(HNMCT) - Lai Châu là tỉnh biên giới phía Tây Bắc, có vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước. Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng nền văn hóa đặc sắc, Lai Châu sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Tuy nhiên, du lịch Lai Châu được đánh giá là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều điều cần được “giải mã” để thu hút du khách.
Vẻ đẹp tiềm ẩn
Trong số các tỉnh miền núi Tây Bắc, Lai Châu được coi là “thủ phủ” của các đỉnh núi cao với Pu Si Lung (3.083m), Pu Ta Leng (3.049m), Bạch Mộc Lương Tử (3.046m), Khang Su Văn (3.012m), Tả Liên (2.993m) và Nam Kang Ho Tao (2.881m). Đây là lợi thế lớn để Lai Châu phát triển loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm, trekking (leo núi) đang được giới trẻ ưa chuộng.
Lai Châu còn nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh như: Quần thể danh thắng Pu Sam Cáp được ví như “Tây Bắc đệ nhất động”, đèo Hoàng Liên Sơn - một trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng Tây Bắc, cao nguyên Sìn Hồ - “Sa Pa thứ hai” của Tây Bắc, Thủy điện Lai Châu - thủy điện lớn thứ 3 cả nước... Cùng với đó là hệ thống di tích gắn với lịch sử hình thành và phát triển của đất nước cũng như những tín ngưỡng dân gian của các dân tộc anh em như đền thờ Nàng Han, đồn Mường Tè...
Nhưng gây ấn tượng với du khách hơn cả là bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng, đa dạng của 20 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Trong số đó, 5 dân tộc Cống, La Hủ, Mảng, Si La và Lự hiện chỉ còn dưới 10.000 người/dân tộc. Tuy nhiên, các dân tộc tại Lai Châu vẫn bảo lưu, giữ gìn đồng thời phát huy giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình gắn với phát triển du lịch. Không ít mô hình du lịch cộng đồng đã trở thành những điểm sáng của cả nước như Sin Suối Hồ, bản Hon, Vàng Pheo, Sì Thâu Chải... Tại một số bản, du lịch mang lại nguồn thu quan trọng cho đồng bào, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông Trần Mạnh Tuấn, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi đã đi qua một số tỉnh Tây Bắc và nhận thấy Lai Châu có vẻ đẹp riêng, đặc biệt là về môi trường, cảnh quan và sự đa dạng văn hóa. Tuy nhiên, dường như việc bị “kẹt” giữa hai trung tâm du lịch Lào Cai, Điện Biên đã khiến du lịch Lai Châu chưa khoe được hết vẻ đẹp tiềm ẩn”.
Bứt tốc trên 4 trụ cột
Ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết: Trong những năm qua, ngành Du lịch tỉnh Lai Châu đã có sự chuyển biến tích cực, bước đầu khẳng định là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 16 điểm du lịch được công nhận. Một số dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch đã đi vào khai thác, thu hút du khách. Nhờ đó, tổng lượt khách, tổng doanh thu giai đoạn 2016 - 2020 tăng đều qua các năm; trung bình 1,3 triệu lượt/ năm, mức tăng bình quân đạt gần 15%/ năm; tổng doanh thu ước đạt trên 1.933 tỷ đồng.
Cũng theo ông Trần Tiến Dũng, mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng du lịch Lai Châu chưa phát triển tương xứng bởi các nguyên nhân về nguồn lực đầu tư, tính chuyên nghiệp trong hoạt động dịch vụ, chất lượng nguồn nhân lực và chưa tạo ra được các sản phẩm du lịch đặc thù..., do đó chưa thu hút được nhiều du khách đến với tỉnh.
Theo Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Vietsense Nguyễn Văn Tài, Lai Châu cần khắc phục tình trạng "3 tự”: Doanh nghiệp tự mày mò thông tin, du khách tự đi, người dân kinh doanh du lịch tự phát. Ông Tài cho rằng Lai Châu cần khắc phục ngay những tồn tại này để phát triển du lịch một cách chuyên nghiệp và bền vững. Bên cạnh đó, cần tăng cường lợi thế cạnh tranh so với các tỉnh khác dựa trên 4 trụ cột: Tài nguyên thiên nhiên, con người, văn hóa và nguồn lực để phát triển.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Công ty du lịch Golden Tours cho rằng: Lai Châu cần phát triển các sản phẩm mang tính độc đáo, lấy du lịch cộng đồng làm điểm nhấn. Hiện nay, các tỉnh Tây Bắc đều phát triển du lịch sinh thái, vì thế, Lai Châu phải chú trọng phát triển du lịch văn hóa, tạo nên các sản phẩm mang tính đặc thù. Ngoài ra, tỉnh cũng có thể kết hợp sản phẩm du lịch đường sắt và đường bộ để tạo sự khác biệt.
"Giải mã" được những ẩn số phát triển trên sẽ mở ra cho Lai Châu một lối đi khoa học, bài bản, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong tương lai gần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.