiện đang ở mức độ nhẹ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải tỏa stress sau sang chấn ở trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.