Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải nỗi lo thiếu máu điều trị dịp Tết

Bài, ảnh: Thu Trang| 30/12/2019 09:24

(HNM) - Cứ đến dịp cuối năm và Tết, nhu cầu về máu trong cấp cứu và điều trị rất lớn. Bởi đây cũng là thời điểm số ca tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt... gia tăng. Cùng với đó, nhiều bệnh nhân mắc bệnh mạn tính cũng mong muốn điều trị ổn định để ra viện, về nhà ăn Tết. Trong khi đó, lượng máu thu gom được khó khăn hơn bình thường. Vì vậy, 40 tỉnh, thành phố đã và đang tổ chức ngày hội hiến máu Chủ nhật đỏ nhằm giải nỗi lo thiếu máu điều trị dịp Tết.

Nhiều bệnh viện khan hiếm máu

Mắc bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) 27 năm nay, chị Đinh Hoài Tr. (sinh năm 1992 ở tỉnh Nam Định) phải sống nhờ nguồn máu từ những người hiến máu tình nguyện. Tháng một lần, có đợt tháng hai lần, chị Tr. phải khăn gói đến Viện Huyết học - Truyền máu trung ương để truyền máu, duy trì sự sống. Mang trong mình nhóm máu O nên cứ đến dịp cuối năm, giáp Tết, chị Tr. lại thấp thỏm, lo lắng khi nhóm máu này luôn trong tình trạng khan hiếm.

Thanh niên tham gia hiến máu tình nguyện tại ngày hội hiến máu Chủ nhật đỏ diễn ra ở Hà Nội.

Những ngày này, kho máu dự trữ tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương luôn trong tình trạng “chạy từng ngày” để đáp ứng nhu cầu điều trị. Dự kiến trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Viện cần tới 80.000 đơn vị máu để phục vụ cho 170 bệnh viện khu vực phía Bắc. Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cho biết, nhu cầu về máu luôn cần trong suốt cả năm, nhưng vào dịp cuối năm, nhiều cơ quan, đơn vị bận rộn với các hoạt động tổng kết, học sinh, sinh viên bước vào kỳ thi, kèm theo thời tiết mưa rét... Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định tổ chức hiến máu của các cơ quan, đơn vị, trường học. Vì vậy, nguồn máu cung cấp cho các bệnh viện rất khan hiếm.

Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức là bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt tuyến cuối thường xuyên tiếp nhận những trường hợp cấp cứu nặng về tai nạn giao thông, lao động, đa chấn thương về ngoại khoa… Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cho biết, mỗi ngày tại bệnh viện có khoảng 230 ca phẫu thuật, trong đó có khoảng từ 30 đến 35 ca phẫu thuật cấp cứu và khoảng 200 ca mổ phiên. Hiện lượng máu dự trữ tại Trung tâm Truyền máu của bệnh viện ngày càng xuống thấp, đến mức báo động, nhất là nhóm máu O và A. 

Theo Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Trọng Thái, trong 11 tháng năm 2019, toàn quốc có tới 14.000 vụ tai nạn giao thông, trong đó có 5.900 người chết và khoảng 12.000 người bị thương. Dịp Tết Nguyên đán, lưu lượng người đi lại gia tăng, trường hợp sử dụng rượu, bia khi lái xe nhiều khiến cho số vụ tai nạn, số người phải nhập viện thường tăng cao so với những ngày bình thường. Điều này sẽ khiến tình trạng thiếu máu tại các cơ sở y tế trong dịp Tết thêm trầm trọng.

40 tỉnh, thành phố cùng kêu gọi hiến máu

Năm 2019, cả nước cần 1,9 triệu đơn vị máu phục vụ cho công tác điều trị. Đến nay, các bệnh viện đã tiếp nhận được hơn 1,3 triệu đơn vị máu, đáp ứng được 70% nhu cầu máu cho cấp cứu, điều trị và dự phòng tại các địa phương. Tiến sĩ Trần Ngọc Quế, Phó Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia cho biết, tại Việt Nam, 98,3% lượng máu thu được từ những người hiến máu tình nguyện, trong đó chiếm hơn 45% là học sinh, sinh viên. So với nhiều nước, tỷ lệ hiến máu tình nguyện trong cộng đồng ở Việt Nam còn thấp (hơn 1,5%). Trong khi đó, tỷ lệ hiến máu tại Thái Lan đã đạt 3%, con số này tại Hàn Quốc là 6%. Ngoài ra, tỷ lệ người dân đều đặn đi hiến máu nhắc lại ở nước ta còn thấp, ở mức 53% trong khi đây là nguồn máu ổn định và an toàn nhất.

Trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, cả nước cần 300.000 đơn vị máu. Tuy nhiên, theo kế hoạch, lượng tiếp nhận nhiều nhất chỉ được khoảng 200.000 đơn vị. Vì vậy, ngày hội hiến máu của Chủ nhật đỏ được tập trung tổ chức trong tháng 12-2019 và tháng 1-2020 tại 40 tỉnh, thành phố với gần 80 điểm hiến máu, dự kiến tiếp nhận từ 45.000 đến 50.000 đơn vị máu sẽ phần nào khắc phục tình trạng khan hiếm máu dịp cuối năm và chuẩn bị máu dự trữ cho Tết Nguyên đán. Hiện tại, sau gần 1 tháng khởi động, Chủ nhật đỏ đã thu được khoảng 7.000 đơn vị máu.

Để nâng cao tinh thần hiến máu nhân đạo, đồng thời khuyến khích người tình nguyện hiến máu nhắc lại thường xuyên hơn, hiện Bộ Y tế đã cho phép việc tặng các gói xét nghiệm cho người hiến máu tình nguyện thay cho việc trao tặng những món quà lưu niệm như trước đó. Cụ thể, những tình nguyện viên tham gia hiến máu sẽ được thực hiện các gói tổng phân tích máu, thăm dò chức năng tế bào của gan, thận, chẩn đoán hình ảnh... Những món quà thiết thực này được ngành Y tế học hỏi từ các nước phát triển, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan...

Hiến máu cứu người không chỉ là một nghĩa cử cao đẹp mà còn thể hiện lòng nhân ái và trách nhiệm đối với xã hội của mỗi người. Đến nay, có hàng vạn người hiến máu hơn 50 lần; hàng trăm gia đình cùng nhau hiến máu; nhiều cơ quan, doanh nghiệp hiến máu thường xuyên. “Hơn lúc nào hết, chúng tôi kêu gọi nhiều hơn nữa sự quan tâm, vào cuộc của các cơ quan, đơn vị tổ chức hiến máu trong thời điểm khó khăn này”, Tiến sĩ Trần Ngọc Quế nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải nỗi lo thiếu máu điều trị dịp Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.