Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp hỗ trợ tiết kiệm điện

Thanh Mai| 15/12/2010 07:02

(HNM) - Nếu các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) tham gia cân bằng được một vài phần trăm tổng nhu cầu điện hiện nay, cũng đồng nghĩa tiết kiệm được mức ấy điện năng, vì nguồn NLTT không khai thác là bỏ phí, không để dành được như nguồn năng lượng truyền thống (than, dầu...).


Do còn mới, quy mô chưa lớn và giá thành cao, nên còn phải chờ Nhà nước có chính sách trợ giá để phát triển đại trà nguồn NLTT. Song, hiện vẫn có một số giải pháp khả thi, cần chú trọng phát triển và được coi như là giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả.

Tận dụng phế thải và năng lượng "xanh"


GS-TSKH Bùi Văn Ga (ĐH Đà Nẵng) với chiếc máy phát điện chạy bằng khí biogas.


Giải pháp tận dụng phế thải là phân gia súc, gia cầm cho lên men sản ra khí sinh học đang được triển khai có hiệu quả ở tỉnh Tiền Giang. Do số người chăn nuôi ở Tiền Giang sử dụng biogas khá nhiều, không dùng hết nên phải thải ra ngoài không khí, vừa làm ô nhiễm môi trường, vừa lãng phí. Vì vậy, anh Bùi Hoàng Lang ở huyện Châu Thành đã sáng chế ra loại máy phát điện để tận dụng lượng khí thải này. Việc thay thế các loại máy phát điện chạy bằng động cơ xăng với công suất 1kW, 2kW và 4kW sang sử dụng nhiên liệu biogas đối với các hộ chăn nuôi khoảng 10-30 con heo đã đem lại không chỉ hiệu quả về kinh tế cho các gia đình, mà còn là giải pháp hữu hiệu tiết kiệm năng lượng (TKNL), vì khi sử dụng nguồn nhiên liệu biogas, mỗi giờ nổ máy để sử dụng sẽ giảm 50% chi phí so với giá xăng, dầu hiện nay. Giải pháp này cũng được triển khai tại Hòa Vang (Đà Nẵng). Chủ trang trại Nguyễn Hữu Thắng cho biết, để phục vụ cho trang trại gần 6ha, mỗi tháng anh phải trả khoảng 1 triệu đồng tiền điện, nhưng từ khi sử dụng loại máy phát điện bằng khí biogas dùng cho việc tưới tiêu, đã tiết kiệm được 600.000-800.000 đồng/tháng. Vấn đề quan trọng nhất trong sử dụng nhiên liệu biogas là lưu trữ biogas trên các bình chứa. Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ môi trường (Đại học Đà Nẵng) đang hợp tác với Đại học Osaka Prefecture (Nhật Bản) nghiên cứu khả năng hấp thụ khí methane có trong khí biogas để có thể nạp khí biogas vào các bình chứa gas thông thường với dung tích tăng gấp 5 lần so với hiện tại, cho phép sử dụng làm bình cấp gas nhiên liệu để chạy các loại động cơ ô tô cỡ nhỏ. Với vùng nông thôn, các hộ chăn nuôi có quy mô 20 con heo trở lên có thể sử dụng động cơ nhiệt chạy bằng biogas để thay thế xăng, dầu và điện.

Cùng với việc tận dụng phế thải của gia súc, gia cầm, sau khi thử nghiệm lắp đặt tại một số tuyến đường trong nội ô ở Biên Hòa (Đồng Nai), các trụ đèn tín hiệu giao thông bằng nguồn năng lượng mặt trời (năng lượng "xanh") đã hạn chế rõ rệt việc sử dụng nguồn điện lưới và việc này có ý nghĩa quan trọng vào giai đoạn thiếu điện hiện nay. Dự án này được Ban ATGT tỉnh Đồng Nai triển khai từ năm 2007. Ưu điểm của các trụ đèn tín hiệu sử dụng đèn Panel năng lượng mặt trời (có thể tích lũy năng lượng và duy trì hoạt động của đèn tín hiệu đến 48 giờ). Hệ thống đèn sử dụng năng lượng mặt trời này hoạt động ổn định, không dùng nguồn lưới điện, lắp đặt đơn giản, không tốn kém, bảo đảm mỹ quan.

Nâng cao hiệu suất làm việc với 5S

5S là thuật ngữ xuất phát từ Nhật Bản, có nghĩa là "sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng". Thoạt nghe tưởng như không có liên quan gì tới tiết kiệm điện, nhưng thực chất việc nâng cao hiệu suất làm việc đã có tác dụng lớn đến sử dụng năng lượng hiệu quả.

Quan niệm của người Nhật là phải sạch sẽ trước khi có rác, nhưng với người Việt thì chỉ dọn sạch khi có rác. Do vậy, để "sàng lọc", "sắp xếp" và "sạch sẽ" như người Nhật, thì phải "săn sóc", phải đề ra những quy định thực hiện vào từng thời điểm, phải tạo thói quen thường xuyên để "sẵn sàng" khi thấy rác, thấy bừa bộn là không chịu được. 5S giúp tạo dựng thói quen làm việc có kỷ luật tập thể. Theo đó, CBCNV tự hào về nơi làm việc sạch sẽ, an toàn; tạo nền tảng vững chắc để thực hiện các hoạt động cải tiến; xây dựng ý thức cải tiến cho mọi người tại nơi làm việc; phát triển vai trò lãnh đạo của cán bộ…

Tuy nhiên, quá trình tư vấn 5S cho thấy, DN áp dụng có hiệu quả hơn cơ quan nhà nước. Bởi, trong cơ quan nhà nước mới chỉ truyền thông, khuyến khích CBCNV tự giác thực hiện. Trong DN, nếu cái gì đã thành quy định là phải thực hiện, nếu không sẽ bị trừ lương, thưởng, thi đua…

Việt Nam là một trong những nước nghèo về nguồn tài nguyên năng lượng, với mức quy đổi về nguồn năng lượng sơ cấp (than, dầu khí, thủy điện...) bình quân trên đầu người thấp so với nhiều nước trên thế giới, do vậy TKNL phải được nhìn nhận cho đúng để có hành động đúng. Theo kinh nghiệm của các nước phát triển, ít nhất 30% nhu cầu năng lượng có thể và cần phải được đáp ứng bằng biện pháp tiết kiệm. Đây là yếu tố mà các nhà hoạch định chính sách năng lượng cần quan tâm nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp hỗ trợ tiết kiệm điện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.