5 trẻ từ 15-17 tuổi làm việc tại quán phở Lý Quốc Sư, đường Trần Não (phường Bình An, quận 2, TP.HCM) vừa được đoàn công tác liên ngành của phường Bình An
Quán phở Lý Quốc Sư (đường Trần Não, quận 2, TP.HCM) |
Chiều 22.2, bà Trần Thị Hồng Nguyệt, Chủ tịch UBND phường Bình An cho biết trong ngày 18.2, đoàn công tác liên ngành của phường phối hợp với Công an quận 2 đến kiểm tra về tình hình vệ sinh an toàn thực thẩm và sử dụng lao động với quán phở Lý Quốc Sư.
Theo đó, quán phở Lý Quốc Sư có giấy phép kinh doanh, còn giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm được cấp nhưng đã hết hạn.
Ngoài ra, tại quán có 5 em từ 15 - 17 tuổi làm việc, khi đến làm việc các em được chủ cơ sở thông báo bao ăn ở, quần áo, lương mỗi tháng 2,5 triệu đồng.
Theo bà Nguyệt, toàn bộ các em đều không có giấy tờ tùy thân nên không có hợp đồng lao động, ngoài ra cũng không được nhận lương. Tuy nhiên, theo trình bày của chủ quán với đoàn kiểm tra thì số tiền lương đó được để lại, cộng dồn một lần để đưa cho các em sau này.
Các em lao động ở đây theo bà Nguyệt đều có khiếm khuyết về cuộc sống gia đình, cha mẹ ly dị, mẹ mất, ở với bà, cô hoặc các em lang thang tự bỏ nhà đi. Có em ở bến xe Miền Đông và được xe ôm đưa về đây, có em lang thang được đưa về đây làm.
Sau khi kiểm tra, đoàn đã quyết định đưa các em rời khỏi quán phở này. "2 em đã mời gia đình bảo lãnh đón về, 3 em còn lại phường và Phòng Lao động thương binh xã hội quận chuyển đến trung tâm Giáo dục dạy nghề thanh thiếu niên của thành phố. Phía phường vẫn đang làm việc với nơi các em đăng ký hộ khẩu thường trú bàn phương án hỗ trợ đào tạo, học nghề, giải quyết việc làm để các em có cuộc sống tốt hơn", bà Nguyệt cho biết.
Cá nhân bà Nguyệt cho biết, bà có tiếp xúc trực tiếp tại quán với 3 em, các em thừa nhận không bị đánh đập và không bị áp lực khi phục vụ tại quán. Tuy nhiên, cũng theo lời bà Nguyệt, qua lấy lời khai tại cơ quan ông an, có em khai nhận sẽ bị đánh khi các em làm sai hoặc làm đổ vỡ đồ đạc (hình thức đánh là bằng tay hoặc sử dụng dây nịch đánh vào chân).
Vụ việc kiểm tra hành chính ở quán phở Lý Quốc Sư xuất phát từ em N.H.X.L (15 tuổi), người đi từ Phú Giáo, Bình Dương lên Bến xe Miền Đông và được xe ôm đưa vào làm công trong quán.
L. đang làm thuê ở Bình Dương thì có xích mích, sau đó em bắt xe lên Bến xe miền Đông với ý định tới nơi sẽ đón thẳng xe về nhà ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tới Bến xe miền Đông, em L. chỉ còn đúng 20.000 đồng trong người nên đã ghé vào tiệm internet nhắn tin vào facebook của anh trai để nhờ chị gái đến đón về.
“Sau khi nhận tin nhắn tôi tức tốc chạy từ chỗ làm ở Dĩ An (Bình Dương) lên bến xe, rảo khắp 4-5 vòng nhưng không thấy em L. đâu, em lại không có điện thoại mà người lại hết tiền nên tôi rất sốt ruột. Linh tính chuyện chẳng lành, tôi gửi hình L. cho bảo vệ ở bến xe và công an phường gần đó, điện thoại về nhà cho mẹ báo công an ở địa phương nhưng mấy ngày vẫn bặt vô âm tín”, chị H., chị ruột của L. kể lại.
Chị H. đâu biết rằng vì chờ lâu không thấy chị nên L. đã đi ra cổng bến xe. Thấy L. thất thần đi ra, một ông xe ôm tới hỏi chuyện và ngỏ ý giúp bằng cách chở tới chỗ làm một vài ngày cho đủ tiền về quê nên L. đồng ý.
Tới quán phở Lý Quốc Sư, ông xe ôm có nói lương L. nhận được là 3,7 triệu/tháng, sau đó giục L. đi tắm để ông ta nói chuyện riêng với quản lý của quán. Khi L. tắm xong lên thì thấy quản lý đưa cho ông xe ôm 600.000 đồng.
Cũng theo chị H., trong thời gian làm việc tại quán, L. chứng kiến nhiều đồng nghiệp của mình được "dạy bảo", các em không được dùng điện thoại, không được đặt chân ra ngoài, tất cả quần áo đồ đạc đều do chủ quán cung cấp, và có người theo sát các em trong lúc làm việc.
Đến trưa 25.1, thấy hai người “trông coi” tại quán đang mải xem bói nên L. giả vờ lấy đồ tắm rồi chạy một mạch từ quán đến gần cầu Sài Gòn.
Chị H. cho biết lúc này anh xe ôm muốn giúp L. nhưng vì không mang theo tiền nên vét sạch túi chỉ còn 20.000 đồng cho em sau đó chỉ L. vào trong chợ trình bày hoàn cảnh để xin tiền về quê.
L. làm theo, nhưng không ai cho tiền mà còn bị xua đuổi. L. hỏi xe về Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng không có nên người ta chỉ em bắt xe buýt số 19 về Suối Tiên rồi từ đó bắt xe về.
Khi xe chạy ngang bến xe, vì lo sợ “tay chân” của chủ quán nhớ mặt sẽ bắt em trở lại nên em ngồi sụp xuống sàn, không dám nhìn qua cửa kính. Đến Suối Tiên, gặp một người dân phòng L. nhờ anh này đưa đến đồn công an gần nhất để cầu cứu. Sau đó, em được đưa đến trụ sở công an phường Tân Phú (quận 9).
Chị H. chia sẻ: “Người ta báo về công an ở quê rồi mẹ gọi tôi đến đón L., vừa thấy tôi nó chạy tới ôm chầm lấy rồi khóc nức nở. Tôi tưởng nó đi lạc thôi, nhưng nghe kể xong mới thấy thật kinh hoàng”.
Sau hành trình và những chứng kiến của em L., chị H đã đến công an Q.2 để tố cáo. Công an Q.2 và UBND phường Bình An đã nhanh chóng lập đoàn kiểm tra để "giải cứu" sớm các em.
Theo bà Nguyệt, hiện các ngành chức năng của quận đang làm rõ vụ việc để làm sáng tỏ lời tố cáo của chị H.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.