(HNMCT) - “Họ Đinh truyền nối ba đời” - câu mở đầu bài chiếu của Tống Thái Tông bên Trung Quốc vào năm 980 được sách sử đời sau sao chép, trích dẫn. Nhưng, sử sách Việt hầu như chỉ đề cập đến hai đời vua của nhà Đinh là Đinh Tiên Hoàng và Đinh Toàn, vậy đời vua thứ ba “đi đâu”?
Tương tự, trong "An Nam chí lược" có ghi: “Chí Trung (tức Lê Ngọa Triều) mất, con đương nhỏ, em là Minh Vĩnh tranh ngôi, Công Uẩn đuổi và giết Minh Vĩnh, tự lĩnh công việc Giao Châu”. Ghi chép này ám chỉ một triều đại Thiếu đế sau khi Lê Ngọa Triều băng hà và những biến loạn ngay sau đó. Nhưng, triều đại ngắn ngủi ấy như đã “biến mất” như thế nào khi ta không thể tìm thấy chúng trong những tác phẩm như “Đại Việt sử lược” hay “Đại Việt sử ký toàn thư”?
Hai ví dụ mà tác giả Trần Hoàng Vũ (hội viên Hội Khoa học lịch sử An Giang) đưa ra cho thấy, ở đâu đó bên ngoài chính sử và đằng sau chính sử, hãy còn những sự thật đã bị vùi lấp bởi lý do nào đó. Theo tác giả, những sự thật đó gọi là "mật bổn". Theo thời gian, chính sử bị thách thức khi có các nguồn thông tin, tư liệu mới xuất hiện. Gia sử, tư sử và dã sử luôn được xem là nguồn bổ sung quan trọng và phối kiểm cho chính sử. Truy tìm sự thật của quá khứ, tác giả Trần Hoàng Vũ đưa độc giả bước vào một hành trình thú vị để tiếp cận sự thật ẩn giấu trong lịch sử qua cuốn sách "Mật bổn - những bí ẩn lịch sử Việt Nam thời cổ trung đại" (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh).
Lịch sử là môn khoa học nghiên cứu về quá khứ, mà các nhà sử học bằng những nghiên cứu, diễn giải, suy luận luôn đào xới mọi nguồn tư liệu để có được những dữ kiện, quan điểm gần với sự thật nhất. “Những bộ xương bí ẩn trong Hoàng thành Thăng Long” đã “nói” với chúng ta điều gì? Sau các hiện tượng “tam sao thất bản”, Ngô Sĩ Liên đã “tăng thọ” cho Lý Thần Tông như thế nào? Ai giết Thi Sách? Loạn Tam vương hay loạn một Thái tử?...
Từ nghi vấn đưa ra trong cuốn sách, Trần Hoàng Vũ dẫn dắt độc giả “giải mã” lịch sử qua những góc nhìn mới. Những oan uổng trong lịch sử như vụ án Trần Nguyên Hãn, vụ án Lệ Chi Viên, vụ án Trung quân Nguyễn Văn Thành...; những câu chuyện lịch sử còn ẩn chứa nhiều hoài nghi như “câu đố gian thần” trong vụ án Thái sư Bùi Đắc Tuyên, nghi án Đỗ Thích giết vua, câu hỏi “Lê Văn Thịnh có tội hay vô tội?”... lần lượt được mổ xẻ bằng cứ liệu và góc nhìn mới mẻ.
Song, với Trần Hoàng Vũ, “đi hay nhìn khác đi không phải là mục tiêu của cuốn sách. Mục tiêu cuối cùng là truy tìm sự thật. Cái mà tác giả đưa ra là quan điểm, mà quan điểm thì đòi hỏi phải bị thử thách, phải được thảo luận không ngừng và suy nghĩ không ngừng. Chỉ có như thế thì lịch sử mới không bao giờ chết”.
"Mật bổn - những bí ẩn lịch sử Việt Nam thời cổ trung đại" là cuốn sách thứ 4 của tác giả Trần Hoàng Vũ. Trước đó, anh đã xuất bản các cuốn sách sử như “Thoại Ngọc Hầu qua những tư liệu mới”, “Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh từ danh tướng đến tôn thần”, và bản dịch “Tam Quốc chí thông tục diễn nghĩa” của La Quán Trung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.