Lương - Bảo hiểm

Giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội là miễn phí, tại sao người lao động vẫn bị lừa?

Vũ Minh 12/07/2023 18:29

Việc giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) được thực hiện miễn phí, nhưng hành vi lừa đảo núp bóng dịch vụ BHXH vẫn có “đất sống”, người lao động vẫn bị lừa sử dụng dịch vụ ảo dẫn đến bị lừa tiền, lý do vì sao?

Ngày 12-7, BHXH Việt Nam tiếp tục cảnh báo tái diễn hành vi lừa đảo làm dịch vụ BHXH trên mạng xã hội. Cụ thể, thời gian gần đây, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng (BHXH Việt Nam) tiếp nhận nhiều vụ việc người lao động phản ánh họ bị lừa đảo số tiền lớn, có trường hợp bị lừa với tổng số tiền lên tới 100 triệu đồng.

hinh-anh-lua-dao.png
Một số tin nhắn và giấy tờ giả của các đối tượng lừa đảo.

Lý do là vì họ truy cập một số trang mạng xã hội có tên “bảo hiểm xã hội” để nhờ tư vấn giải quyết các thủ tục hành chính về BHXH một lần, chốt sổ BHXH, thoái thu do đóng trùng BHXH, giải quyết chế độ thai sản, một số người lao động đã mắc “bẫy lừa”.

Phân tích các vụ việc do người lao động phản ánh, BHXH Việt Nam cho biết, về hình thức, đối tượng lừa đảo thường lập các Facebook có hình ảnh logo của BHXH Việt Nam, trong đó ghi nội dung dịch vụ hỗ trợ, tư vấn về việc thực hiện các thủ tục hành chính của ngành BHXH. Khi người lao động tương tác với các Facebook mạo danh này qua messenger, thì các đối tượng thường tự giới thiệu là nhân viên tư vấn của cơ quan BHXH và hướng dẫn người lao động tương tác với Fanpage của cá nhân khác chuyên hỗ trợ về các dịch vụ của BHXH.

Đối tượng lừa đảo thường yêu cầu người lao động cung cấp mã số BHXH và mã thẻ căn cước công dân. Sau khi nhận được thông tin của người lao động, đối tượng gửi hình ảnh cho người lao động (hình ảnh giả) thể hiện thông tin cá nhân và mức hưởng các chế độ thường cao hơn thực tế rất nhiều để người lao động yên tâm, kèm theo tình trạng hồ sơ chưa được giải quyết… Tiếp đến, những đối tượng lừa đảo yêu cầu người lao động nếu muốn được giải quyết chế độ thì cần chi trả phí hồ sơ (thường là 900.000 đồng/hồ sơ).

Nếu người lao động chưa tin tưởng, thì những đối tượng này sẽ dùng hình ảnh Fanpage của cơ quan BHXH có dấu tích xanh để tạo lòng tin, hoặc giới thiệu người lao động vào các nhóm kín của ứng dụng Telegram để trao đổi thông tin. Trong các nhóm kín này, các đối tượng tạo niềm tin bằng cách cho đồng bọn gửi tin nhắn có hình ảnh thể hiện hồ sơ do chúng hỗ trợ đã giải quyết xong…

so-bhxh.jpg
Việc giải quyết các chế độ BHXH được thực hiện miễn phí.

Khi người lao động đồng ý nhờ giải quyết, các đối tượng sẽ gửi cho người lao động những hình ảnh giả mạo có con dấu và chữ ký của lãnh đạo cơ quan BHXH Việt Nam, chứng minh việc cơ quan BHXH đã nhận được hồ sơ… để người lao động kiểm tra. Sau đó, bọn chúng yêu cầu người lao động phải chuyển tiền đóng phí hồ sơ.

Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, các đối tượng sử dụng nhiều chiêu trò khác để yêu cầu người lao động chuyển thêm tiềm. Cứ thế, những trường hợp nhẹ dạ cả tin bị lừa với số tiền ngày một tăng.

BHXH Việt Nam khẳng định, cơ quan BHXH không có hình thức làm dịch vụ các thủ tục hành chính của bất kỳ lĩnh vực nào. Ngành BHXH cũng không yêu cầu người dân chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân. Hiện quy trình, thủ tục giải quyết hưởng các chế độ BHXH đều miễn phí. Nếu có nhu cầu nhận kết quả giải quyết các thủ tục tại nhà thông qua dịch vụ bưu chính, người dân, người lao động chỉ phải trả phí vận chuyển với số tiền rất nhỏ.

Trường hợp khi thực hiện các thủ tục hành chính của ngành BHXH Việt Nam mà gặp vướng mắc, người dân, người lao động liên hệ trực tiếp với cơ quan BHXH địa phương nơi gần nhất, hoặc liên hệ trực tiếp tới Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng (BHXH Việt Nam) qua số hotline: 1900.9068; hoặc số 0243.7899999 (trong giờ hành chính) để được hỗ trợ.

Người dân, người lao động cần đề cao cảnh giác với các “dịch vụ” BHXH trên mạng xã hội, tuyệt đối không chuyển tiền vào những tài khoản theo yêu cầu của các dịch vụ ảo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội là miễn phí, tại sao người lao động vẫn bị lừa?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.