Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp giúp củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân

Bảo Hân| 13/10/2020 12:07

(HNMO) - Kinh nghiệm củng cố cơ sở Đảng yếu kém, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội được đồng chí Trần Quyết Thắng, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hai Bà Trưng trình bày tham luận tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội sáng 13-10.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hai Bà Trưng Trần Quyết Thắng tham luận tại Đại hội.

Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hai Bà Trưng, ngay khi Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy được ban hành, Ban Thường vụ Quận ủy đã tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền và xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện, triển khai quyết liệt đồng bộ các nhóm nhiệm vụ giải pháp.

Qua rà soát, đánh giá thực trạng trên địa bàn, Đảng bộ quận Hai Bà Trưng không có tổ chức cơ sở Đảng yếu kém cần phải củng cố theo 5 nhóm nội dung của Nghị quyết; không có "điểm nóng" về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, vẫn có một số tổ chức cơ sở Đảng có tồn tại, hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, cấp ủy giảm sức chiến đấu và có dấu hiệu mất đoàn kết nội bộ, như: Phường Trương Định, phường Phố Huế, phường Quỳnh Mai, Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA)... và 113 vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cần có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Quận ủy.

Trên cơ sở nắm chắc tình hình, phân tích rõ nguyên nhân, Ban Thường vụ Quận ủy đã tập trung lãnh đạo, thành lập các tổ công tác để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo rà soát phân loại cụ thể từng nhóm vụ việc phức tạp, từ đó xây dựng kế hoạch, tiến độ giải quyết từng vụ việc theo hướng rõ nội dung công việc, rõ tiến độ hoàn thành, rõ trách nhiệm và chú trọng khâu đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện. Kết quả, nhiều tổ chức cơ sở Đảng có chuyển biến tích cực trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Từ 113 vụ việc phức tạp, đến nay chỉ còn 8 vụ việc cần giải quyết. Qua đó, mang lại những kết quả tích cực cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hai Bà Trưng; củng cố và tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và người dân đối với vai trò lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp; giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Trên cơ sở kết quả thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy thời gian qua và thực tiễn chỉ đạo thực hiện của Quận ủy Hai Bà Trưng, Quận ủy kiến nghị Thành ủy tiếp tục chỉ đạo sâu sát, quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, nhất là những nơi có vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đề nghị Thành ủy nghiên cứu, xem xét, cho phép bố trí một cán bộ chuyên trách công tác Đảng tại đảng ủy các phường để bảo đảm thực hiện tốt nghiệp vụ công tác Đảng và công tác quản lý đảng viên.

Tập trung triển khai chương trình nghiên cứu lớn liên quan đến những vấn đề bức thiết 

Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội

Cùng tham luận tại Đại hội trong sáng nay, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội bày tỏ, đội ngũ trí thức, các nhà khoa học rất vui mừng khi Báo cáo chính trị trình Đại hội đã chỉ rõ một trong những đột phá chiến lược là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế…

Đồng chí nêu, các trường đại học, cao đẳng chính là những trung tâm thu hút tài năng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, không những đáp ứng yêu cầu trước mắt, mà còn phải dẫn dắt sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Việc xác định một trong ba khâu đột phá là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng tâm là các giải pháp về giáo dục, khoa học công nghệ là lựa chọn tất yếu.

Để thực hiện thành công khâu đột phá này, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn đề xuất thành phố cần thể hiện quyết tâm chính trị cao, ban hành nghị quyết, chương trình công tác lớn phát huy tiềm năng đội ngũ tri thức trong các học viện, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và hội nhập quốc tế.

“Các học viện, trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn Thủ đô cần được nhìn nhận như những trường của thành phố, được hưởng những cơ chế thuận lợi trong quy hoạch và đầu tư xây dựng, được hưởng những chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, phí, nhất là trong bối cảnh các trường đang thực hiện cơ chế tự chủ”, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn kiến nghị.

Một giải pháp khác là thành phố xây dựng một quỹ phát triển khoa học - công nghệ dành riêng cho phát triển hợp tác nghiên cứu giữa các trường đại học, cao đẳng với các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; tập trung xây dựng và triển khai một số chương trình nghiên cứu lớn, liên ngành liên quan đến những vấn đề bức thiết của thành phố, giao cho các trường đại học chủ trì; bên cạnh đó thành lập các bộ phận một cửa cung cấp dịch vụ an sinh trọn gói cho các nhà khoa học, chuyên gia khi thực hiện các đề án của thành phố.

Giáo dục - đào tạo phải tạo ra những con người có phẩm chất, năng lực toàn diện

Đồng chí Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tham luận về “Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô”.

Với mục tiêu Hà Nội trở thành trung tâm giáo dục đào tạo chất lượng cao, tiêu biểu của cả nước và có tầm cỡ khu vực; giáo dục đào tạo nhằm phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, đáp ứng những yêu cầu mới; chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu chú trọng kiến thức sang tập trung phát triển năng lực và phẩm chất người học, ngành Giáo dục và Đào tạo xác định giáo dục, đào tạo phải tạo ra những con người có phẩm chất, năng lực toàn diện, cần thiết gồm phát triển cả phẩm chất và năng lực con người, cả dạy chữ, dạy người, dạy nghề.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng tham luận tại Đại hội.

Giáo dục - đào tạo Thủ đô đang từng bước chuyển từ hướng phát triển chủ yếu theo quy mô, số lượng sang phát triển vừa lấy trọng tâm là nâng cao chất lượng, hiệu quả, vừa chú ý quy mô, số lượng; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa; giáo dục học sinh Thủ đô dần đáp ứng yêu cầu của công dân toàn cầu, đồng thời phải có những phẩm chất cần thiết, tiêu biểu của người Hà Nội thanh lịch, văn minh…

Nhằm thực hiện được những mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, đồng chí Chử Xuân Dũng nêu một số giải pháp chú trọng thực hiện trong thời gian tới như hoàn thiện việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và quy mô phát triển giáo dục của thành phố Hà Nội; tiếp tục đổi mới nội dung giáo dục đào tạo theo hướng toàn diện bao gồm giáo dục phẩm chất, thái độ, năng lực, tri thức và kỹ năng; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đào tạo; tăng cường thu hút nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao, trường học thông minh, trường song bằng, trường liên kết theo chương trình quốc tế ở tất cả các cấp học; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục cho các nhà trường…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp giúp củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.