(HNMO)- Năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đưa ra mục tiêu đến năm 2010, trên địa bàn cả nước sẽ không còn lò gạch thủ công hoạt động. UBND thành phố Hà Nội cũng đã có chỉ thị về việc xóa bỏ lò gạch thủ công trước năm 2011. Tuy nhiên, năm 2010 sắp qua đi, vì thế việc xóa bỏ các lò gạch thủ công tại ngoại thành cần có lộ trình phù hợp.
Đến xã Kim Quan hay Phùng Xá, huyện Thạch Thất vào thời điểm này vẫn thấy cảnh các lò gạch thủ công hoạt động rầm rộ. Xã Kim Quan có nghề đốt gạch, ngói đã hàng chục, thậm chí cả trăm năm nay. Điều đáng nói, các lò gạch ngói ở đây đều được dựng lên ngay cạnh nhà ở. Đường làng như công trường sản xuất gạch, ngói. Đang vào mùa khô hanh, mùa cao điểm để các chủ lò hoạt động đun đốt, khắp các xóm Gián, xóm Đồi (xã Kim Quan) mùi ngai ngái của khói lò gạch ngói đun đốt. Trên đường làng, nhà nhà tham gia sản xuất gạch ngói, từ khâu nhào nặn đất, lên khuôn, làm gạch, ngói mộc tới đưa vào lò nung.
Hàng chục năm nay, các lò ngói thủ công vẫn tồn tại ngay trong nhà ở của người dân tại xã Kim Quan, huyện Thạch Thất |
Chị Cấn Thị Phương, xóm Gián cho biết, từ đời ông, đời cha chị đã làm nghề này và hiện nay, gia đình chị vẫn tiếp nối nghề đun đốt gạch, ngói. Hiện, gia đình chị có 2 lò với công suất khoảng 2,7 vạn viên/tháng/lò. Đáng nói, cả 2 lò gạch, ngói nhà chị Phương đều ôm lấy 2 bên nhà ở. Khi được hỏi về vấn đề này, chị Phương cho biết: “Do đất chật, người dân không có mặt bằng để dựng lò ra xa nhà ở. Hơn nữa, đây là lò từ thời cha ông để lại, đến đời mình cứ vậy làm, chỉ có điều một số thứ được cải tiến hơn”. Cũng theo chị Phương, công việc đun đốt gạch, ngói ở đây được làm quanh năm, có thể coi là nghề chính của người dân, nông nghiệp giờ thành nghề phụ bởi diện tích trồng trọt ít, thu nhập không đáng là bao. Tương tự, hộ gia đình anh Cấn Văn Tốn, xóm Đồi cũng có 3 lò đốt ngạch ngói quanh năm. Anh Tốn cho biết, nguyên liệu để đun đốt hầu hết là củi, còn than chỉ chiếm một phần rất nhỏ, nên không gây độc hại bằng loại lò đốt than. “Các hộ dân ở Kim Quan đều phải dựng lò nung đốt gạch, ngói trong khuôn viên nhà ở, nhà nào có vườn rộng thì dựng ở vườn, nhà nào không có vườn thì làm ngay ở sân, đầu hồi nhà. Nào ai muốn xây lò nung gạch, ngói gần nhà thế này đâu!”, anhTốn nói.
Vì đất chất nên người dân xã Kim Quan (Thạch Thất) chấp nhận sống chung với lò ngói, gạch |
Mọi hoạt động sản xuất diễn ra ngay trong làng nên ngoài việc phải sống trong bầu không khí ngột ngạt của khói lò gạch thì hàng nghìn hộ dân ở Kim Quan còn phải chịu cảnh bụi bặm, ô nhiễm tiếng ồn từ các hoạt động sản xuất gạch, ngói thủ công mang lại. Khi được hỏi việc đun đốt gạch ngói ngay kề nhà ở dễ gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe thì hầu hết các hộ đun đốt gạch ngói ở Kim Quan đều tỏ ra khá thờ ơ.
