(HNM) - Tình trạng thiếu đồng bộ, chậm triển khai các công trình hạ tầng xã hội tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, các khu dân cư tập trung mật độ cao tại Hà Nội, đặc biệt là thiếu trường học, đã gây bức xúc trong dư luận thời gian qua. UBND TP vừa chỉ đạo các quận, huyện và các sở, ngành chức năng rà soát và lập phương án giải quyết tình trạng thiếu đồng bộ, chậm triển khai các công trình hạ tầng xã hội trên địa bàn.
Ngày 27-7 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã ký văn bản 6242/UBND-TH chỉ đạo các sở, ngành, địa phương vào cuộc rà soát, giải quyết tình trạng thiếu đồng bộ, chậm triển khai công trình hạ tầng xã hội trên địa bàn. Điểm nổi bật của văn bản 6242 là UBND TP yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì cùng các sở, ngành chức năng khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng các công trình hạ tầng xã hội trên địa bàn và theo khu vực. Trên cơ sở thực trạng, nhu cầu, đất đai hiện có, đề xuất địa điểm, nguồn vốn, cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh việc xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng trên địa bàn, sớm giải quyết tình trạng thiếu trường học, trường mầm non, nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng… Chậm nhất đến ngày 30-8-2011 phải có báo cáo rà soát, kiến nghị gửi về Sở KH-ĐT để tổng hợp báo cáo UBND TP. Sở KH-ĐT có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị tổ chức rà soát, thống kê; tổng hợp kết quả rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể, xác lập kế hoạch, nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình, hạng mục công trình hạ tầng xã hội đối với từng địa bàn, khu vực.
Các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại những khu đô thị mới cần phải được xây dựng đồng bộ. Trong ảnh: Khu đô thị Xuân Đỉnh. Ảnh: Huy Hùng |
Một trong những nguyên nhân của tình trạng thiếu trường học hiện nay là thiếu cơ chế ràng buộc trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cơ quan liên quan và các chủ đầu tư các khu đô thị. Báo Hànộimới từng phản ánh các chủ đầu tư sẵn sàng chịu phạt thay vì thực hiện quy định xây dựng đồng bộ hạ tầng xã hội và nhà ở, vì mức phạt không đủ sức răn đe. Trong khi chính quyền địa phương vẫn còn đùn đẩy, né tránh việc giải quyết thực trạng thiếu trường học và những cơ sở hạ tầng xã hội khác. Để giải quyết vấn đề này, UBND TP đã giao cho Sở KH-ĐT xây dựng dự thảo quy định của UBND TP về trách nhiệm của các cấp, các ngành và chủ đầu tư khi tham gia đầu tư xây dựng khu đô thị, nhà ở bảo đảm xây dựng đồng bộ, đi trước một bước hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Trong đó, UBND TP lưu ý cần tăng cường thẩm quyền, trách nhiệm của UBND các quận, huyện, thị xã đối với các nội dung liên quan đã được phân cấp trong quản lý, giám sát việc thực hiện của các chủ đầu tư. Chậm nhất đến ngày 10-9-2011, Sở KH-ĐT phải báo cáo UBND TP xem xét, quyết định.
UBND TP từng quy định phải ưu tiên dành quỹ đất do di dời các cơ sở sản xuất, bệnh viện ra khỏi nội đô cho xây dựng trường học. Nhưng trên thực tế, quy định này không được thực hiện nghiêm túc, nhiều diện tích đất di dời đã được xây dựng thành chung cư cao tầng, văn phòng cho thuê. Để khắc phục tình trạng này, UBND TP giao trách nhiệm cho Sở QH-KT chủ trì cùng Sở KH-ĐT, Sở TN-MT, Sở Xây dựng, Sở Công thương, Sở GD-ĐT, Sở Y tế, các ngành có liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã rà soát các dự án di dời cơ sở sản xuất trên địa bàn TP, đề xuất bố trí địa điểm, diện tích đất xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bảo đảm theo đúng Quy chuẩn xây dựng và các tiêu chuẩn theo quy định. Báo cáo này phải được hoàn thành để UBND TP xem xét trong phiên họp tập thể đầu tháng 9 tới.
Ngoài ra, trong văn bản chỉ đạo quan trọng nói trên, UBND TP còn yêu cầu các sở KH-ĐT, Xây dựng, QH-KT, TN-MT, GD-ĐT, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Y tế khẩn trương xây dựng, bổ sung hoàn chỉnh các quy hoạch chuyên ngành, nhất là quy hoạch mạng lưới cơ sở hạ tầng xã hội. Đồng thời, khi thẩm định, triển khai dự án khu đô thị mới, khu nhà ở, khu tái định cư, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi các khu đô thị đông dân cư, cần cân đối quỹ đất, dành tỷ lệ hợp lý cho việc cải tạo, nâng cấp cảnh quan, không gian kiến trúc, môi trường sinh thái, bố trí khớp nối đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình công cộng khác, góp phần bảo vệ, cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trong khu vực dự án.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.