(HNM) - Tiếp tục kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV, chiều 11-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục nhằm giải quyết những “điểm nghẽn”, để đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo. Ảnh: Viết Thành |
Băn khoăn việc tự chọn sách giáo khoa
Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu Quốc hội đánh giá, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát kỹ lưỡng, xác định và lựa chọn những nội dung không còn phù hợp đang tạo ra những vướng mắc để đề xuất sửa đổi, bổ sung, bảo đảm giải quyết những “điểm nghẽn” trong thực hiện đổi mới giáo dục đào tạo và huy động được các nguồn lực trong, ngoài nước cho phát triển giáo dục.
Đóng góp về chương trình sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Đoàn TP Cần Thơ) nêu: Tại Khoản 2 (Điều 2) dự thảo quy định về xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa và cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong giảng dạy và học tập. Nhưng tại Khoản 3 của điều này lại quy định Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng cho các cơ sở giáo dục phổ thông. Như vậy, có mâu thuẫn không, có bảo đảm khả thi không?
Còn đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) băn khoăn, việc quy định mỗi môn học có thể có nhiều sách giáo khoa và mỗi một cơ sở giáo dục được tự lựa chọn bộ sách giáo khoa cho chương trình học của mình có thể dẫn đến việc không thống nhất về chất lượng giáo dục giữa các cơ sở.
Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra rằng, hiện nay có một số trường học đã tự chọn sách giáo khoa vào trong chương trình giảng dạy của mình. Tuy nhiên, điều đáng nói là giá sách của cùng một môn học ở các trường so với giá cơ bản của thị trường rất chênh lệch. Có nơi giá sách cao hơn đến 10 lần. Các đại biểu Quốc hội yêu cầu cần phải quy định rõ giá trị sách giáo khoa của cùng một môn, giới hạn tỷ lệ chênh lệch được phép vào trong luật.
Cần khắc phục tình trạng "thừa thầy thiếu thợ"
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Anh Trí phát biểu tại buổi thảo luận ở hội trường. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Thảo luận về phân luồng liên thông trong giáo dục, đại biểu Bùi Ngọc Chương (Đoàn Cà Mau) nêu rõ, đây là vấn đề bức thiết thực tiễn đang đặt ra, trong đó có tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” cũng như học sinh, sinh viên học xong tìm việc làm rất khó. Điều 26, 27 dự thảo luật đã bổ sung một số định hướng, phân luồng sau khi sinh viên tốt nghiệp đại học, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Tuy nhiên, những bổ sung này rất hạn chế. Ở đây, vấn đề đáng quan tâm là sau phân luồng, việc học sinh học liên thông đang gặp nhiều khó khăn về quy định, thủ tục. Vì vậy, cần phải có những quy định rõ hơn để học sinh cũng như gia đình, xã hội thấy được rằng, nếu có phân luồng sang các trường dạy nghề thì sau đó nhu cầu học tập, chủ trương học suốt đời vẫn được thực hiện một cách thuận tiện. Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nội dung “con người Việt Nam yêu Tổ quốc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” thống nhất từ cấp mầm non đến cấp đại học…
Làm rõ hơn nội dung đại biểu Quốc hội đề cập, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, sửa đổi Luật Giáo dục được tiếp cận theo hướng Luật Giáo dục là luật khung quy định những vấn đề có tính nguyên tắc rất căn bản, với một tầm nhìn dài hạn.
Liên quan đến vấn đề học phí, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: Về học phí trong dự thảo là tính đúng, tính đủ nhưng với cấp học mầm non, phổ thông, Nhà nước vẫn có trách nhiệm cơ bản. Đây là bậc học mà Đảng và Nhà nước rất quan tâm nên thực tế có nhiều chính sách được bao cấp, cấp học bổng, miễn học phí. Với bậc đại học, Nhà nước vẫn có trách nhiệm nhưng khuyến khích các cơ sở giáo dục tự chủ. Bộ trưởng nhấn mạnh việc cơ cấu lại 20% ngân sách nhà nước theo hướng tăng cường cho mầm non, tiểu học và tiến tới trung học cơ sở, đặc biệt là các khu vực khó khăn miền núi, hải đảo…
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, phiên họp đã có 59 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu, trong đó có 20 đại biểu phát biểu. Ngoài ra có 10 đại biểu đăng ký tranh luận tại hội trường, trong đó có 9 đại biểu tranh luận. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng để chỉ đạo việc lấy ý kiến và tổ chức thảo luận tiếp thu chỉnh lý, hoàn chỉnh dự án luật, tiếp tục báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.
Sáng 11-6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Góp ý kiến về dự án luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) cho rằng, khi thực thi Luật Đặc xá, quyền lợi phải đi kèm nghĩa vụ. Thực tế có trường hợp người được đặc xá tái vi phạm pháp luật. Vì vậy, dự thảo luật nên quy định thời gian thử thách với người được đặc xá theo hướng tăng cường sự quản lý, theo dõi, giám sát của Nhà nước. Thời gian thử thách bằng thời gian chấp hành án phạt tù còn lại. Đóng góp ý kiến về chính sách tái hòa nhập cộng đồng sau khi đặc xá, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Liên (Đoàn Long An) cho biết, trong tổng số hơn 87.000 người được đặc xá, đa số đã về đúng địa chỉ cư trú và đều được công an địa phương hướng dẫn, đăng ký cư trú, cấp giấy tờ tùy thân. Trong đó, gần 50.000 người được đặc xá đã có việc làm và thu nhập ổn định. Song vẫn còn 1.007 người có hành vi vi phạm pháp luật, tái phạm, chiếm tỷ lệ 1,16%. Người được đặc xá chưa thực sự tái hòa nhập cộng động là do thiếu sự quan tâm của xã hội. Do vậy, dự thảo luật nên quy định chính sách bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng cho người được đặc xá. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.