(HNMO) - Bên cạnh mặt tích cực, tín dụng tiêu dùng cũng có mặt hạn chế, đó là mức lãi suất tương đối cao so với mặt bằng lãi suất chung.
Ảnh minh họa từ internet |
Vốn tín dụng đến tay người nghèo
Thống kê cho thấy, hoạt động cho vay tiêu dùng những năm gần đây đã phát triển nhanh chóng, đạt mức tăng trưởng 18-21% trong những năm gần đây. Hoạt động này không chỉ hỗ trợ nguồn tài chính đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân mà còn góp phần gia tăng sự hiểu biết về tài chính cho các nhóm khách hàng mới, tầng lớp dân cư ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Từ đó, giúp họ quản lý tốt hơn các giao dịch tài chính cá nhân, cũng như tạo nền tảng để họ có thể sẵn sàng sử dụng các dịch vụ tài chính khác bao gồm cả dịch vụ ngân hàng truyền thống.
TDTD còn được xem như là một công cụ quan trọng để kích cầu mua sắm và hỗ trợ tốt cho sản xuất, kinh doanh. Bằng cách thúc đẩy tiêu dùng, TDTD đã gián tiếp làm tăng sản lượng sản xuất, tạo thêm các cơ hội việc làm, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vĩ mô bền vững hơn. Dịch vụ TDTD phát triển mạnh không chỉ mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho nhiều nhóm đối tượng mà còn làm giảm mạnh nhu cầu vay tín dụng phi chính thức, góp phần ổn định đời sống xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, TDTD cũng có mặt hạn chế, đó là mức lãi suất tương đối cao so với mặt bằng lãi suất chung. Không ít khách hàng đã tỏ ra băn khoăn trước khi vay vốn để mua sắm, tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống bởi lo ngại sẽ phải chịu mức lãi suất cao. Những thông tin trái chiều về việc lãi suất cho vay tiêu dùng ở mức cao chót vót hay các CTTC mập mờ, cố ý đánh lừa khách hàng về lãi suất thực tế... đã khiến không ít người dân đành bỏ qua cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay để cải thiện chất lượng cuộc sống. Theo các chuyên gia tài chính, lãi suất cho vay tiêu dùng luôn ở mức cao so với mặt bằng chung là do lĩnh vực này chứa đựng rủi ro cao. Bên cạnh đó, hoạt động cho vay tiêu dùng tại các CTTC thường xuất phát từ các khoản vay nhỏ lẻ, không tài sản bảo đảm, không bị vướng nhiều loại giấy tờ cùng với thủ tục hồ sơ được hỗ trợ nhanh chóng nên đi kèm với việc rủi ro thu hồi vốn lớn hơn rất nhiều so với vay vốn tại ngân hàng. Quan trọng hơn cả, nguồn tiền vốn mà các CTTC sử dụng để cho vay chủ yếu là vốn tự có hoặc phát hành trái phiếu của DN do các CTTC không có chức năng huy động tiền gửi từ dân cư. Lãi suất đầu vào cao đương nhiên sẽ kéo theo lãi suất của CTTC ở mức tương ứng. Chi phí hoạt động, phần bù rủi ro thanh khoản cũng là những yếu tố góp phần nâng mức lãi suất vay tiêu dùng lên cao. Mức lãi suất cao này không chỉ khiến khách hàng e dè mà còn khiến các CTTC lâm vào cảnh “lao đao”, khi ngày càng có nhiều khách hàng khiếu kiện cho rằng, CTTC đưa ra mức lãi suất “cắt cổ” và cố ý “lừa” khách hàng.
Cẩn trọng để hạn chế rủi ro
Tuy nhiên, theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, trong nền kinh tế thị trường, đồng tiền thể hiện sức khoẻ của nền kinh tế, do đó, lãi suất cao hay thấp là do thị trường quyết định. "Không một CTTC nào có thể tự đặt ra mức lãi suất quá khác biệt so với thị trường và cũng không thể ép được khách hàng phải vay vốn nếu như khách hàng không muốn”, ông Đức nhìn nhận. Trên thực tế, lãi suất 70-80% mà một số khách hàng phản ánh trong thời gian gần đây chỉ xảy ra ở một vài giao dịch nhỏ, không phổ biến và áp dụng cho những đối tượng khách hàng có lịch sử tín dụng kém, hồ sơ không đáp ứng điều kiện khi vay TDTD. Còn bình thường, mức lãi suất này khó có thể áp dụng, bởi không khách hàng nào chịu vay với mức lãi suất cao như vậy.
Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân khiến khách hàng phàn nàn về lãi suất vay tiêu dùng. Nguyên nhân là do khách hàng không để ý đến tình trạng các khoản vay dẫn đến phát sinh nợ xấu; do chủ quan không tìm hiểu kỹ đã ký tên thay trên các hợp đồng vay cho người khác, dẫn đến trở thành con nợ và phải chịu trách nhiệm thanh toán cho khoản vay dưới tên mình; hoặc bị “ăn chặn” từ “cò môi giới cho vay” với một khoản không nhỏ so với số tiền họ nhận được…
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, để hạn chế rủi ro về tài chính khi vay tiêu dùng, khách hàng cần phải đọc kỹ hợp đồng trước khi ký kết vay vốn, tìm hiểu kỹ các điều kiện và điều khoản quan trọng trong hợp đồng và yêu cầu nhân viên tư vấn giải thích rõ ràng các nội dung trên. Khách hàng nên lưu ý lãi suất, khoản trả góp hàng tháng, cùng các khoản phí phạt khi thanh toán trễ hoặc tất toán khoản vay trước hạn…
Theo các chuyên gia tài chính, mức lãi suất cho vay tiêu dùng hiện vẫn tồn tại những băn khoăn, song không thể cản trở sự phát triển tất yếu của loại hình sản phẩm tài chính này. Trong cơ chế thị trường, lãi suất cũng như các loại giá cả khác được tự do thoả thuận, từ đó định hình ra một mức lãi suất hợp lý và cạnh tranh nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.