(HNM) - Sổ hộ khẩu - một trong những loại giấy tờ “quyền lực” nhất đối với mọi người dân Việt Nam, gắn với nhiều thăng trầm của đất nước, tới đây, chắc chắn theo lộ trình cải cách hành chính của Chính phủ sẽ trở thành một kỷ vật ở bảo tàng.
Không phải ngẫu nhiên, như một sự reo vui trong lòng người dân, việc tiến tới bỏ sổ hộ khẩu giấy, về bản chất là một bước đi lớn về đổi mới phương thức quản lý dân cư, thể hiện sự cam kết của Chính phủ trong tạo dựng một nền hành chính thực sự vì dân, nhằm giải phóng mọi nguồn lực xã hội, tạo đà cho đất nước không ngừng đi lên.
Cam kết ấy đã thể hiện rõ từ năm 2013, khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 896/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020; gần đây nhất là Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30-10-2017 về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Khó có thể nói hết được những tác động đa chiều, tích cực mà nỗ lực cải cách hành chính kể trên của Chính phủ hướng tới. Hiểu một cách giản dị, quản lý dân cư bằng phương tiện điện tử sẽ thay thế quản lý theo cách thủ công; sẽ không còn tình trạng ôm quá nhiều giấy tờ cho cùng một thông tin cá nhân mà “không anh nào thay được anh nào”; ít nhất 800 thủ tục rườm rà sẽ được Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành loại bỏ, kéo theo hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng và nhiều hơn nữa những khoản chi phí cho in, sao, chuyển đổi… giấy tờ không cần thiết.
Đáng nói thêm, một nền hành chính quản lý hiệu quả sẽ góp phần lan tỏa, kích hoạt những năng lượng tích cực trong đời sống xã hội. Người dân không phải chờ đợi, bớt đi bức xúc, dành năng lượng nhiều hơn cho lao động, cống hiến, sáng tạo. Cán bộ, bộ máy hành chính được giảm tải, tăng hiệu lực, hiệu quả làm việc cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển nhiều hơn...
Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận, cải cách hành chính nói chung, đặc biệt là về quản lý dân cư nói riêng là chạm đến một khối lượng công việc đồ sộ, lại phức tạp do sự chằng níu lâu nay của hệ thống thủ tục, hệ thống pháp luật. Chưa kể, do gắn liền với các vấn đề dân sinh, nên chúng ta không thể nghỉ phục vụ để “cải cách” mà phải là “vừa chạy vừa xếp hàng”.
Rõ ràng, từ nay đến năm 2020, thời gian để hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cả cơ quan quản lý và người dân đều cần chia sẻ với nhau những vất vả của giai đoạn quá độ. Bộ Công an là đơn vị được Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ này, song vai trò của các bộ, ngành khác là không nhỏ. Nói cách khác, đây là trách nhiệm chung của cả bộ máy hành chính từ trung ương tới địa phương trong thực hiện chính phủ điện tử. Cụ thể như, liên thông giải quyết các trường hợp người dân đã chuyển từ chứng minh nhân dân sang sử dụng thẻ căn cước công dân 12 số; tích cực cùng các cơ quan truyền thông thông tin kịp thời những thay đổi trong quá trình này…
Bên cạnh đó, phần việc đặc biệt quan trọng là sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp cần cách thức thực hiện hợp lý, ví như áp dụng phương thức một luật sửa nhiều luật để tăng tính hiệu quả…
Những phát sinh trong quá trình thực hiện là khó tránh khỏi, song, đúng như Nghị quyết 112/NQ-CP đã nêu, các cấp, ngành phải kịp thời báo cáo để Chính phủ giải quyết. Đặc biệt, với tinh thần một nền hành chính vì dân, giải phóng mọi nguồn lực vì sự phát triển của đất nước, câu chuyện từ sổ hộ khẩu bước sang hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là nhiệm vụ xứng đáng nhận được sự đồng hành của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.