(HNM) - Theo năm ngân sách (tính đến hết tháng 1-2022), chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa để giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2021. Trong khi đó, kết quả giải ngân nguồn vốn này tính đến hết tháng 11-2021 vẫn hạn chế so với kế hoạch cũng như chậm hơn so với cùng kỳ năm trước. Đây là thực tế nan giải, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, tranh thủ tối đa thời gian của các bộ, ngành, địa phương nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong "chặng nước rút".
Mới đạt 63,86% kế hoạch
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, 11 tháng năm 2021, cả nước đã giải ngân được gần 295.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, bằng 63,86% kế hoạch vốn Thủ tướng giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (71,22%). Trong đó, 7 bộ, ngành, cơ quan trung ương và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đạt trên 70%. Nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách đạt thấp; 18/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 55%, 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%, 3 bộ, ngành chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân việc giải ngân vốn đầu tư công chậm là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cùng với đó là giá nguyên, vật liệu xây dựng tăng mạnh, nhất là sắt, thép… đã làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, giá nguyên, vật liệu xây dựng tăng cao 30-40% và kéo dài là nguyên nhân hàng đầu ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn nhìn nhận, nguyên nhân lớn nhất làm chậm tốc độ giải ngân vẫn nằm ở khâu thực thi. Bởi đến nay, các nội dung như chủ trương quyết định đầu tư, thẩm định và khả năng cân đối vốn, điều chỉnh vốn, giao đất, giải phóng mặt bằng, đấu thầu… đều đã được phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương. Các vấn đề về thể chế, luật pháp liên quan đến đầu tư công đều rất rõ ràng, đầy đủ trên tinh thần phân cấp triệt để. Chính phủ đã nhiều lần nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương là tại sao cùng một quy định, cơ chế nhưng có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt, để thấy rõ vai trò, kết quả nỗ lực cụ thể của từng cơ quan, đơn vị.
Điển hình như Bộ Giao thông - Vận tải, đến hết tháng 11-2021 đã giải ngân gần 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 73,4% kế hoạch được giao, cao hơn tỷ lệ chung cả nước. Kết quả này là rất quan trọng bởi đây là đầu mối sử dụng số vốn cao hàng đầu. Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ Giao thông - Vận tải) Nguyễn Danh Huy, thực tế, lãnh đạo Bộ luôn nắm bắt tình hình, áp sát và yêu cầu các ban quản lý dự án phải ý thức được trách nhiệm, cố gắng tối đa trong triển khai dự án và chủ động giải ngân vốn.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp
Nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến hết ngày 31-1-2022 là hết sức nặng nề. Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ở mức cao nhất, đòi hỏi sự nỗ lực, vào cuộc của các cấp, ngành và địa phương.
Để thúc đẩy giải ngân vốn ngân sách, ngày 22-11, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1962/QĐ-TTg thành lập 6 tổ công tác do các Phó Thủ tướng Chính phủ và một số bộ trưởng làm tổ trưởng, để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tính đến ngày 31-10 dưới 60% kế hoạch được giao.
Làm việc với một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương về giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nêu rõ, các bộ, cơ quan phải thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm đạt mức giải ngân vốn đầu tư công cao nhất trong thời gian còn lại của năm 2021, đồng thời bảo đảm hiệu quả các dự án, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; phân cấp, phân quyền phù hợp với năng lực, gắn với kiểm tra, giám sát chặt chẽ…
Còn Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư từ vốn ngân sách trung ương năm 2020 đã được kéo dài sang năm 2021 theo chỉ đạo của Chính phủ. Đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được điều chỉnh tăng kế hoạch vốn năm 2021, cần khẩn trương phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án để triển khai ngay, qua đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, sau khi chuyển sang trạng thái “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, khó khăn về nhân lực, luân chuyển vật tư đã được khắc phục. Vấn đề cần kịp thời tháo gỡ hiện nay là đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục xuất, nhập khẩu máy móc, thiết bị cho các dự án.
Về phía địa phương, ngày 9-12, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Chỉ thị số 24/CT-UBND về tăng cường thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Ngoài việc giao rõ trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị, cơ quan chuyên môn trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thành phố cũng xác định việc đẩy nhanh tiến độ dự án, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị, cấp bách. Đặc biệt, thành phố gắn tiến độ thực hiện, giải ngân và hiệu quả dự án với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ. Thành phố phấn đấu từ nay đến ngày 31-1-2022 hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công được giao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.