(HNM) - Mùa mưa bão năm 2018, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mưa với cường độ lớn sẽ xuất hiện nhiều. Mưa lớn kéo theo nỗi lo úng ngập, nhất là ở khu vực phía Nam thành phố như đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi...
Cán bộ Trung tâm Giám sát hệ thống thoát nước theo dõi lượng mưa, mực nước và hoạt động các trạm bơm trên địa bàn thành phố. Ảnh: NGỌC MAI |
Điệp khúc cứ mưa là ngập
Cơn mưa lớn dịp trung tuần tháng 5 vừa qua đã gây úng ngập tại nhiều khu vực, đặc biệt là phía Nam Hà Nội. Mưa lớn với cường độ mạnh đã nhấn chìm mặt đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi trong biển nước; xe máy, ô tô chết máy hàng loạt trên đường, ùn tắc giao thông kéo dài nhiều giờ. Mặc dù đơn vị thoát nước đã điều động cả máy bơm hút trực tiếp nhưng vẫn không kịp tiêu thoát nước mưa.
Thực tế, tại các bản tin của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thông báo sau mỗi trận mưa có cường độ hơn 100mm trong nhiều giờ thì khu vực Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển vẫn là những nơi bị nêu danh thường xuyên. Nguyên nhân chủ yếu là hệ thống tiêu thoát nước chưa đồng bộ, còn nhiều điểm nghẽn do đang trong quá trình thi công.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù hệ thống thoát nước của đường Nguyễn Xiển đã hoàn thiện, thế nhưng mương thoát nước từ đường Nguyễn Xiển ra sông Nhuệ (mương L2) lại chưa được thi công xong. Mương L2 nằm trong Dự án Khu đô thị The Manor, do Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư, đồng thời phụ trách thi công đấu nối.
Trong khi đó, điểm cuối mương L2 nằm tại khu tưởng niệm Chu Văn An, do Ban Quản lý dự án huyện Thanh Trì đảm nhận. Do khớp nối giữa hệ thống thoát nước đường Nguyễn Xiển và mương L2, sông Nhuệ chưa hoàn thiện; điểm cuối đổ ra sông thoát nước đang bị chặn dòng để thi công mái kè nên khả năng tiêu thoát bị hạn chế dẫn đến úng ngập trên đường Nguyễn Xiển trong trận mưa vừa qua.
Tương tự, đường Nguyễn Trãi có một phần cống thoát nước đấu nối với hệ thống tiêu thoát chung lưu vực Tả Nhuệ; nhưng do chưa được đầu tư đồng bộ, vì thế khả năng tiêu thoát không đáp ứng được khi có mưa lớn. Mặt khác, một phần cống thoát nước đường Nguyễn Trãi cũng đang đấu nối vào hệ thống trên đường Nguyễn Xiển, đều chịu ảnh hưởng từ việc thi công mương L2. Dù mỗi khi mưa lớn, Xí nghiệp Thoát nước số 7 đều điều nhân lực, máy móc ra ứng trực để chống ngập nhưng việc giải quyết cũng chỉ là giải pháp tình thế.
Theo ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, hiện nay các khu đô thị ở nội thành đã hoàn chỉnh việc kết nối ra hệ thống hạ tầng kỹ thuật thoát nước xung quanh, đặc biệt có nhiều khu đô thị thoát nước lại phụ thuộc vào hệ thống thủy lợi, điều tiết tưới tiêu nên bị úng ngập do một số khu đô thị chưa đáp ứng tốt nhu cầu tiêu úng khi hệ thống máy bơm đẩy nước ra.
Đặc biệt, khu vực Tây Nam thành phố khả năng thoát nước hoàn toàn phụ thuộc vào sông Nhuệ tự chảy. Tuy nhiên, phải chờ đến khi Trạm bơm Yên Nghĩa (Hà Đông) tháng 8 tới hoàn thành thì tình hình mới được cải thiện…
Vướng "điểm nghẽn"
Đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) thường xuyên bị ngập sau mỗi trận mưa lớn. Ảnh: Đoàn Dương |
Trong cuộc làm việc với phóng viên Báo Hànộimới ngày 14-6, ông Nguyễn Duy Anh, Phó Giám đốc phụ trách Xí nghiệp Thoát nước số 7 cho biết, về cơ bản đến nay, việc tiêu thoát nước mưa khu vực tại tuyến đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi đã hoàn thiện. Mương L2 nằm trong Dự án Khu đô thị The Manor vừa mới hoàn thành việc thi công đấu nối với hệ thống tiêu thoát chung. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì đã hoàn thành việc cải tạo, kè xong tuyến mương thoát nước.
“Tuy nhiên, hiện nay, điều chúng tôi băn khoăn là tại điểm gần với chùa Quang Ân (tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) vẫn còn một điểm nghẽn. Đó là cây cầu cũ xây bằng gạch, bắc qua dòng mương có chu vi miệng thoát nước rất hẹp, nếu mưa lớn, lượng nước đổ về nhiều rất khó có khả năng tiêu thoát kịp khi gặp “điểm nghẽn” này. Mặc dù, cách đó khoảng 20m, UBND huyện Thanh Trì đã xây một cầu bằng đá, cống vòm, mặt cầu rộng, bảo đảm xe ô tô qua lại thuận tiện, nhưng một số người dân và nhà chùa vẫn yêu cầu giữ lại cây cầu cũ” - ông Nguyễn Duy Anh cho hay.
Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì, cây cầu cũ phải giữ lại vì nằm trong quần thể văn hóa di tích của chùa Quang Ân. Ban Quản lý chỉ có trách nhiệm cải tạo, kè mương thoát nước chống xói lở, còn liên quan đến cây cầu cũ này thì thuộc cơ quan chuyên môn. Vấn đề ở đây các cơ quan chức năng phải xác định rõ, nếu cây cầu cũ thuộc quần thể di tích cần được bảo tồn thì phải có phương án hỗ trợ, thoát nước sao cho bảo đảm lưu lượng tiêu thoát tối đa.
Như vậy, sẽ giúp bảo vệ cây cầu cũ này trong trường hợp lượng nước mưa dồn về nhiều với áp lực lớn. Nếu không, cần phải tuyên truyền để người dân hiểu và đồng tình với chủ trương chung, cần phải mở rộng khẩu độ cống dưới cầu để bảo đảm yêu cầu thoát nước. Các đơn vị không thể để tình trạng đầu tư cho việc cải tạo, sửa chữa, đấu nối hệ thống thoát nước phía Nam Hà Nội lớn, nhưng vẫn bị ách tắc, không phát huy được hiệu quả như mong muốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.