Thị trường

Vì sao giá vàng trong nước vẫn chênh lệch lớn với thế giới?

Hương Thủy 24/05/2024 - 23:08

Những phiên đấu thầu vàng gần đây diễn ra thành công và một lượng vàng khá lớn đã được cung ra thị trường. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn cao. Vậy, nguyên nhân là gì?

Người dân giao dịch vàng. Ảnh: Hương Thủy
Người dân giao dịch vàng. Ảnh: Hương Thủy

Vàng đấu thầu đã hút khách

Trong 5 phiên đấu thầu vàng miếng SJC đầu tiên cùng với khối lượng 16.800 lượng vàng, có tới 3 phiên bị hủy. Chỉ 2 phiên thành công vào các ngày 23-4 và 8-5 với tổng lượng trúng thầu 6.800 lượng vàng. Tuy nhiên, sau khi công tác đấu thầu vàng được điều chỉnh bằng việc giảm mức đặt mua tối thiểu từ 1.400 lượng xuống 700 lượng, rồi xuống tiếp 500 lượng, những phiên đấu thầu vàng gần đây đều thành công.

Trong phiên đấu thầu gần nhất diễn ra ngày 23-5 với khối lượng đấu thầu vẫn là 16.800 lượng, 11 thành viên trúng thầu, tổng khối lượng trúng thầu là 13.400 lượng vàng (134 lô), đạt gần 80%. Giá trúng thầu cao nhất là 88,73 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 88,72 triệu đồng/lượng. Đây là phiên thứ hai có số lượng thành viên trúng thầu cao nhất, song là phiên đấu thầu ghi nhận số lượng trúng thầu cao nhất tính đến thời điểm này, vượt qua mức 12.300 lượng phiên ngày 16-5.

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 9 phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC, tăng cung ra thị trường, trong đó có 6 phiên thành công. Tổng khối lượng trúng thầu là 48.500 lượng vàng.

Trên thị trường, trong những phiên đầu tiên, trái với kỳ vọng là đấu thầu vàng nhằm thu hẹp chênh lệch với giá thế giới, sau mỗi phiên, giá vàng lại tăng. Thời điểm trước khi diễn ra phiên đầu tiên dự kiến đấu thầu ngày 22-4, giá vàng ở mức 84 triệu đồng/lượng nhưng đến ngày 10-5 giá vàng lên mức lịch sử 92,4 triệu đồng/lượng. Bên cạnh đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá quốc tế tăng mạnh lên mức khoảng 19 triệu đồng thay vì mức 10 triệu đồng/lượng. Trên thị trường, người dân xếp hàng đi mua vàng.

Tuy nhiên, những ngày gần đây giá vàng miếng SJC sau mỗi phiên đấu thầu không còn xu hướng tăng như trước. Thời điểm giá vàng thế giới tăng lên mức 2.450 USD/ounce song giá vàng miếng SJC không tăng nhiều, lên cao nhất chỉ là 91 triệu đồng/lượng. Người dân không còn xếp hàng dài để mua vàng. Điều đó cho thấy lượng cung vàng ra thị trường qua đấu thầu đã giúp giải tỏa “cơn khát” vàng của nhà đầu tư và người dân.

Nhưng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế vẫn lớn, chưa thu hẹp như kỳ vọng. Ngày 24-5, mặc dù giá vàng thế giới giảm mạnh, xuống mức 2.330 USD/ounce nhưng giá vàng miếng SJC chỉ hạ 200.000-300.000 đồng/lượng, bán ra phổ biến là 89,3-89,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới quy đổi thấp hơn trong nước khoảng 17,4 triệu đồng/lượng. Trong 3 ngày qua, giá vàng thế giới giảm khoảng 80 USD/ounce (tương đương giảm khoảng 2,5 triệu đồng/lượng) nhưng giá vàng trong nước chỉ hạ 1,2-1,5 triệu đồng/lượng.

Lý giải nguyên nhân giá vàng trong nước vẫn chênh lớn so với giá quốc tế, chuyên gia Trần Duy Phương cho rằng, do nhu cầu về vàng vẫn còn khá cao. Bên cạnh đó, giá vàng thế giới những ngày qua giảm mạnh nhưng giá trong nước chưa giảm tương ứng do có độ trễ.

Hơn nữa, một nguyên nhân quan trọng là giá khởi điểm đưa ra đấu thầu sát giá thị trường, vì thế doanh nghiệp trúng thầu phải bán giá cao. "Giá vàng do tình hình thị trường quyết định. Khi tăng cung ra thị trường, về nguyên tắc, đến một thời điểm nào đó giá vàng sẽ giảm, song sẽ có độ trễ chứ giá không thể giảm nhanh, theo đó chênh lệnh với giá thế giới cũng sẽ không giảm ngay như kỳ vọng”, vị chuyên gia này nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, do giá chào thầu cao, doanh nghiệp trúng thầu bán ra không thể bán dưới giá trúng thầu. Bên cạnh đó, nguồn cung vẫn chưa dồi dào để đáp ứng nhu cầu hiện tại. Ngân hàng Nhà nước có cung thêm bằng nửa số vàng đã được đưa ra thị trường thì cũng chưa thể đáp ứng đủ sức cầu trên thị trường hiện nay và cũng chưa thể kéo giá vàng trong nước sát với giá thế giới.

Để giá vàng trong nước sát giá thế giới

Trong bối cảnh đó, để giá vàng trong nước về sát với giá quốc tế, một số chuyên gia đề xuất nhập khẩu vàng, đồng thời đưa giá khởi điểm đấu thầu thấp hơn giá thị trường. Giá đấu thầu thấp hơn giá thị trường sẽ tạo ra nguồn vàng giá rẻ, từ đó tác động đến tâm lý của người nắm giữ vàng.

“Thị trường vàng trong nước thường bị tác động bởi yếu tố tâm lý, nếu Ngân hàng Nhà nước vẫn đưa giá khởi điểm ở mức cao sẽ khiến người dân và nhà đầu tư nghĩ giá vàng còn đi lên nên có tâm lý vẫn muốn mua vàng, còn những người cần chốt lời lại chờ giá cao hơn mới bán. Nếu giá khởi điểm thấp hơn giá thị trường, người dân và nhà đầu tư sẽ cảm thấy giá vàng sẽ còn giảm nên bán chốt lời hoặc không mua vàng nữa”, chuyên gia Trần Duy Phương nói.

gv-7-3.jpg
Chênh lệch giữa vàng miếng SJC với giá thế giới vẫn lớn. Ảnh: Hương Thủy

Trong khi đó, có chuyên gia đề xuất giá khởi điểm đấu thầu nên là mức tính đúng, tính đủ giá thành của vàng, tức giá vàng thế giới quy đổi cộng với các chi phí nhập khẩu, các chi phí khác.

Về lâu dài, để ổn định thị trường vàng, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, cần giải pháp khác toàn diện hơn, trong đó cần sớm sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong đó bỏ độc quyền vàng miếng SJC nhằm bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước giao việc nhập khẩu vàng cho doanh nghiệp, cấp hạn mức và giám sát việc nhập khẩu. Bên cạnh đó, nên đánh thuế với giao dịch vàng như đánh thuế với giao dịch bất động sản.

Để quản lý kinh doanh mua bán vàng hiệu quả, cần áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt với giao dịch vàng lớn và giám sát chặt việc xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần mua bán vàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao giá vàng trong nước vẫn chênh lệch lớn với thế giới?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.