Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Sri Lanka: Nhiệm vụ vô cùng khó khăn

Phương Quỳnh| 17/07/2022 06:42

(HNM) - Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe ngày 15-7 đã tuyên thệ nhậm chức Quyền Tổng thống thay ông Gotabaya Rajapaksa sau khi ông này từ chức. Vai trò tổng thống của ông R.Wickremesinghe sẽ được duy trì cho đến khi nước này bầu ra một người kế nhiệm mới. Trong bối cảnh Sri Lanka đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có, bất kỳ nhà lãnh đạo nào lên nắm quyền cũng phải đối mặt với những nhiệm vụ vô cùng khó khăn.

Người dân Sri Lanka xếp hàng dài để mua xăng.

Trước những diễn biến tại Sri Lanka, Người phát ngôn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Gerry Rice cho biết, tổ chức này quan ngại sâu sắc về tác động của cuộc khủng hoảng đang diễn ra đối với người dân Sri Lanka, đặc biệt là những người nghèo và nhóm dễ bị tổn thương. Theo ông Rice, IMF vẫn giữ liên lạc với các quan chức ở Colombo, Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Sri Lanka, tuy nhiên như với bất kỳ thỏa thuận viện trợ nào, một chương trình cho vay dành cho Sri Lanka cũng cần được bảo đảm đầy đủ về tính bền vững của nợ công.

Hiện tại, có thể nói, nền kinh tế Sri Lanka đã rơi vào tình trạng kiệt quệ, không còn đủ ngoại tệ để nhập khẩu nhiên liệu, lương thực, thuốc men, các mặt hàng thiết yếu. Điều này đã đẩy giá các mặt hàng nhiên liệu và thực phẩm tăng phi mã và khiến người dân rơi vào tình cảnh thiếu thốn, phải xếp hàng dài nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày để mua được. Đồng tiền mất giá tới 80%, khan hiếm hàng hóa trầm trọng đẩy lạm phát lên cao tới 54,6% vào tháng 6 vừa qua, chất thêm gánh nặng lên vai người dân.

Là đất nước nhiệt đới chưa từng thiếu lương thực, nhưng gần đây, người dân Sri Lanka đã phải chịu cảnh thiếu ăn. Các báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy, khoảng 3 triệu người dân đang cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp, nhiều người không có đủ lương thực, các gia đình đang phải giảm bớt bữa ăn hằng ngày. Khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, bảo vệ và giáo dục cho trẻ em đang bị đe dọa, có tới 17% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng và thấp còi do khủng hoảng. Hiệp hội Y học Sri Lanka thông báo, tất cả bệnh viện ở nước này gần như không còn thuốc, không thể tiếp cận nguồn thiết bị y tế nhập khẩu. Tình trạng này có thể khiến nhiều người dân thiệt mạng hơn so với thời kỳ dịch Covid-19.

Theo các chuyên gia kinh tế, cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka bắt nguồn từ các yếu tố trong nước, bao gồm hệ thống quản lý yếu kém và nạn tham nhũng kéo dài nhiều năm. Những gì đang xảy ra ở quốc đảo Nam Á với 22 triệu dân này còn tồi tệ hơn các cuộc khủng hoảng tài chính thường thấy ở các nước đang phát triển. Đó là sự sụp đổ hoàn toàn của nền kinh tế khiến người dân phải vật lộn để mua thực phẩm, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác; đồng thời tình trạng bất ổn và bạo lực đang tiếp diễn. Thậm chí, cuộc khủng hoảng kinh tế đang nhanh chóng chuyển sang khủng hoảng nhân đạo và có nguy cơ khủng hoảng chính trị.

Trên thực tế, các cuộc thảo luận chính thức về chương trình cho vay mới dành cho Sri Lanka bắt đầu vào tháng trước nhưng đã bị đình trệ do biến động chính trị dẫn đến việc Tổng thống nước này Gotabaya Rajapaksa từ chức. Trong khi đó, bất kỳ hỗ trợ nào từ IMF hoặc Ngân hàng Thế giới (WB) đều phải đi kèm với các điều kiện nghiêm ngặt để bảo đảm nguồn viện trợ được quản lý hiệu quả.

Theo nhiều chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Verite Research, trụ sở ở thủ đô Colombo, các vấn đề gốc rễ gây nên cuộc khủng hoảng vẫn tồn tại cho đến khi đất nước chọn được bộ máy lãnh đạo mới có đủ năng lực để tiến hành đàm phán với các định chế tài chính lớn như IMF, WB và triển khai các gói cứu trợ khẩn cấp. Song song với động thái này, chính phủ mới sẽ phải tiến hành những cải cách căn bản để loại trừ tệ nạn tham nhũng, bảo đảm minh bạch và dân chủ, mới có thể nhận được sự ủng hộ và tín nhiệm của người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Sri Lanka: Nhiệm vụ vô cùng khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.