Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Đức Hải| 03/01/2012 18:23

(HNMO)- Hiện nay, ở khu vực ngoại thành Hà Nội có gần 1.300 làng nghề được phân bố trên cả 19 huyện, thị xã (chiếm gần 56% tổng số làng trên địa bàn Hà Nội).

Sự khác biệt giữa HTX và doanh nghiệp
Năm 2011, giá trị sản xuất của các làng nghề Hà Nội đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp toàn thành phố. Trong số gần 1.300 làng nghề tại khu vực ngoại thành, có khoảng 70 làng nghề đạt doanh số bình quân 20-50 tỷ đồng/năm, 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, còn lại đạt 10- 20 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, một số làng nghề đạt doanh số rất cao, như: làng gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm) đạt gần 300 tỷ đồng/năm; làng nghề La Phù (Hoài Đức) chuyên dệt kim và làm bánh kẹo đạt 600 tỷ đồng/năm; làng nghề mộc Vạn Điểm (Thường Tín) đạt trên 100 tỷ đồng...

Làng nghề Hà Nội có tới hàng chục nhóm ngành nghề đang có hướng phát triển mạnh, như: gốm sứ, dệt may, da giày, điêu khắc, khảm trai, thêu ren, sơn mài, mây tre đan, dát vàng bạc quỳ, đúc đồng, kim hoàn, chế biến nông sản thực phẩm, cơ kim khí. Các làng nghề của Hà Nội đã thu hút được gần 1 triệu lao động tham gia sản xuất, chiếm hơn 64% tổng số lao động trong độ tuổi của làng và chiếm hơn 42% tổng số lao động sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp trên toàn thành phố. Bởi vậy, dễ nhận thấy giữa các HTX nông nghiệp và các hộ gia đình sản xuất nghề có mối quan hệ mật thiết, phần lớn các hộ gia đình đểu là xã viên HTX nông nghiệp, giữa HTX và các hộ xã viên cùng có chung mục tiêu tiêu thụ sản phẩm, các hộ có thể gia công nguyên liệu hoặc chi tiết sản phẩm cho HTX.

Do mối liên kết lỏng lẻo giữa HTX và các doanh nghiệp làng nghề nên nhiều sản phẩm làng nghề chưa có thương hiệu, hoặc thương hiệu bị "bán rẻ"


Để nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết sản xuất và kinh doanh, cần có sự nghiên cứu và nhìn nhận rõ thế mạnh và đặc thù khác biệt giữa HTX và doanh nghiệp trong làng nghề, trên cơ sở đó phân công hoạt động liên kết, hợp tác sản xuất, kinh doanh phù hợp để tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao. Sự phân công hợp lý có thể dựa trên các tiêu chí: HTX là đầu mối được nhà nước hỗ trợ về khoa học, công nghệ và đào tạo, nơi phổ biến và nghiên cứu cải tiến chất lượng sản phẩm giúp các doanh nghiệp, hộ gia đình áp dụng vào sản xuất; HTX cũng là nơi cung ứng dịch vụ nguồn nguyên liệu và dịch vụ sản phẩm đầu ra cho các doanh nghiệp và hộ gia đình trong làng nghề, là nơi phổ biến nhận thức bảo vệ môi trường trong làng nghề, thực hiện các mô hình xử lý môi trường cho các làng nghề, giúp hướng dẫn nhân rộng mô hình cho các doanh nghiệp và hộ gia đình cùng thực hiện. Còn Doanh nghiệp và các hộ gia đình trong làng nghề là nơi sản xuất những sản phẩm mới, sản phẩm mẫu chào hàng theo yêu cầu của người tiêu dùng.

Sự phân công và hợp tác liên kết phải được đánh giá trên cơ sở kinh tế được phân định rõ ràng, công bằng theo kết quả công việc giữa HTX và doanh nghiệp nhằm phát huy tối đa 4 yếu tố cấu thành của công nghệ sản xuất sản phẩm là thiết bị, con người, thông tin và tổ chức tạo nên sự liên kết bền vững giữa HTX và doanh nghiệp trong các làng nghề.

