Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết chế độ, chính sách đối với cựu TNXP: Cần sự quan tâm hơn nữa

Linh Nhi| 21/09/2013 06:29

(HNM) - Cả nước hiện vẫn còn tới 130 nghìn cựu TNXP (chiếm 32%) chưa được hưởng chế độ, chính sách.

Tuy nhiên, cả nước hiện vẫn còn tới 130 nghìn cựu TNXP (chiếm 32%) chưa được hưởng chế độ, chính sách. Đây là vấn đề day dứt của cán bộ các cấp hội cựu TNXP và là mối quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước…

Nhiều cựu TNXP chưa được hưởng chế độ, chính sách

Từ khi ra đời (năm 2004), TƯ Hội Cựu TNXP đã vận động xây dựng tổ chức hội từ cấp tỉnh đến cấp xã; đồng thời chủ động phối hợp với các ngành, các cấp từ việc tham mưu xây dựng chế độ, chính sách đối với cựu TNXP đến tổ chức triển khai thực hiện, tiêu biểu như các chế độ trợ cấp, ưu tiên vay vốn từ quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, quỹ xóa đói giảm nghèo, bảo hiểm y tế, mai táng phí... Tuy nhiên, thực tế hiện nay không ít chính sách được ban hành nhưng bị "treo", không thể thực hiện hoặc đạt kết quả thấp. Ví dụ, quy định về giải quyết chế độ thương binh, liệt sỹ cho cựu TNXP đã ban hành nhiều năm nhưng hiện vẫn còn tồn đọng tới gần 9 nghìn trường hợp người bị thương và gần 700 người hy sinh chưa được thụ hưởng. Tương tự, quy định về chế độ chính sách đối với người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc hóa học được ban hành năm 2004, nhưng còn hơn 11 nghìn cựu TNXP và 3 nghìn con đẻ của họ bị nhiễm chất độc chưa được hưởng chính sách. Tiếp đó, được ban hành từ năm 2005, nhưng còn tới hơn 26 nghìn người chưa được hưởng bảo hiểm y tế, hơn 1.500 người chưa được nhận chế độ mai táng phí. Đáng nói nữa là, Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ưu tiên vay vốn đối với cựu TNXP được ban hành cách đây hai năm, hiện còn tới 26 nghìn/90 nghìn người chưa được hưởng chính sách này…

“Nhà tình nghĩa” được trao tặng cho gia đình cựu thanh niên xung phong tại thôn Đông, xã Phù Lỗ, Sóc Sơn.


Phân tích nguyên nhân thực trạng trên, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Nguyễn Anh Liên cho biết, có rất nhiều nguyên nhân như tính chất lịch sử, thất lạc hoặc không có giấy tờ gốc, các cơ quan chức năng, cơ quan nghiên cứu lịch sử, khen thưởng về kháng chiến chưa thực sự "vào cuộc". Một số cơ quan chức năng và cán bộ cấp bộ, ngành, tỉnh, huyện, xã còn chưa làm hết trách nhiệm, chưa hiểu lịch sử và sự cống hiến, hy sinh của lực lượng TNXP, dẫn đến đề xuất các văn bản về chế độ, chính sách không sát, thiếu tính lịch sử, chưa "khớp" với thực tế. Nhiều cán bộ còn biểu hiện hành chính, quan liêu, máy móc khi thực thi nhiệm vụ.

Phát huy vai trò "nhân chứng lịch sử"

Thực tế, Hội Cựu TNXP có vai trò đặc biệt là "nhân chứng lịch sử" giúp các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tìm kiếm, thu thập thông tin, tình hình tồn đọng chính sách; giúp Đảng, Nhà nước ban hành và giải quyết chính sách cho cựu TNXP. Với tình cảm và trách nhiệm trước đồng đội, các cấp hội đã nỗ lực tìm hiểu cuộc sống của cựu TNXP, nhất là ở vùng miền núi để kiến nghị Đảng, Nhà nước tháo gỡ khó khăn. Nhưng vì nhiều lý do khách quan, chủ yếu là do không còn giấy tờ gốc về thời gian tham gia chiến đấu, nên việc giải quyết chế độ, chính sách với cựu TNXP còn nhiều bất cập.

Trước thực trạng đó, các cấp hội cựu TNXP đã và đang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giúp đồng đội về cả vật chất và tinh thần. Tiêu biểu như Thanh Hóa, là tỉnh có nhiều đối tượng cựu TNXP nhất cả nước (55 nghìn người), song hiện nay toàn tỉnh đã giải quyết về bảo hiểm y tế đối với hơn 23.700 người, trợ cấp theo quy định của Chính phủ với 35 nghìn người, giải quyết chế độ chính sách thương binh, liệt sỹ cho hơn 4.300 người… Lãnh đạo Hội Cựu TNXP tỉnh Thanh Hóa chia sẻ kinh nghiệm, hội rất coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ, coi đây là lực lượng có tính quyết định. Hội cũng đặc biệt quan tâm hoạt động nghĩa tình đồng đội, để phát huy tối đa vai trò "nhân chứng lịch sử"...

Tại Hà Nội, Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP Đỗ Quốc Phong cho biết, Hà Nội đã giải quyết chế độ chính sách đối với 30 nghìn cựu TNXP, trong đó có hơn 2.200 thương binh, 229 liệt sỹ, hơn 7.600 cựu TNXP được hưởng chính sách bảo hiểm y tế, hơn 4 nghìn người được hưởng các chế độ trợ cấp, ưu đãi theo quy định. Thành hội luôn lấy tinh thần đoàn kết, học tập và làm theo gương Bác, lấy công việc hàng ngày làm nền tảng thi đua. Các cấp hội giúp hơn 1 nghìn hội viên thoát nghèo, sửa hơn 100 nhà dột nát với tổng trị giá 22 tỷ đồng.

Tuy đạt được kết quả nhất định, song nhiều cán bộ các cấp hội cựu TNXP luôn trăn trở, day dứt bởi chưa giải quyết hết được những mong mỏi của nhiều cựu TNXP muốn được ghi nhận sự cống hiến, bởi đây không chỉ đơn thuần là quyền lợi về vật chất. Việc giải quyết chế độ, chính sách đối với cựu TNXP chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn. Vì vậy cùng với sự nỗ lực của cán bộ các cấp hội cựu TNXP thì cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, nhất là những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết chế độ, chính sách đối với cựu TNXP: Cần sự quan tâm hơn nữa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.