(HNM) - Theo Quyết định 2606/QĐ-UB của UBND TP Hồ Chí Minh, đến cuối năm 2010, thành phố phải giải quyết cơ bản tình trạng người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng nói chung và trẻ em nói riêng. Thế nhưng đến thời điểm này, tình trạng trẻ lang thang xin ăn trên đường phố, trẻ bị bóc lột sức lao động ở các cơ sở sản xuất vẫn không hề thuyên giảm.
Trẻ em lang thang có mặt ở khắp các đường phố tại thành phố Hồ Chí Minh. |
Vấn nạn… tái lang thang
Theo khảo sát mới nhất của Sở LĐ-TB&XH, hiện TP có hơn 10.000 trẻ lang thang kiếm sống trên các đường phố, nhiều nhất vẫn là các em đến từ miền Trung, miền Bắc; trong đó hơn 5.000 em không biết chữ hoặc bỏ học. Ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, trung bình mỗi năm TP thu gom khoảng 500 trẻ lang thang xin ăn, phần lớn đến từ các tỉnh, thành khác. Riêng từ đầu năm 2010 đến nay, TP đã thu gom gần 300 trẻ lang thang xin ăn, sau đó các em được đưa về Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP để phân loại. Những em nào được gia đình bảo lãnh sẽ trả về địa phương để gia đình tiếp tục nuôi dưỡng; còn những em không có gia đình, hoặc gia đình không bảo lãnh thì đưa về Trung tâm Giáo dục dạy nghề thanh, thiếu niên TP để đào tạo nghề và giới thiệu nơi làm việc ổn định.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại các điểm "nóng" về trẻ lang thang ở TP như Công viên 23-9 (quận 1); Làng đại học Thủ Đức (quận Thủ Đức); ngã tư An Sương (quận 12); ngã tư Trung Chánh (huyện Hóc Môn); khu vực chợ Bình Tây (quận 6); khu vực cầu Kênh Tẻ (quận 7)… thì số trẻ lang thang xin ăn ở đây không những không giảm mà còn có chiều hướng tăng lên. Trong số gần 300 trẻ lang thang thu gom được từ đầu năm đến nay, có không ít em quay lại thành phố đến 4, 5 lần. Đó là chưa kể, cứ sau mỗi đợt thiên tai, lũ lụt lại có nhiều trẻ em kéo về thành phố lang thang xin ăn. "Phần lớn các trẻ tái lang thang, ngoài nguyên nhân kinh tế khó khăn, còn do gia đình bất hòa, không hạnh phúc. Bởi thực tế, các em sau khi được gia đình bảo lãnh về nhưng không được chăm sóc, một số em còn bị gia đình ngược đãi nên đã quay lại con đường cũ. Bên cạnh đó, cũng có một số trẻ muốn tự khẳng định, muốn phụ giúp gia đình nên chấp nhận lang thang xin ăn"- ông Quang cho biết.
Giải quyết bằng cách nào?
Việc giải quyết tình trạng trẻ lang thang bấy lâu nay ở TP chẳng khác nào chuyện "bắt cóc bỏ đĩa". Cứ sau mỗi đợt thu gom, các trẻ được thông báo về cho gia đình đến nhận bảo lãnh, nhưng chẳng có một cam kết thiết thực hay một chính sách hỗ trợ nào để tránh hiện tượng tái lang thang. Biện pháp được xem là chế tài duy nhất hiện nay cũng chỉ mang tính hình thức, đó là nếu trẻ nào tái lang thang xin ăn thì giữ lại nuôi 3 tháng, còn tái lang thang 4, 5 lần thì giữ lại nuôi 6 tháng mới cho phép gia đình nhận bảo lãnh. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng, TP cũng chỉ có thể cố gắng làm hết sức mình, nhưng điều quan trọng là các tỉnh, thành cần phải có chính sách hỗ trợ các hộ nghèo để họ có điều kiện sản xuất ngay trên quê hương, góp phần cải thiện cuộc sống; các địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên các em bỏ học trở lại trường. Dù TP có thu gom bao nhiêu đi chăng nữa mà các trẻ lang thang xin ăn từ các địa phương khác cứ đổ về thì cũng không thể nào giải quyết dứt điểm được tình trạng trên. Hiện tượng trẻ lang thang xin ăn là bài toán xã hội, bài toán kinh tế, chứ không thể có một chế tài nào quyết liệt được, bởi đây là những đối tượng bảo trợ nên cần phải hỗ trợ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.