Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp nào hiệu quả?

Đỗ Hà| 27/05/2010 07:10

(HNM) - Theo kết quả xét nghiệm và phân tích gần 20 nghìn mẫu nước tại 184 xã, thị trấn thuộc 13 huyện, thị xã ngoại thành Hà Nội (từ năm 2004 đến năm 2009) của Sở NN&PTNT, có tới 6.860 mẫu nước nhiễm asen (thạch tín) vượt quá nồng độ cho phép, chiếm 34,94% tổng số mẫu xét nghiệm.

Nước từ giếng khoan ở xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa bị nhiễm asen với nồng độ cao.


Đã xuất hiện bệnh nhân nhiễm asen
Thời gian qua, người dân nhiều huyện ngoại thành Hà Nội như Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức, Phúc Thọ... liên tục phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri với HĐND TP Hà Nội về hiện tượng nước ngầm nhiễm asen. Theo người dân, chính sự ô nhiễm nguồn nước thời gian qua là nguyên nhân gây nên căn bệnh ung thư và một số bệnh ngoài da mạn tính. Bà Nguyễn Thị Hà, xã Cấn Hữu (Quốc Oai) cho biết, gia đình dùng nước giếng khoan được 8 năm nay. Do chưa được các cơ quan chức năng tới lấy mẫu xét nghiệm nước có nhiễm asen hay không nên khi sử dụng, cả nhà bà đều lo lắng.


Theo Sở NN&PTNT, đến nay, khu vực ngoại thành Hà Nội có 531.000 giếng khoan quy mô hộ gia đình. Ngoài ra, còn có 226.000 giếng đào và 101 trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn. Tuy nhiên, số lượng người dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn mới chiếm hơn 30%.

Hà Nội là một trong những địa phương có nguồn nước ngầm bị nhiễm asen nặng nhất, nhiều xã có nguồn nước ngầm nhiễm asen cao hơn mức giới hạn theo tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống (10ppb), điển hình như xã Tiền Phong (Thường Tín) có tới 94,39% mẫu nước xét nghiệm có nồng độ asen cao vượt mức cho phép, xã Hòa Lâm (Ứng Hòa) là 97,06%; thị trấn Trạm Trôi (Hoài Đức) là 90,63%; xã Hồng Minh (Phú Xuyên) là 91,86%... Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội, những địa phương có ô nhiễm asen cao trong nguồn nước ngầm chủ yếu nằm ven lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy và một số vùng đất trầm tích hạt mịn ven sông.

Theo nhiều chuyên gia y tế ở nhiều nơi đã có bệnh nhân bị nhiễm asen tuy mới ở mức độ nhẹ với những triệu chứng như dày sừng ở lòng bàn chân, bàn tay hoặc bị tăng, giảm sắc tố da... Đối với những bệnh do asen gây ra, đến nay vẫn chưa có biện pháp điều trị hữu hiệu. Do vậy, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là hạn chế, tiến tới không sử dụng nước nhiễm asen.

Xử lý asen tại gia đình
Với mức độ nguồn nước ngầm nhiễm asen phổ biến và trải rộng như hiện nay thì cách duy nhất là người dân phải xây bể lọc, sử dụng bình lọc nước để hạn chế và loại bỏ asen. Đây là biện pháp khả thi khi mà nước sạch chưa cung cấp được cho khu vực ngoại thành. Tuy nhiên không phải hộ dân nào cũng đủ khả năng để xây bể lọc. Ông Lý Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội cho biết, từ năm 2006 đến nay, được sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc (UNICEF) tại Hà Nội, Trung tâm đã phối hợp với các huyện ngoại thành triển khai dự án xây dựng bể lọc cát xử lý asen tại hộ gia đình. Do kinh phí có hạn nên mới xây được 940 bể lọc ở 11 xã của 5 huyện Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Phúc Thọ. Kết quả xét nghiệm mẫu nước lấy tại các bể lọc cát, tỷ lệ asen sau lọc đã giảm từ 94 đến 99%. Ông Kiều Văn Quy, thôn Song Khê, xã Tam Hưng nói với chúng tôi: Từ khi có bể lọc cát xử lý asen theo quy trình mới, gia đình tôi yên tâm khi sử dụng nước trong sinh hoạt ăn, uống hằng ngày.

Theo ông Lý Thanh Sơn, số hộ được dự án hỗ trợ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số hộ đang sử dụng giếng khoan hiện nay. Do vậy, vấn đề cấp bách là người dân cần chủ động chọn lựa các giải pháp giảm thiểu nồng độ asen ngay tại gia đình, như xây bể lọc cát xử lý asen kết hợp giàn phun mưa, lắp bình lọc, đồng thời thau rửa định kỳ các thiết bị xử lý asen... Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ tăng cường tổ chức truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức cho nhân dân về nước sạch và vệ sinh môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp nào hiệu quả?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.