(HNM) - Năm 2017, số đơn, thư của công dân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn TP Hà Nội gửi Thanh tra Chính phủ và các cơ quan trung ương giảm mạnh; số người đến Ban Tiếp công dân trung ương để khiếu kiện cũng giảm.
Về nguyên nhân, hầu hết vụ khiếu nại, tố cáo phát sinh khi người khiếu nại, tố cáo cho rằng, hoặc nghĩ rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình...
Cùng với những yếu tố như chưa am hiểu pháp luật, động cơ, mục đích không trong sáng, đòi hỏi không thỏa đáng, bị lôi kéo, xúi giục… khiến tình trạng khiếu nại, tố cáo thời gian qua đã gây những tác động tiêu cực không nhỏ. Trong bối cảnh khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước, kết quả nêu trên lại càng đáng chú ý.
Xét về lô gíc hình thức, có thể khẳng định hiệu quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan thành phố ngày càng được nâng cao, nhờ đó số vụ vượt cấp, kéo dài giảm xuống. Thực tế, thời gian qua, cùng với thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo, thành phố đã có nhiều cách làm riêng nhằm giải quyết các vấn đề liên quan lĩnh vực này như: Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 16-12-2016, về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP Hà Nội"; thành lập Ban Chỉ đạo về tăng cường công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố; ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém gắn với giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường thị trấn… Từ đó, nhiều nội dung, giải pháp cụ thể đã được triển khai, mang lại hiệu quả rõ rệt.
Cùng với những nội dung, giải pháp có tính chất “giải quyết vụ việc”, có thể thấy rõ những chỉ đạo, giải pháp căn cơ hơn, có ý nghĩa sâu sắc. Đó là yêu cầu bám dân, gần dân, lắng nghe người dân, chủ động giải quyết những vấn đề bức xúc dân sinh của Thành ủy đã được các cấp ủy, chính quyền thực hiện có hiệu quả. Công cuộc cải cách hành chính với yêu cầu 5 rõ - “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả” - được đẩy mạnh. Số lượng, chất lượng dịch vụ hành chính được nâng lên, tất yếu số vụ khiếu nại, tố cáo giảm xuống.
Tuy nhiên, để công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt hiệu quả hơn nữa, không chỉ dừng lại ở số vụ vượt cấp giảm mà còn là số vụ khiếu nại, tố cáo nói chung của công dân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn thành phố giảm xuống mức thấp nhất, tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển, có rất nhiều việc phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện.
Trước hết, các cấp ủy, chính quyền vừa duy trì vừa có thêm hình thức tiếp xúc, đối thoại nhằm lắng nghe và giải quyết kịp thời tâm tư, vướng mắc của nhân dân. Trong đó, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức pháp luật cho cộng đồng là một giải pháp quan trọng.
Tiếp đó là thực hiện đồng bộ, quyết liệt công tác cải cách hành chính; sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Việc nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính, chất lượng ban hành các quyết định hành chính là cơ sở bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Đáng chú ý, khiếu nại, tố cáo thường là về những vụ việc cụ thể. Giải quyết hàng nghìn vụ việc cụ thể là nhiệm vụ không đơn giản, do đó cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xem xét, xử lý vụ việc cũng như cơ quan có trách nhiệm phải vào cuộc kịp thời. Nhìn rộng hơn, để bảo đảm căn cơ từ gốc, thì mọi quyết định, giải pháp cần hướng tới mục tiêu xử lý vấn đề ở tầm chính sách và pháp luật, đặc biệt là những quyết định liên quan lĩnh vực “nhạy cảm” như giải phóng mặt bằng, trật tự xây dựng, môi trường…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.