Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết triệt để “chợ cóc”, chợ tạm

Thanh Hiền| 06/06/2017 05:54

(HNM) - Tâm lý muốn mua rẻ và tiện đâu mua đó của người dân, cùng những bất cập trong quy hoạch, quản lý… đang là nguyên nhân khiến


Việc xóa “chợ cóc”, chợ tạm là rất cần thiết để góp phần xây dựng văn minh đô thị. Ảnh: Khánh Huy


Đã giải tỏa 94/213 điểm "chợ cóc", chợ tạm

Thực hiện kế hoạch lập lại trật tự vỉa hè, văn minh đô thị, lực lượng chức năng phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) đã ra quân giải tỏa toàn bộ hàng quán, hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên địa bàn.

Tại phố Phan Văn Trường, vốn là nơi phức tạp về trật tự giao thông, đô thị nay đã trở nên thông thoáng, sạch đẹp. Có được kết quả này, trước đó lực lượng chức năng của phường đã kiên quyết xử lý việc họp chợ tràn ra vỉa hè, các dãy ki ốt treo hàng hóa lấn chiếm mặt đường, từ đó tình trạng người dân dừng xe mua sắm gây ách tắc giao thông cũng chấm dứt.

Cũng trong đợt lập lại trật tự vỉa hè, giải tỏa "chợ cóc", chợ tạm, UBND phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân đã xây dựng được 2 tuyến phố văn minh đô thị là Thượng Đình và Giáp Nhất. Ông Lê Văn Tuyến, Chủ tịch UBND phường Thượng Đình cho biết, lực lượng chức năng đã yêu cầu các hộ kinh doanh chỉ bố trí, sắp xếp hàng hóa trong khuôn viên cửa hàng. Để duy trì lâu dài, phường thường xuyên vận động, tuyên truyền, kiểm tra và xử lý ngay vi phạm lấn chiếm hè, đường để họp chợ từ khi mới phát sinh.

Tương tự phường Dịch Vọng Hậu và Thượng Đình, các địa phương khác cũng gắn liền mục tiêu lập lại trật tự vỉa hè với giải tỏa "chợ cóc", chợ tạm và đã cùng các cấp ngành của thành phố tạo quyết tâm mới với hiệu quả rõ nét. Tính đến ngày 25-5, toàn thành phố đã giải tỏa được 94/213 điểm chợ tạm, "chợ cóc". Một số nơi không còn tồn tại "chợ cóc", chợ tạm, gồm: Long Biên, Thanh Xuân, Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Thanh Oai, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Trì, Chương Mỹ và Phúc Thọ. Trong số 119 điểm chợ còn lại sẽ tiếp tục xử lý trong thời gian tới, có 7 chợ tạm và 13 "chợ cóc" được UBND các quận, huyện, thị xã đề nghị cho tạm tồn tại để phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của nhân dân địa phương trong khi chờ hoàn thành xây dựng, cải tạo chợ theo quy hoạch.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, việc giải tỏa chợ tạm, "chợ cóc" lâu nay vẫn là công việc khó khăn. Nhiều điểm đã giải tỏa nhưng sau một thời gian tiếp tục tái họp, hoặc giải tỏa ở địa bàn này lại hình thành ở địa bàn khác. Trên thực tế, "chợ cóc" vẫn “sống khỏe” ngoài do thói quen của người tiêu dùng, còn bởi quy hoạch mạng lưới chợ và công tác quản lý có nhiều bất cập. Hiện, trên địa bàn thành phố có 454 chợ hoạt động với hơn 90.000 hộ kinh doanh, chủ yếu theo hình thức chợ truyền thống, chợ dân sinh. Nhưng qua kiểm tra, giám sát cho thấy, có những quận lớn như Hoàng Mai vẫn còn nhiều khu vực không có chợ dân sinh (như các phường Hoàng Liệt, Tân Mai, Tương Mai…) hoặc có chợ nhưng chưa cập nhật, bổ sung vào quy hoạch để quản lý nên chưa thực hiện phân hạng chợ. Cùng với việc thiếu quyết liệt của chính quyền một số địa phương, đây là nguyên nhân khiến việc giải tỏa "chợ cóc", sắp xếp chợ tạm đã không đạt kế hoạch đề ra, thậm chí còn để phát sinh điểm "chợ cóc" mới.

Lập quy hoạch đồng bộ hệ thống chợ

Để giải tỏa triệt để tình trạng "chợ cóc", chợ tạm gây mất mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, mới đây UBND TP Hà Nội yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen mua bán, kết hợp giải tỏa "chợ cóc", chợ tạm với kế hoạch bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè. Đặc biệt, không vì lợi ích của một nhóm người làm ảnh hưởng đến quyết tâm xây dựng Thủ đô Hà Nội xanh - sạch - đẹp, phát triển thương mại văn minh, hiện đại.

Quan trọng hơn, bên cạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra xử lý vi phạm để người dân hiểu, tự giác thay đổi thói quen, thành phố cũng yêu cầu rà soát quy hoạch; cải tạo các chợ truyền thống theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ; tổ chức sắp xếp lại chợ tạm, bố trí chợ dân sinh tại nơi chưa có để phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân.

Từ thực tế quản lý địa bàn, ông Hoàng Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở cho biết, nhu cầu chợ dân sinh của người dân trong khu vực rất lớn. Trong khi đó, chợ Ngã Tư Sở ngày càng xuống cấp, không thu hút được tiểu thương vào buôn bán, nên tình trạng chợ họp tự phát, dẹp chỗ này "phình" chỗ khác, tranh thủ khi vắng mặt của lực lượng chức năng để vi phạm vẫn diễn ra phổ biến. Do đó, về lâu dài, ngoài tăng cường kiểm tra thì việc sắp xếp, quy hoạch chợ, cải tạo những chợ hiện có là hết sức cần thiết để tạo hiệu quả bền vững.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, giải tỏa chợ tự phát, quy hoạch lại hệ thống chợ không chỉ nhằm tăng cường kiểm soát giá cả, chất lượng hàng hóa, xây dựng hệ thống kinh doanh chuyên nghiệp, mà còn hướng tới bảo đảm mỹ quan đô thị, xóa bỏ tình trạng nhếch nhác, tạm bợ của việc mua bán trên vỉa hè, dưới lòng đường. Vì vậy, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ phối hợp với chính quyền các quận, huyện, thị xã rà soát lại mạng lưới chợ, đề xuất thành phố sắp xếp, bố trí, cải tạo các chợ dân sinh phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người dân; giải tỏa triệt để các điểm "chợ cóc", đồng thời tổ chức lực lượng chốt giữ chống tái họp chợ và không để phát sinh các điểm mới. "Chúng tôi sẽ chọn những điểm "chợ cóc" gây bức xúc nhất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường, vi phạm an toàn thực phẩm để ra quân, kiên quyết xóa bỏ" - bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Đại diện Sở Công Thương cũng đề nghị, UBND các địa phương khẩn trương rà soát quỹ đất hiện có, đề xuất địa điểm phù hợp để đầu tư xây dựng chợ mới, bảo đảm khi hoàn thành di dời chợ tạm và xóa bỏ các điểm "chợ cóc", sẽ có chợ dân sinh hoạt động đúng quy định phục vụ nhân dân. Quan trọng hơn nữa là giải quyết bài toán mưu sinh cho người lao động nghèo sống dựa vào việc kinh doanh ở lòng đường, vỉa hè.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết triệt để “chợ cóc”, chợ tạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.