(HNM) - Nhiều hộ kinh doanh tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) đang rất bức xúc trước việc chợ xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm được việc lưu trữ hàng hóa. Bên cạnh đó là tình trạng nhiều người không thuê gian hàng cũng mang hàng hóa vào chợ kinh doanh. Những bất cập này đã ảnh hưởng đến việc buôn bán của các tiểu thương, cần được giải quyết sớm.
Để làm rõ sự việc, phóng viên Báo Hànộimới đã xác minh thực tế tại chợ Minh Khai và nhận thấy những ý kiến của các hộ kinh doanh gửi đến Báo Hànộimới là có cơ sở. Chợ đầu mối Minh Khai là chợ nông sản hạng 1, được UBND thành phố giao cho Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội quản lý khai thác. Chợ hoạt động từ 17h chiều hôm trước đến 8h sáng hôm sau. Các mặt hàng được phép kinh doanh tại chợ là thủy, hải sản tươi sống, thịt gia súc, gia cầm, hàng thực phẩm khô và rau củ quả các loại. Hiện có 960 hộ đã ký hợp đồng thuê mặt bằng và đang kinh doanh tại chợ.
Theo quan sát của phóng viên, tình trạng chợ đang xuống cấp nghiêm trọng khi nhiều gian hàng xập xệ, chắp vá, chỉ có mái che bằng bạt, chống cột tre xiêu vẹo. Nền chợ đã xuống cấp, chỉ cần trời mưa nhỏ là bùn đất trơn trượt, gây nguy hiểm cho mọi người đi lại. Hệ thống thoát nước cũng không tốt, cộng thêm ý thức của một số tiểu thương còn kém, thường xả rác tùy tiện gây ách tắc, khiến lòng chợ nhiều chỗ nước chảy lênh láng, tù đọng rất mất vệ sinh. Trình bày với phóng viên, nhiều tiểu thương bày tỏ bức xúc, than phiền về thực trạng xuống cấp tại chợ lâu ngày ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh của họ. “Những hôm trời nắng, chúng tôi ngồi trong ki ốt mà nắng táp bỏng rát, mưa xuống thì dột ướt cả hàng hóa, gây thiệt hại rất nhiều”, bà Nguyễn Thị S, một tiểu thương xin được giấu tên cho biết.
Bên cạnh việc chợ xuống cấp, tình trạng nhiều người không thuê ki ốt cũng mang hàng hóa vào chợ bày bán là một thực tế đang diễn ra tại chợ đầu mối Minh Khai. Những người này thường để hàng hóa cồng kềnh trên những chiếc xe thồ đỗ trên đường đi. Nhiều người còn dựng những chiếc ô lớn và căng bạt choán hết lối đi làm chỗ bày bán các loại từ rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm đến quần áo, bánh kẹo... Một vấn đề bất cập khác góp phần gây nên tình trạng lộn xộn, mất trật tự tại khu chợ là việc xe máy, ô tô của khách đến mua hàng dừng đỗ rất tùy tiện, làm ách tắc và va chạm thường xuyên diễn ra.
Trao đổi với phóng viên về những vấn đề trên, ông Hoàng Tiến Sỹ, Giám đốc Ban quản lý chợ đầu mối Minh Khai thừa nhận chợ đang xuống cấp mặc dù vẫn được tu sửa hằng năm. Theo ông Sỹ, do kinh phí hạn hẹp và quy mô chợ xây dựng sơ sài nên cũng không thể sửa chữa, nâng cấp hơn được. Thành phố quy định cho phép giá thuê ki ốt là 300.000 đồng/m2 nhưng trên thực tế hiện nay Ban quản lý chợ chỉ áp giá thu 100.000 đồng/m2. “Hiện nay, Ban quản lý chợ đang có chủ trương kiến nghị xây mới lại chợ đầu mối Minh Khai, tuy nhiên còn phải chờ các cấp và cơ quan, ban, ngành chức năng xem xét. Chúng tôi mong muốn việc xây dựng có thể thực hiện theo phương thức xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực vốn để chợ sớm được xây dựng lại, đáp ứng nhu cầu của các hộ kinh doanh và khả năng trung chuyển hàng hóa đi các nơi, xứng tầm chợ đầu mối hạng 1 như tên gọi”, ông Sỹ nhấn mạnh.
Về những vấn đề khác do phóng viên phản ánh, ông Sỹ cho biết những người không thuê ki ốt kinh doanh tại chợ vẫn đến đây để bày bán hàng hóa chủ yếu là nông dân từ các vùng lân cận mang nông sản, gia cầm được trồng trọt, chăn nuôi ở nhà ra chợ bán. “Chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân thực hiện đúng quy định của chợ, bảo đảm quyền lợi cho các hộ kinh doanh có thuê mặt bằng trong chợ”, ông Sỹ khẳng định.
Thực tế, vấn đề lớn nhất ở chợ đầu mối Minh Khai là việc các hộ kinh doanh mong muốn có nơi buôn bán khang trang, sạch sẽ hơn. Đây là nhu cầu chính đáng và cũng phù hợp với chủ trương nâng cao văn minh thương mại của thành phố. Vì vậy, đề nghị Ban quản lý chợ đầu mối Minh Khai phối hợp với các ban, ngành chức năng để có phương án phù hợp nhất nhằm nhanh chóng khắc phục tình trạng cũ nát, xuống cấp, nhếch nhác của khu chợ. Ngoài ra, Ban quản lý chợ cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng lộn xộn, mất vệ sinh tại chợ nhằm bảo đảm văn minh trật tự và quyền lợi chính đáng của bà con tiểu thương kinh doanh tại đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.