(HNM) - Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử 100 năm qua đang tác động lớn đến cuộc sống của hàng chục triệu người dân ở các quốc gia khu vực hạ lưu sông, trong đó có Việt Nam.
Khô cạn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Lê Hoàng Vũ |
Cuộc sống đảo lộn vì hạn hán, xâm nhập mặn
Mê Kông là dòng sông có lưu lượng nước lớn thứ 10 thế giới. Bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc), sông dài hơn 4.000km, chảy qua lãnh thổ Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và điểm cuối là Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông, không chỉ là nguồn nước quan trọng tạo ra ngư trường nội địa lớn nhất thế giới mà có hình thành những vùng châu thổ trù phú, những vựa lúa lớn trong khu vực. Thế nhưng, hiện tượng biến đổi khí hậu El Nino cũng như việc các nước xây dựng thủy điện chặn dòng chính của con sông này đang gây tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở các quốc gia ở phía hạ lưu. Myanmar được dự báo sẽ phải đối mặt với El Nino mạnh nhất trong nửa đầu của năm 2016. Trong khi Thái Lan phải đối mặt với hạn hán tồi tệ nhất trong 20 năm. Chính phủ Thái Lan mới đây tuyên bố 28 tỉnh của nước này có nguy cơ chịu thảm họa hạn hán và lần đầu tiên trong lịch sử, thủ đô Bangkok có tên trong danh sách này. Lượng mưa thấp và nắng nóng kéo dài khiến rất nhiều nông dân Lào, Campuchia và Việt Nam "khóc ròng" vì vụ mùa thất thu do hạn hán và xâm nhập mặn.
Hiện trên dòng sông đã có hơn 10 công trình thủy điện hoàn thành, hơn 10 công trình khác đang và sắp thi công ở các quốc gia vùng thượng lưu. Các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng hàng loạt công trình thủy lợi, thủy điện là nguyên nhân làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến các ngư trường và nông trường truyền thống của nhiều quốc gia trong lưu vực sông Mê Kông. Cùng với Trung Quốc, Lào, Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan mới đây cho biết đang nghiên cứu chuyển dòng cửa Sông Loei, một nhánh của sông Mê Kông, để đưa nước đến các vùng nông nghiệp ở Đông Bắc nước này. Khi hoàn thành, dự kiến 2 tỷ mét khối nước sẽ được chuyển dòng qua hầm dẫn mỗi năm. Tại phiên họp mới đây của Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Kông quốc tế, Việt Nam đã bày tỏ quan ngại và đề nghị Thái Lan cung cấp thông tin cụ thể về dự án. Không ít ý kiến khác cũng quan ngại việc các quốc gia thượng nguồn "đua nhau" xây thủy điện có thể làm xói mòn, thay đổi đáng kể lượng phù sa và trầm tích, khiến hạn hán ngày càng trở nên nghiêm trọng tại các quốc gia phía hạ lưu.
Đẩy mạnh hợp tác khu vực
Trên thực tế, Ủy hội sông Mê Kông - một tổ chức quốc tế được lập ra từ năm 1995 để giám sát và chia sẻ thông tin về hoạt động khai thác nguồn lợi từ dòng sông này, đã nhiều lần phản đối các hoạt động làm ảnh hưởng đến dòng chảy của sông. Trong phiên họp lần thứ 43 vừa kết thúc tại Cần Thơ, với sự tham gia của quan chức và chuyên gia các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, Ủy ban liên hợp Ủy hội sông Mê Kông quốc tế đã bày tỏ quan ngại về tình hình hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long, tàn phá tới nền kinh tế và cuộc sống của người dân. Phát biểu tại phiên họp, Tiến sĩ Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban liên hợp Ủy hội sông Mê Kông quốc tế khóa 2015-2016 bày tỏ lo ngại: "Hậu quả mà hạn hán gây ra đã làm thiệt hại tới 1/3 diện tích lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chưa kể đến nhu cầu sử dụng nguồn nước sạch sinh hoạt ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với người dân đang sinh sống tại đây".
Bên cạnh việc thống nhất phải đẩy mạnh các biện pháp tiết kiệm giúp tăng cường sử dụng tài nguyên nước hiệu quả và bền vững, các đại biểu tham dự phiên họp còn kêu gọi các quốc gia vùng thượng lưu hợp tác và hỗ trợ cùng chống lại hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt tập trung vào chế độ vận hành của các đập thủy điện tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Trước đây, Ủy hội sông Mê Kông quốc tế đã thống nhất với Trung Quốc, đối tác đối thoại lâu dài của Ủy hội, về việc trao đổi số liệu thủy văn, trong đó gồm cả số liệu về xả nước tới hạ lưu sông Mê Kông trong mùa lũ và mùa khô. Ủy ban liên hợp Ủy hội sông Mê Kông quốc tế cũng gửi thư tới cơ quan đối tác của Trung Quốc yêu cầu trao đổi số liệu và quan trọng hơn là đề xuất xả nước từ các đập Trung Quốc xuống hạ lưu nhằm hỗ trợ các nỗ lực chống hạn hán và xâm nhập mặn.
Để giảm bớt tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, vừa qua Chính phủ Việt Nam đã đề nghị Trung Quốc có biện pháp hỗ trợ gia tăng lưu lượng xả nước. Trung Quốc cho biết, từ ngày 15-3 đến ngày 10-4-2016 sẽ tăng gấp đôi lưu lượng xả nước thông qua đập thủy điện Cảnh Hồng, tỉnh Vân Nam. Thế nhưng, các chuyên gia thủy lợi cho rằng không nên quá lạc quan ở giải pháp này bởi trước khi về Việt Nam, nước sẽ bị chặn lại hầu hết ở Thái Lan, Lào, Campuchia - những quốc gia cũng đang bị hạn hán nặng nề. Trong bối cảnh gia tăng biến đổi khí hậu, đây chỉ là một giải pháp tạm thời. Hơn thế, việc một nhà máy thủy điện xả nước phải đặt trong sự thỏa thuận điều tiết của các nhà máy thủy điện thuộc những quốc gia khác thì hiệu quả mới cao. Bởi vậy, về lâu dài, đòi hỏi các quốc gia chung dòng sông Mê Kông phải thắt chặt hợp tác, từ đó điều tiết, sử dụng nguồn nước một cách phù hợp và bền vững nhất, không chỉ vì lợi ích riêng của mỗi quốc gia mà còn vì lợi ích chung khu vực và an ninh lương thực thế giới, bởi đây là khu vực đang "đóng góp" những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.