Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải mã một câu khẩu ngữ

Nguyễn Ngọc Tiến| 15/04/2012 07:06

(HNM) - Khi bàn tán về tài nghệ của kẻ cắp, nhiều người hay so sánh

Truyện ngắn "Mất cái ví" của nhà văn Nguyễn Công Hoan đăng trên Báo Nhật Tân số 3 ra ngày 16-3-1933 kể về ông Tham kêu mất cái ví, trong đó có 40 đồng đúng vào hôm cậu ruột ông ở quê ra chơi. Sau khi mắng mỏ và dọa nạt con sen, thằng xe, ông Tham quay ra bảo cậu: "Hôm nay phiên chợ Đồng Xuân, mời cậu lên chơi cho biết chợ". Người cậu xâu chuỗi lời đứa cháu lại và nghĩ bụng: "Nó mời mình lên chợ Đồng Xuân, chắc là nó bảo mình ăn cắp cái ví của nó đây". Như vậy, câu "kẻ cắp chợ Đồng Xuân" có thể do Nguyễn Công Hoan hư cấu nhưng cũng có thể chợ Đồng Xuân có nhiều kẻ cắp thật và nhà văn đưa nó vào tác phẩm. Theo các nhà lý luận và phê bình văn học một thời thì Nguyễn Công Hoan là nhà văn theo chủ nghĩa hiện thực phê phán, nghĩa là chất liệu cho tác phẩm lấy từ hiện thực thời mà nhà văn đang sống. Như thế chuyện "kẻ cắp chợ Đồng Xuân" là chuyện có thật và họ ăn cắp gì? 

Chợ Đồng Xuân ngày nay. Ảnh: Khánh Nguyên


Sau khi Hà Nội trở thành nhượng địa của Pháp, Ðốc lý Hà Nội là Tirant Gilberts (từ ngày 19-7-1888 đến 7-6-1889) đã ra quyết định mở rộng thành phố bằng việc lấp đoạn sông Tô Lịch từ cửa sông Nhị vào đến chân tường thành cũ. Thay thế chức Đốc lý của Tirant Gilbert là Landes Charles (từ ngày 8-6-1899 đến 15-1-1890), ông này xóa bỏ hai ngôi chợ cũ của Hà Nội vốn họp cạnh đền Bạch Mã và bên Cầu Đông, dồn tất cả về họp ở chợ nhỏ nằm trước cửa đền Huyền Thiên thuộc phường Đồng Xuân và chợ Đồng Xuân ra đời vào cuối năm 1889. 

 Ban đầu, chợ họp ngoài trời chỗ chợ nhỏ và lan ra cả phố Hàng Khoai, Hàng Gạo. Tuy là chợ hằng ngày nhưng mỗi tháng có một phiên họp vào ngày đầu tháng âm lịch. Chợ phiên đông đúc kẻ mua người bán hơn ngày thường do bà con các vùng ngoại thành mang bán các loại cây giống và súc vật giống như lợn, chó, mèo… Vì số người mua bán quá đông nên chính quyền thành phố cho phép tràn sang khu đất mới lấp. Để bắt tất cả kẻ mua, người bán phải vào chợ và không chiếm đường đi của các phố xung quanh, đồng thời không bỏ sót thuế, chính quyền cho quây xung quanh bằng rào tre với diện tích khoảng 10.000m2. Chợ Đồng Xuân ban đầu không có hàng lối và những người bán cùng một mặt hàng tự ngồi gần nhau để người này không phá giá của người kia. Những người bán hàng vải và tạp hóa sợ mưa chạy không kịp đã tự dựng túp lều bằng phên tre.

Thay thế Đốc lý Defrenel Paul chỉ nắm quyền trong 3 tháng lại là Landes Charles. Thấy thuế chợ Đồng Xuân là nguồn thu lớn nhất cho ngân sách thành phố nên Landes Charles quyết định nâng chợ phiên từ tháng họp 1 lần lên tháng họp 2 lần, đồng thời cho xây lại chợ có mái che. Khung chợ đúc bằng thép từ Pháp mang sang và có 5 bộ kèo, mỗi bộ dài 52m, chiều cao là 19m, mái lợp bằng tôn để che mưa che nắng. Năm 1892, trong kế hoạch xây dựng lại khu vực phố cổ để Hà Nội văn minh hơn, chính quyền thành phố đã cho xây tường mặt cổng ra vào chợ và đến năm 1893 thì xây tường bao xung quanh. Vào chợ có 3 lối, cổng chính là mặt phố Đồng Xuân hiện nay với 3 cửa, cổng bên phố Hàng Khoai và một cổng bên phố Hàng Chiếu. Từ Hàng Chiếu vào phải đi qua một ngõ rất dài mà hiện tại gọi là ngõ Đồng Xuân. Cổng chính của chợ có một phòng rộng cho ban quản lý và một viên cảnh sát gồm toàn người Pháp, hai bên có quầy đổi tiền lẻ cho khách (lúc này Hà Nội tiêu tiền France do Ngân hàng Pháp phát hành cho các nước Đông Dương sử dụng). Đồng Xuân trở thành chợ lớn nhất Bắc kỳ và không chỉ là chợ bán lẻ mà còn là chợ bán buôn cho người các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra về cất hàng. Từ khi có đường tàu điện chạy qua cửa chợ lên Bưởi thì chợ càng đông hơn vì lượng khách thăm thú cũng lắm. 

