(HNM) - Mặc dù thu nhập của người lao động, đặc biệt là công nhân tăng, nhưng đời sống của họ về cơ bản vẫn ở mức thấp. Thực tế này đòi hỏi công đoàn các cấp cần tìm giải pháp để nâng cao đời sống công nhân.
Từ ngày 1-1-2020, lương tối thiểu vùng tăng từ 150.000 đến 240.000 đồng so với mức áp dụng năm 2019, nghĩa là thu nhập của người lao động được cải thiện. Song, hội thảo "Thực hiện trách nhiệm xã hội tại doanh nghiệp - Vai trò và sự tham gia của người lao động" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế tổ chức mới đây cho thấy, đời sống của công nhân vẫn chưa được cải thiện. Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, hầu hết người lao động có tiền lương, thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống, không có tích lũy. Thậm chí còn hơn 30% lao động phải chi tiêu tằn tiện.
Thực tế đã chỉ ra, điều kiện làm việc vất vả, tổng thu nhập chưa bảo đảm là một trong những nguyên nhân xảy ra đình công. Theo báo cáo nhanh của Liên đoàn Lao động cấp cơ sở, hai tháng đầu năm 2020, cả nước có 18 cuộc ngừng việc tập thể, đình công, chủ yếu do doanh nghiệp trả lương tối thiểu, bố trí lịch sản xuất, chất lượng bữa ăn ca chưa hợp lý… Điển hình tại Hà Nội, xảy ra vụ phản ứng của công nhân ở Công ty TNHH Daiwa Plastic Thăng Long và Công ty TNHH Inkel Việt Nam đề nghị tăng thêm tiền thưởng. Sau khi Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội trực tiếp gặp doanh nghiệp, tổ chức đối thoại, quyền lợi của người lao động đã được đáp ứng.
Chị Nguyễn Thị Thuận, từng làm việc ở Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) chia sẻ, ngoài tiền lương cơ bản, người lao động còn nhận được tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác từ doanh nghiệp. Tuy nhiên, tổng thu nhập chỉ được khoảng 5 triệu đồng/tháng nên cuộc sống của nhiều người lao động gặp rất nhiều khó khăn.
Thu nhập của người lao động vốn đã thấp, nay do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lại càng thấp hơn do doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất. Theo thống kê, trong tháng 2 vừa qua, có khoảng 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Bước sang đầu tháng 3, đặc biệt tuần thứ 2 của tháng 3, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số lượng doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với hơn 15% trong tổng số doanh nghiệp. Nhiều công ty đã phải áp dụng các biện pháp giãn ca, không làm thêm giờ, đặc biệt là vào thứ bảy, chủ nhật.
Riêng tại Hà Nội, trong 2 tháng đầu năm 2020 đã có tới 3.000 hộ kinh doanh phải cho nhân viên ngưng việc tạm thời. Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch hay trung tâm di tích lịch sử, sở thú phải thực hiện cắt giãn ca hoặc hẹn người lao động có thể quay trở lại làm việc ngay sau khi phục hồi kinh doanh.
Với nỗ lực nâng cao đời sống người lao động, bà Đặng Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội thông tin, năm 2020 Liên đoàn Lao động thành phố yêu cầu công đoàn cơ sở tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ “Quỹ quốc gia giải quyết việc làm” và “Quỹ trợ vốn công nhân viên chức lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình”, có giám sát chặt chẽ. Ngoài ra, công đoàn cơ sở phải tăng cường rà soát, huy động các nguồn lực để ngày càng có nhiều đoàn viên khó khăn được trao "Mái ấm công đoàn"...
Về phần mình, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn tăng cường vận động, phối hợp cùng đối tác cung cấp sản phẩm hàng hóa chất lượng để đoàn viên được mua hàng, hoặc sử dụng dịch vụ với mức giá ưu đãi. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có đề án trình Chính phủ với 6 nhóm chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động gồm: Giải pháp về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động, hỗ trợ tín dụng, hoãn đóng công đoàn phí theo từng giai đoạn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.