(HNMO)- Chiều nay (10-7), kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hà Nội khóa XIV tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Trước vấn đề các đại biểu quan tâm đến việc xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp (CCN), Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết: Theo quy hoạch đến 2020 và tầm nhìn 2030 là 195 CCN, với diện tích hơn 3.400ha. Hiện nay, trên địa bàn TP có 107 CCN đã hoạt động và đang đầu tư xây dựng, chuẩn bị đầu tư. Trên thực tế, hiện có 42 CCN đã đầu tư lấp đầy, trong đó có 7 CCN đã có trạm xử lý nước thải (TXLNT); theo kế hoạch 2014 sẽ có thêm 7 CCN có TXLNT và 2015 là 9 CCN nữa.
Theo ông Thăng, khó khăn lớn nhất là có đến 45% trong tổng số các CCN đã đi vào hoạt động không có mặt bằng để xây dựng TXLNT. Do đó, đối với 41 dự án chuẩn bị triển khai trong thời gian tới sẽ yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng CCN phải quy hoạch và bố trí mặt bằng xây dựng TXLNT tập trung thì mới phê duyệt. Khó khăn nữa là vốn đầu tư cho TXLNT tại các CCN là rất lớn (bình quân 20 tỷ đồng/trạm). Do đó, thành phố chỉ tập trung đầu tư phần xây lắp, còn lại vốn mua sắm thiết bị tại các trạm là do chủ đầu tư, chủ quản lý CCN chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, hiện trên địa bàn thành phố đang có 4 khu giết mổ gia súc gia cầm (KGM) tập trung. Đối với việc đầu tư xây dựng TXLNT tại đây, thành phố đã giao cho Sở Công thương làm chủ đầu tư. Đến nay, đối với KGM của doanh nghiệp Minh Hiền ở huyện Thanh Oai đã vận hành được 80% công suất TXLNT; TXLNT tại KGM của Vinh Anh tại huyện Thường Tín đã hoạt động được 40% công suất; Hapro ở huyện Gia Lâm đầu tư 22 tỷ đồng TXLNT và đang vận hành thử nghiệm; KGM tập trung ở Đan Phượng đã xây dựng xong TXLNT.
Theo ông Lê Hồng Thăng, còn rất nhiều khó khăn, bất cập trong xử lý nước thải tại các CCN, KGM. Tuy nhiên, khó cũng phải làm để bảo vệ môi trường, có như vậy mới đảm bảo phát triển bền vững. Thực tế để giải quyết được vấn đề này cần có lộ trình, kế hoạch, nhất là cần huy động mọi nguồn lực sự xã hội, sự quan tâm của mọi người trong vấn đề bảo vệ môi trường trong đó có xử lý nước thải.
Kết luận vấn đề này, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, vấn đề bảo vệ môi trường không đã trở thành vấn đề toàn cầu, là trách nhiệm chung của mọi người và toàn xã hội. Trong những năm qua, thành phố rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường, trong đó có xử lý nước thải. Trong thời gian tới, phải bố trí đủ quỹ đất đối với các cụm CCN chưa có quỹ đất xây dựng TXLNNT; đối với các CCN đã có quỹ đất phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng TXLNT. Thành phố cần quan tâm tạo cơ chế để huy động đầu tư, kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực xử lý chất thải, nước thải.
Quyết tâm không có nhà SMSM tại tuyến đường mới mở
Đối với vấn đề cử tri quan tâm về xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo (SMSM) trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết: Tháng 11-2011 có 597 trường hợp nhà SMSM. Đến nay đã xử, chỉ còn 192 trường hợp, trên 8 tuyến đường thuộc địa bàn 8 quận.
Đối với 58 trường hợp nhà SMSM trên tuyến đường Ô Chợ Dừa-Hoàng Cầu, ông Lê Văn Dục cho biết, Sở Xây dựng đã phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương tiếp tục áp dụng 3 giải pháp hợp khối, hợp thửa; chỉnh trang; thu hồi (với diện tích 10m2, chiều sâu không đủ 3m) để xử lý. Đến thời điểm này, đã xử lý được 30/58 trường hợp. Hiện đang tiếp tục tập trung để xử lý đối với 28 trường hợp còn lại (13 trường hợp chỉnh trang, 4 trường hợp hợp khối).
Theo ông Lê Văn Dục, tuyến đường vành đai 1 đã cắm chỉ giới từ năm 2003 và thiết kế tuyến đường được lập năm 2008. Mốc giới cắm trước khi có quy định về nhà SMSM. Cho nên, khi triển khai thi công, mặc dù chính quyền đã có biện pháp ngăn chặn nhưng người dân tranh thủ ngày đêm xây dựng nên đã dẫn đến tình trạng SMSM và nhếch nhác tuyến phố.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Hoài Nam, nếu nói là quy hoạch chỉ giới cắm từ lâu rồi, trước khi có quy định về nhà SMSM, vậy sao khi không điều chỉnh thiết kế cho phù hợp? Liệu thời gian tới có rất nhiều con đường, tuyến phố trong nội đô sắp mở có xảy ra tình trạng như tuyến đường Ô Chợ Dừa-Hoàng Cầu nữa hay không và đã đề ra giải pháp nào?
