(HNM) - Sóc Sơn là huyện điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, đã được thành phố cho triển khai dự án tổng thể hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn 8 xã có nhiều hộ nghèo từ năm 2004. Với 5 nhóm dự án cụ thể, thiết thực, đầu tư kinh phí hợp lý, qua 5 năm dự án được đánh giá đạt hiệu quả, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững.
Hỗ trợ cả cần câu và mồi câu
Ông Trịnh Duy Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Sóc Sơn được thành phố quan tâm đặc biệt nhằm giảm nghèo ở 8 xã là Bắc Phú, Đông Xuân, Xuân Giang, Tân Minh, Minh Trí, Tân Dân, Hiền Ninh và Quang Tiến có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 11,3% đến 25,2% (thời điểm năm 2002). Dự án tổng thể gồm 5 dự án thành phần là hướng dẫn, tập huấn cho hộ nghèo, và cận nghèo cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công; đầu tư giao thông nông thôn; công trình thủy lợi; hỗ trợ công trình cấp nước sạch và cải tạo chợ nông thôn. Đây là chuỗi dự án khá toàn diện, triển khai trên diện rộng, tập hợp tất cả hộ nghèo đủ điều kiện yêu cầu của các dự án trong vòng hơn 4 năm nhằm nâng mức sống, cải thiện đời sống tinh thần và vật chất cho hộ nghèo. Đặc biệt, dự án hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo không chỉ cấp phát giống cây trồng như lúa, ngô, lạc, hạt giống rau, giống vật nuôi như lợn, bò nuôi thịt, giống thủy sản, giống lợn, bò sinh sản mà còn hỗ trợ vật tư, phân bón và thức ăn chăn nuôi, tức là cung cấp cả cần câu và mồi câu. Chủ tịch UBND xã Đông Xuân Lê Văn Được thừa nhận, địa phương được hưởng dự án qua 5 năm rất phấn khởi, nhận thức, trình độ sản xuất và đời sống người dân được cải thiện, các công trình hạ tầng như đường giao thông, mương bê tông, trạm bơm đều đạt chất lượng khá.
Nông dân huyện Sóc Sơn chăm sóc ngô trồng xen lạc. Ảnh: TTXVN |
Ông Lê Thiết Cương, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội - cơ quan được giao chủ trì thực hiện dự án cho biết, chi cục đã mời chuyên gia, giảng viên Viện Nghiên cứu rau quả, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trường Trung cấp Nông nghiệp Hà Nội tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các phòng, ban của huyện, cán bộ xã và 312 lớp tập huấn kỹ thuật cho 14.660 lượt người; thành lập các câu lạc bộ hộ nghèo;
52 nhóm sản xuất chuyên ngành hoạt động đều với nội dung đa dạng, phong phú là nơi trao đổi, bàn thảo, phổ biến kinh nghiệm sản xuất rất hiệu quả. Kết quả, dự án đã hỗ trợ cho 2.904 trên tổng số 3.026 hộ nghèo và cận nghèo của 8 xã, đạt 96%, xây dựng 53 mô hình trình diễn chăn nuôi, trồng trọt thu hút 1.354 hộ nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất đại trà cho 1.550 hộ nghèo, cấp phát trên 11.170kg giống lúa, ngô, lạc, hạt giống rau và 97.258 phân đạm, lân, kali cho 1.018 hộ cùng với cấp 1.150 con lợn F1 và lợn sinh sản, 255 con bò lai sin và bò sinh sản và trên 108.244 con cá rô phi, 404.169kg thức ăn chăn nuôi.
Hiệu quả bền vững
Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Xuân Trần Ngọc Liên thừa nhận dự án đã thực sự "cứu " cho hộ nghèo. Xã Đông Xuân có 475 hộ nghèo, chiếm 23,7% (tiêu chí cũ) thì 400 hộ đủ điều kiện tham gia dự án, có vốn đối ứng đóng góp theo phương thức hộ gia đình xây dựng mô hình được hỗ trợ năm thứ nhất 70% giá giống, 50% giá vật tư, năm thứ hai được 50% giá giống, 30% giá vật tư, năm thứ ba hỗ trợ 30% giá vật tư. Hộ gia đình sản xuất đại trà hỗ trợ năm đầu 60% giá giống, 40% giá vật tư, năm thứ hai được 50% giá giống, 30% giá vật tư, năm thứ ba được 30% giá vật tư. Ngoài ra, hộ nghèo còn được đào tạo nghề thủ công, nông nghiệp, đi thăm các mô hình sản xuất giỏi ngoài tỉnh để có kiến thức làm ăn. Đối với hộ nghèo sự giúp đỡ này rất hữu ích bởi thời gian dài trong quá trình sản xuất được cung cấp giống, vốn, cách thức làm ăn mà họ không thể tự lo nổi. Cụ thể dự án hỗ trợ sản xuất trên 837 triệu đồng cho 1.913 hộ, những hộ tham gia mô hình lợn thịt được hỗ trợ mua con giống 501 nghìn đồng/hộ, hộ nuôi đại trà lợn thịt được hỗ trợ 426 nghìn đồng/hộ và 459.456kg thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh đó, 8 xã còn được đầu tư cơ sở hạ tầng với trên 25 tỷ đồng làm 49.822m đường, 29,5 tỷ đồng xây mới 7 trạm bơm, sửa chữa 12 trạm và kiên cố hóa 53.303m kênh, mương, trên 6 tỷ đồng hỗ trợ công trình nước sạch gồm giếng đào, giếng khoan, máy bơm và hỗ trợ cải tạo 8 chợ (đang triển khai). Hiện tại, một số công trình còn điều chỉnh tổng dự án phát sinh ở một số khâu, dự kiến mỗi xã được đầu tư trên 10 tỷ đồng xây dựng những hạng mục thiết yếu ở nông thôn. Quá trình thực hiện dự án đã làm thay đổi cơ bản từ nhận thức đến tập quán canh tác và tạo sự liên kết các hộ giúp đỡ hợp tác trong sản xuất trên diện rộng, tạo ra vùng hàng hóa. Tuy dự án chưa kết thúc nhưng đã góp phần giảm nghèo cho 8 xã rất đáng kể. Tổng số hộ nghèo và cận nghèo 8 xã trước khi tham gia dự án là 3.328 hộ, tỷ lệ 18,55% (theo chuẩn nghèo 2001-2005) đến thời điểm 31-12-2007 chỉ còn 56 hộ nghèo, tỷ lệ 0,3%. Nếu theo chuẩn nghèo 2006-2008 thì số hộ nghèo còn 660 hộ, tỷ lệ 3,5% đạt kết quả mục tiêu của dự án là nhanh chóng hỗ trợ các hộ thoát nghèo bền vững. Dự án được đánh giá hiệu quả, tạo niềm tin cho đảng bộ và nhân dân 8 xã huyện Sóc Sơn vươn lên.
UBND TP Hà Nội tiếp tục phê duyệt đầu tư cho triển khai dự án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo cho 7 xã mới của Sóc Sơn với 5 dự án thành phần. Hiện Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đã lập các thủ tục mời tư vấn, khảo sát, thiết kế trình cấp thẩm quyền phê duyệt và song song thực hiện dự án đã được duyệt. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.