 Cuối thế kỷ XIX, hàng hóa ở chợ Đông Xuân không chỉ có các mặt hàng sản xuất trong nước mà còn bán rất nhiều sản phẩm tiêu dùng nhập từ nước ngoài vào, trong đó có táo, lê nhập từ San Fransico (Mỹ), vải từ Anh, hàng tiêu dùng từ Pháp, từ Hồng Công, Thượng Hải (Trung Quốc) nên người ta bắt đầu chia thành từng dãy và quy định cụ thể khu vực này bán hàng gì, khu vực kia bán hàng gì. Thẳng cổng chính vào là dãy bán vải, bên trái là bán hoa quả, kế đó là bán tạp hóa rồi đến các quầy bán thịt, rau, đồ sắt, ăn uống và có cả khu vực dành cho những người xem bói. Trong bài xẩm "Vui nhất là chợ Đồng Xuân", người ta liệt kê ra rất cụ thể chuyện này. Đầu thế kỷ XX, rau quả từ Đà Lạt chuyển ra theo tàu hỏa, su hào, bắp cải từ Sa Pa chuyển về bằng ô tô và nhiều mặt hàng sản xuất từ Sài Gòn chuyển ra như xà phòng Cô Ba, nước hoa, bàn chải, dầu nóng… Người buôn bán được trọng nhất là người bán hoa quả và bán vải. Người buôn trong chợ nể họ vì có nhiều vốn mới buôn được hàng này, không những thế, họ có người giúp việc và phụ bán hàng, chủ chỉ việc thu tiền, tiếp khách và ăn quà vặt. Quản lý chợ cũng tôn trọng vì họ nộp thuế cao nhất. Bán vải đa phần là dân xã Đông Ngạc, sáng ra các bà, các cô đi xe tay xuống chợ, chiều thì ngất ngưởng trên xe tay về làng.

Vì là chợ lớn, lại đầy đủ các mặt hàng nên sáng sáng, đàn bà con gái người Pháp, me Tây, Nhật kiều, Ấn kiều muốn mua sắm cái gì đều phải lên Đồng Xuân. Nhà sang có ô tô đưa đi, tầm khá giả thì đi xe tay và bình bình thì đi tàu điện. Những đối tượng trên khá giả nên kẻ cắp nhắm vào họ? Thực ra không thể lấy được của cánh đàn ông bởi ví của họ đút túi sau quần Âu có khuy cài, lại thêm sợi xích  móc vào đỉa quần nên không dễ lấy. Còn các bà đầm cầm ví ở tay và nếu kẻ gian cướp của họ, chỉ cần một tiếng kêu lập tức ban quản lý cho đóng ba cửa chợ và sau đó không lâu thì cảnh sát bốt Hàng Đậu sẽ khám xét cả chợ. Từng có chuyện đó nên kẻ gian không dám liều. Hay kẻ gian ăn cắp của mấy bà bán hàng ở quê ra? Cũng không được, bán được cái gì các bà cho vào túi vải có dây thắt miệng rồi vận vào cạp quần. Vậy kẻ cắp chợ Đồng Xuân ăn cắp cái gì?

Phục vụ những người bán hàng và người mua hàng có hẳn một đội quân bâté (phu chuyên khiêng hàng thuê). Để bảo vệ nhau và giữ độc quyền, họ lập thành phường. Các phường bâté này có một đội trẻ em cả trai lẫn gái dưới 16 tuổi chuyên cắp rổ theo người đi chợ, họ mua cái gì thì bỏ vào rổ của chúng, sau khi mua đủ, chúng sẽ mang ra xe cho họ và nhận tiền boa. Phường bâté này phân biệt với phường bâté kia bằng màu sắc của rổ (sơn đen cả rổ hay nửa đen nửa màu ám khói). Để tranh giành khách, các phường hạ uy tín nhau bằng cách lợi dụng chợ đông, người của phường này thò tay vào rổ của người phường kia đang phục vụ khách lấy trộm và ngược lại. Dù nhiều người đi chợ yêu cầu trẻ cắp rổ theo mình cảnh giác nhưng hàng hóa vẫn bị mất, sự việc diễn ra quá nhiều lần và cảnh sát bốt Hàng Đậu dù bí mật theo dõi cũng không phát hiện được nên người đi chợ nói với nhau: Đúng là kẻ cắp chợ Đông Xuân. Câu nói đó loang ra khắp thành phố và "kẻ cắp chợ Đồng Xuân" như một tiêu chuẩn để chỉ tài nghệ và sự nhanh nhẹn của kẻ cắp. 

 Trước khi trở thành người giàu có thì Công Tu Nghiệp (người làng Phú Thượng, nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) từng là trẻ phụ bán hàng ở quầy vải chợ Đồng Xuân đầu thế kỷ XX. Vợ chồng một người Pháp thấy Nghiệp dễ thương, nhận làm con nuôi và dạy cho nghề nấu ăn rồi từ đó thành đạt và trở thành chủ khách sạn Phú Gia ở 36 phố Hàng Trống trước năm 1954. Lúc còn sống, có người đã hỏi ông về chuyện kẻ cắp chợ Đồng Xuân, ông bảo chỉ có các phường bâté lấy của nhau. Sau cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở Hà Nội vào tháng 7-1959, chợ Đồng Xuân không còn là cái "dạ dày" của Hà Nội, các phường bâté cũng bị giải tán, hàng hóa thì lèo tèo, vì thế chợ cũng vắng người. . . 

Sự thể "kẻ cắp chợ Đồng Xuân" chỉ có thế, chẳng có tích nào về chuyện này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải mã một câu khẩu ngữ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.