Theo ông Lê Văn Dục, tuyến đường vành đai 1, vành đai 2 là những tuyến đường được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thiết kế. Và trên thực tế, có thể trình Thủ tướng để xin điều chỉnh cho phù hợp, tránh tình trạng xảy ra nhà SMSM như vừa rồi. Tuy nhiên, lâu nay các cơ ngành chức năng của thành phố hay “ngại” xin điều chỉnh. Đây cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc. Xin tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Thời gian tới, các sở, ngành chức năng của thành phố, trong đó có Sở Xây dựng sẽ có trách nhiệm hơn nữa để không lặp lại tình trạng này khi triển khai các dự án mở đường.
Kết luận phần chất vấn về nhà SMSM, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh nhấn mạnh: Phần trả lời của Giám đốc Sở Xây dựng tương đối nêu rõ nguyên nhân và đã thể hiện được tinh thần cầu thị và quyết tâm thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Qua đây, cho thấy sự phối kết hợp giữa các sở, ngành của thành phố trong việc giải quyết vấn đề nhà SMSM chưa tốt. Cần phải rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc từ thực tế các tuyến đường vừa qua, để không xảy ra trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, xử lý để không xảy ra tình trạng này. Muốn vậy, thời gian tới đề nghị Sở Xây dựng phối hợp chặt chẽ hơn với các huyện, quận để Thanh tra Xây dựng hoạt động hiệu quả hơn, với quyết tâm không để xảy ra tình trạng nhà SMSM trên các tuyến đường mới mở trong thời gian tới.
Phấn đấu đến năm sau có đường ống dẫn nước sông Đà số 2
Tại phiên chất vấn, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hôm nay đường ống nước sạch sông Đà lại bị vỡ. Đây là lần thứ 8 đường ống này bị vỡ trong vòng 5 năm qua (kể từ ngày đưa vào sử dụng). Thành phố đã chỉ đạo tập trung lực lượng khắc phục sự cố vỡ này và chắc chắn 23 giờ hôm nay (10-7) sẽ cấp nước trở lại.
Các đại biểu bức xúc: Đây là lần thứ 8 đường ống bị vỡ và mỗi lần vỡ hơn 70.000 hộ dân phải chịu ảnh hưởng. Vậy đâu là nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục?
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đường ống nước sạch sông Đà là do Vinaconex làm chủ đầu tư, với công suất 300.000m3/ngày-đêm. Thành phố Hà Nội mua lại nước để phục vụ nhân dân. Nguyên nhân vỡ đường ống qua đánh giá sơ bộ ban đầu là dùng vật liệu chưa phù hợp, thiếu khảo sát, giám sát trong quá trình thi công. Trách nhiệm này thuộc về Vinaconex. Tuy nhiên, thành phố Hà Nội chưa kiểm tra, giam sát quá trình thi công mặc dù không phải là chủ đầu tư. Trước thực trạng vỡ đường ống liên tục, UBND TP Hà Nội đã đưa ra một số giải pháp, trong đó yêu cầu tập trung xử lý nhanh sự cố (không qua 24 tiếng) mỗi khi xảy ra; đồng thời chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị cung cấp nước trên địa bàn thành phố phải có biện pháp bảo đảm nước sinh hoạt cho nhân dân trong đó tăng áp lực vận hành đường ống, đồng thời dùng xe chở nước cho nhân dân. Tuy nhiên, mỗi khi xảy ra sự cố, vẫn biết có nơi, có chỗ chưa đạt yêu cầu, rất mong nhân dân chia sẻ và sử dụng nước tiết kiệm. Bên cạnh đó, mỗi khi xảy ra sự cố, thành phố yêu cầu phải thông tin nhanh, rộng rãi đến nhân dân để nhân dân biết và chủ động sử dụng nước tiết kiệm.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, thành phố đang khẩn trương chuẩn bị xây dựng đường ống dẫn nước số 2 từ Hòa Lạc về đường vành đai 3. Đối với dự án này, nếu Vinaconex không đủ năng lực, thành phố sẽ “bắt tay”vào làm và tập trung huy động mọi nguồn vốn cho dự án. Đối với dự án này sẽ tập trung khẩn trương thi công để đến giữa năm sau có thể hoàn thành. Trước mắt, đầu tư thay thế 10km đường đoạn tuyến hay xảy ra vỡ để đảm bảo nước cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Hiện tại, thành phố đang chỉ đạo các nhà máy nước nâng công suất (nhà máy nước Sơn Tây tăng thêm 10.000m3/ngày-đêm; nhà máy nước sạch sông Đà nâng lên thành 600.000m3/ngày-đêm) để đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân, trong đó có cả khu vực ngoại thành; bên cạnh đó, giao cho Công ty nước sạch Hà Nội xây dựng nhà máy để lấy nước mặt sông Hồng nhằm giảm bớt dùng nước ngầm khi mà nguồn nước ngầm đang dần cạn kiệt.
Phát biểu kết luận phiên chất vấn kỳ họp thứ 10, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, phiên chất vấn kỳ này có 2 điểm mới. Đó là dành thời gian thỏa đáng để tái chất vấn việc thực hiện các nội dung đã trả lời trong phiên chất vấn từ kỳ trước mà chưa giải quyết, còn dang dở. Mong rằng, các vấn đề chất vấn đều là những điều mà cử tri thành phố quan tâm nên không chỉ dừng lại ở trả lời tại hội trường mà sẽ được các sở, ngành, UBND TP quan tâm giải quyết đến cùng sau phiên chất vấn. Điểm mới thứ hai, lần này chất vấn trực tiếp vào đúng địa chỉ các sở theo chức năng được phân công và theo sự chỉ đạo của UBND TP. Nhìn chung, phiên chất vấn đạt hiệu quả, cần tiếp tục duy trì tại các kỳ họp sau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.