(HNMO) - Giải Nobel Hòa bình 2018 đã được trao cho bác sĩ người Congo Denis Mukwege và bà Nadia Murad vì những nỗ lực của họ trong việc chấm dứt sử dụng bạo lực tình dục như một vũ khí chiến tranh.
Hai chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2018. Ảnh: Ủy ban Nobel Na Uy. |
Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Berit Reiss - Andersen ngày 5-10 tuyên bố, bác sĩ Denis Mukwege và Nadia Murad là hai nhân vật nhận giải thưởng Nobel Hòa bình 2018 trong số 216 ứng cử viên cá nhân và 115 tổ chức. Cả hai người đã “mạo hiểm sự an nguy của bản thân để đấu tranh chống lại tội ác chiến tranh và tìm lại công lý cho các nạn nhân”.
Ủy ban Nobel Na Uy cho biết, Denis Mukwege là người đã cống hiến cả đời mình để bảo vệ những nạn nhân của bạo lực tình dục, còn Nadia Murad là nhân chứng dám đứng lên phản ánh những hành vi lạm dụng mà chính mình và những người khác phải hứng chịu.
Murad là một thành viên của cộng đồng Yazidi thiểu số của Iraq. Bản thân cô là một nạn nhân của bạo lực tình dục sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ập đến thị trấn nơi cô ở và bắt giữ cô. Kể từ đó, cô liên tục đấu tranh để những tội ác bạo lực tương tự nhận được sự chú ý và giúp đỡ các nạn nhân. Ở tuổi 25, cô là người trẻ thứ hai giành giải thưởng Nobel Hòa bình, sau Malala Yousafzai đến từ Pakistan.
Murad là một trong số khoảng 3.000 phụ nữ và bé gái Yazidi trở thành nạn nhân của các hành vi lạm dụng kinh hoàng, bao gồm lạm dụng tình dục bởi phiến quân IS. Sau 3 tháng bị giam cầm, Murad đã chạy trốn và quyết định kể lại câu chuyện của mình trong các chuyến thăm Mỹ và các quốc gia khác, nói về số phận của những người phụ nữ tại vùng xung đột. Cô cũng là Đại sứ thiện chí của Liên hợp quốc cho phẩm giá của những người sống sót trước nạn buôn người của cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm (UNODC) thuộc Liên hợp quốc.
Trong khi đó, bác sĩ Mukwege đã dành phần lớn cuộc đời để giúp đỡ các nạn nhân của bạo lực tình dục tại Congo. Ông và đội ngũ của mình đã chữa trị cho hàng nghìn bệnh nhân là nạn nhân trong các vụ bạo hành.
Năm 2017, giải Nobel Hòa bình được trao cho Chiến dịch quốc tế nhằm bãi bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) vì nỗ lực nhằm thu hút sự chú ý đối với các thảm họa do sử dụng vũ khí hạt nhân và mang lại thành công đột phá để đạt được hiệp ước cấm phổ biến loại vũ khí hủy diệt này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.