Xây dựng thương hiệu- điểm yếu của các DN làng nghề
Theo điều tra của Hiệp hội làng nghề thì việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tiêu biểu cho doanh nghiệp và làng nghề hiện nay rất yếu. Nhiều sản phẩm mang tính mỹ thuật cao, thể hiện bản sắc dân tộc của thủ công mỹ nghệ không được khách hàng biết đến. Nhiều sản phẩm đẹp, được sáng tạo công phu nhưng do không có thương hiệu nên đã bỏ mất bản quyền của nghệ nhân. Vì vậy, rất cần hợp tác giữa các doanh nghiệp làng nghề để xây dựng thương hiệu, bảo đảm và phát huy khả năng cạnh tranh sản phẩm của mình.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm HTX lụa Vạn Phúc, mặc dù lụa Vạn Phúc nổi tiếng khắp nơi nhưng có tới 70% sản lượng lụa tiêu thụ thị trường nội địa, chỉ có 30% được bán cho khách du lịch và xuất khẩu ra nước ngoài. Nguyên nhân là do người dân tại làng nghề chưa được trang bị kiến thức về tiếp thị nên hiệu quả khai thác du lịch chưa cao và cũng như chưa có đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại địa phương mà đều phải thông qua các công ty du lịch và lữ hành. Mặc dù, từ năm 2008, làng nghề Vạn Phúc đã đăng ký với Cục sở hữu trí tuệ lụa Vạn Phúc mang tên "Lụa Hà Đông". Nhưng hiện nay, ngay tại làng lụa không ít người vì lợi ích cá nhân có thể "bán rẻ" thương hiệu của làng nghề. Thậm chí có hộ còn lạm dụng thương hiệu của làng nghề để trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng bán cho khách.

Nguyên nhân là do giá nguyên liệu tơ không ổn định và quá cao. Năm 2009 nguyên liệu tơ có giá 450.000 đồng/kg nhưng hiện đã lên tới 1,1 triệu đồng/kg nên giá thành sản phẩm lụa phải tăng. Để may một chiếc áo phải cần từ 2,3- 2,5m lụa, mà giá lụa tơ lại không mềm chút nào, loại 1 có giá 500.000-700.000 đồng/m, loại 2 cũng có giá 200- 250.000 đồng/m. Do đó, chi phí cho một chiếc áo lụa cao cấp từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng. Trong khi các chất liệu pha tơ nilon, đũi chỉ có giá 60.000 - 150.000 đồng/m. Điều này khiến nhiều khách hàng hiểu lầm về lụa Hà Đông. Hiệp hội kêu gọi các chủ cửa hàng có tâm huyết xây dựng hệ thống cửa hàng chỉ bán sản phẩm do chính thợ Vạn Phúc làm ra. Nhưng không phải chủ cửa hàng nào cũng ý thức về điều này, nên giấc mơ có được làng lụa "100% Vạn Phúc" vẫn còn xa lắm.

Theo anh Nguyễn Văn Quang- chủ cơ sở giày da cao cấp Phú Yên, muốn bảo tồn và phát triển làng nghề thì HTX hay hiệp hội làng nghề cần tạo cầu nối cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các làng nghề có điều kiện tham gia các hội chợ, hội thảo; tạo cơ hội tham quan, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường.

Hiện nay, nhiều loại sản phẩm làng nghề cung không đủ cầu nhưng vẫn khó tiêu thụ vì chưa có thương hiệu hoặc doanh nghiệp, nghệ nhân không có điều kiện để toàn tâm, toàn ý đầu tư cho sáng tạo nghệ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động làng nghề. Thực tế cho thấy, để thực hiện liên kết HTX và doanh nghiệp làng nghề, trước hết cần khắc phục tư duy làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, chụp giật; đồng thời có sự cảm thông chia sẻ, gắn bó hợp tác, đảm bảo chữ tín trong kinh doanh để nâng cao sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm. Chính sự liên kết hợp tác chặt chẽ giữa HTX và doanh nghiệp sẽ góp phần vào công cuộc bảo tồn và phát triển làng nghề, đẩy mạnh xúc tiến thương mại ngành hàng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.