(HNM) - Là cầu nối tương tác hai chiều giữa chính sách với người dân, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng. Song theo đánh giá của không ít cử tri, các cuộc tiếp xúc hiện vẫn mang tính hình thức và chưa thực sự
Đáp ứng nguyện vọng cử tri
Một cử tri ở quận Long Biên chia sẻ, mỗi đợt tiếp xúc cử tri, điều mà nhân dân quan tâm nhất là phần trả lời kiến nghị. Lần nào cũng vậy, cử tri đều muốn được biết những kiến nghị của khu vực mình, địa bàn mình đã được các cơ quan chức năng xem xét, trả lời thấu đáo hay chưa. Nhưng tiếc là hầu hết các câu trả lời thường chung chung.
Đại biểu cử tri quận Hai Bà Trưng phát biểu tại một buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt |
Cùng chung với nhận định này, tại buổi tọa đàm "Nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội" do Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức mới đây, có đại biểu đã thẳng thắn bày tỏ, việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ tiếp xúc trước như thế nào là nội dung được cử tri đặc biệt quan tâm, nhưng tại các đợt tiếp xúc cử tri trước mỗi kỳ họp Quốc hội, khi nhận được trả lời của các cơ quan chức năng, đại biểu không khỏi thất vọng vì không ít vụ việc chưa được trả lời thấu đáo.
Thực tế trên cũng được Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đề cập đến trong đánh giá của mình, đó là tiến độ báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan, tổ chức còn chậm. Nhiều nội dung cử tri kiến nghị đã được phản ánh nhiều lần nhưng chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa thấu đáo… Quả thật, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và sự phối hợp của các cơ quan hữu quan trong việc trả lời những vấn đề cử tri quan tâm đang là khâu yếu hiện nay.
Các cuộc tiếp xúc cử tri gần đây của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND TP Hà Nội đã có nhiều đổi mới trong hoạt động trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri. Với sự tham dự trực tiếp của đại diện lãnh đạo TP cùng các sở, ngành, chính quyền địa phương, nhiều vấn đề cử tri nêu đã được giải đáp ngay, làm rõ hoặc yêu cầu cơ quan chịu trách nhiệm phải giải quyết với thời gian cụ thể ngay tại hội nghị. Những ý kiến trả lời của đại diện TP và sự trao đi đổi lại một cách thẳng thắn của đại biểu với cử tri, kể cả những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, đã góp phần giải tỏa những bức xúc được cử tri nêu ra. Tuy nhiên, hiện nay, đại diện lãnh đạo UBND TP và các sở thường mới chỉ tham dự các cuộc tiếp xúc có các vị lãnh đạo cấp cao của TƯ và TP. Phải chăng, do số lượng các cuộc tiếp xúc cử tri nhiều và được tổ chức dồn dập trước mỗi kỳ họp, nên các "tư lệnh ngành" của TP không có thời gian tham dự? Đây là một điều đáng tiếc!
Trách nhiệm của đại biểu dân cử
Không ít đại biểu sau mỗi cuộc tiếp xúc mới chỉ dừng lại ở việc tập hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri rồi gửi tới các cơ quan chức năng mà chưa thực hiện chức năng giám sát các kiến nghị đó được trả lời, giải quyết như thế nào. Nếu chỉ nhận và chuyển kiến nghị, vô hình trung, các đại biểu đã tự từ bỏ quyền giám sát của mình. Đôn đốc, giám sát giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri là việc làm quan trọng của Quốc hội, HĐND mà trong đó từng đại biểu phải có trách nhiệm cụ thể. Bởi kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri phản ánh trách nhiệm của đại biểu và các cơ quan chức năng trước cử tri. Qua đó, tạo sự tin tưởng của cử tri đối với đại biểu, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Quốc hội và HĐND.
Theo bà Nguyễn Phương Lan, Ủy viên Thường trực HĐND quận Hà Đông, các đơn vị và từng đại biểu phải nhận thức đúng trách nhiệm của mình trong quá trình phối hợp, chỉ đạo tổ chức thực hiện giải quyết kiến nghị của cử tri. Đặc biệt cần chú trọng tiếp thu, chuyển tải ý kiến của cử tri tới các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm giải quyết và kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc giải quyết để báo cáo kết quả với cử tri. Để việc giám sát hiệu quả, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, cán bộ MTTQ huyện Đông Anh cho rằng, mỗi đại biểu Quốc hội cần có kế hoạch mở rộng và tổ chức tìm hiểu hoặc tiếp xúc cử tri theo giới, ngành. Đối với những vấn đề cử tri của địa bàn nêu tại kỳ tiếp xúc trước, nếu chưa được giải quyết, đại biểu cần có văn bản hoặc trực tiếp báo cáo với cử tri về nguyên nhân tồn tại để cử tri biết, không nên bỏ qua vì đây là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của bà con tại mỗi cuộc tiếp xúc.
Tiếp xúc cử tri là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đại biểu dân cử. Đại biểu phải thường xuyên liên hệ, gặp gỡ cử tri để làm cầu nối giữa chính quyền Nhà nước với nhân dân. Việc giải quyết và trả lời cử tri của các cơ quan có thẩm quyền một cách kịp thời, chất lượng là thể hiện hiệu quả, hiệu lực, vai trò giám sát của các cơ quan dân cử và từng đại biểu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.