Tại xã Phùng Xá, gần 30 lò gạch thủ công ngang nhiên đun đốt mà không có giấy phép gần chục năm nay, tập trung ở cánh đồng Mả Nan trên địa bàn xã. Được biết, trước đây khu Mả Nan của xã thuộc vùng đất cao, nước tưới không thể dẫn vào tới chân ruộng. Do đó, từ những năm 1990, thực hiện chủ trương gom tất cả các hộ sản xuất gạch về một mối, đồng thời hạ cốt khu đồng cao này, UBND xã Phùng Xá đã ký hợp đồng giao thầu cho một số hộ trong xã thực hiện việc hạ độ cao, lấy nguyên liệu sản xuất gạch. Tuy nhiên, toàn bộ những hợp đồng này đều hết hạn vào năm 2002, song đến nay, những lò gạch nói trên vẫn hoạt động(?!)
Hàng chục lò gạch thủ công không ống khói vẫn tồn tại trên địa bàn xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (Hà Nội)... |
Theo ông Chu Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã Phùng Xá, việc khai thác đất sản xuất gạch và việc các lò gạch đun đốthiện nay ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sức khỏe người dân. Mỗi năm xã phải đứng ra giải quyết không dưới chục vụ bồi thường lúa, hoa màu cho các hộ xã viên.
Tương tự, địa bàn xã Hồng Thái, Khai Thái và Quang Lãng huyện Phú Xuyên cũng đang tồn tại vài chục vỏ lò trên khu vực bờ bãi sông Hồng. Việc đun đốt gạch ở đây cũng đã nhiều năm nay lặp lại tình trạng đốt lúa của người dân. Năm nào cũng vậy, hết UBND xã rồi đến UBND huyện phải vào cuộc để giải quyết khiếu kiện đền bù thiệt hại giữa các chủ lò và nông dân. Bầu không khí xung quanh làng lúc nào cũng đặc quánh, những hôm trời âm u, khí lò gạch không thoát lên được, cứ thế bay là là, bao phủ quanh làng…
Năm 2009, khi điều tra, rà soát các lò gạch thủ công trên các bến bãi sông, đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết luận, việc thị trấn Minh Phú, xã Văn Nhân, Hồng Thái… trên địa bàn huyện Phú Xuyên đã ký hợp đồng với các đơn vị, cá nhân để xây dựng 35 lò gạch kép ngoài bãi sông. Việc này đã vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh Phòng chống lụt bão, gây cản trở khả năng thoát lũ của dòng sông. Thêm vào đó, các chủ lò gạch còn khai thác trái phép đất ngoài bãi sông, tự ý xẻ đê làm dốc cho các phương tiện lên xuống lò gạch.
Mê Linh là địa bàn tập trung lượng lò gạch lớn nhất trên địa bàn Hà Nội, lúc cao điểm có hơn 400 vỏ lò, tập trung ở các xã ven sông Hồng, đến thời điểm này vẫn còn 125 vỏ lò đang hoạt động. Toàn huyện có khoảng 1.518 ha đất bãi ven sông Hồng. Những năm gần đây, do nhu cầu về vật liệu xây dựng tăng mạnh nên hoạt động khai thác trái phép để sản xuất gạch, ngói và san lấp mặt bằng cũng vì thế mà phát triển như “nấm mọc sau mưa”. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trên địa bàn các xã ven sông Hồng của huyện Mê Linh, tình trạng đại diện chính quyền xã, thôn ký hợp đồng không đúng thẩm quyền với các tổ chức, cá nhân diễn ra tràn lan.
... và đang ngày đêm thi nhau nhả khói "đầu độc" môi trường xung quanh |
Trong năm 2009, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã yêu cầu chính quyền các địa phương cưỡng chế giải tỏa được hơn 400 lò. Tuy nhiên, ông Nghiêm Đức Vinh, Trưởng phòng khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhận định: “Trong cả năm 2010, chính quyền các huyện, thị xã không đôn đốc, xử lý thiếu kiên quyết, nên số lượng lò gạch thủ công không giảm đi mà còn tăng lên”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.