Bài 1: Suýt đắm với khoản nợ 80 nghìn tỷ đồng.
(HNM) - Vài năm gần đây, Tập đoàn Kinh tế Vinashin phát triển chóng mặt và nổi như cồn không chỉ ở trong nước mà cả trên thị trường quốc tế. Hàng loạt đơn hàng đóng tàu tải trọng lớn từ những cường quốc trên thế giới đã giúp khẳng định vị thế không chỉ của Vinashin trong tiến trình hội nhập.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều cái được, sự phát triển quá "nóng" đã khiến tập đoàn này đứng trước không ít khó khăn để rồi Chính phủ phải can thiệp bằng cách tái cơ cấu nhằm giảm gánh nặng tài chính, dồn lực cho chuyên ngành đóng tàu…
Có vẻ bề ngoài hào nhoáng nhưng Vinashin đang là một “con nợ” khổng lồ. Ảnh: Bùi Tường |
Ngành đóng tàu (thuyền) Việt Nam chắc hẳn cũng đã có cả nghìn năm lịch sử, nhưng trên bình diện quốc tế, công nghiệp đóng tàu nước ta còn rất non nớt, lạc hậu. Với hơn 3.200km bờ biển, hơn 1 triệu kilômét vuông vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải, việc phát triển công nghiệp đóng tàu, vận tải biển là hướng đi đúng đắn để phát triển tiềm năng, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Ngày 31-1-1996, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị đóng tàu trên cả nước. Không lâu sau, năm 2001-2002, Thủ tướng Chính phủ có các quyết định phê duyệt Đề án phát triển Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và Quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam giai đoạn 2001-2010. Ngày 4-11-2003, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Quyết định số 60/2003/QĐ-TTg về việc thí điểm chuyển tổng công ty sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Ngày 15-5-2006, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 103/QĐ-TTg về việc thí điểm thành lập Tập đoàn Kinh tế Vinashin. Theo đó, Vinashin là tập đoàn đa sở hữu, trong đó sở hữu nhà nước chi phối, kinh doanh đa ngành nghề mà đóng mới, sửa chữa tàu thủy và vận tải biển là ngành kinh doanh chính.
Chỉ trong một thời gian ngắn, công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Thay vì chỉ đóng tàu vài ba nghìn tấn, Vinashin đã nhận được nhiều đơn hàng lớn, đáng kể là hàng loạt tàu tải trọng 53 nghìn tấn của Tập đoàn Graig (Vương quốc Anh), tàu chở hàng nghìn ô tô, tàu chở dầu, ụ nổi chứa dầu... Đó là những cột mốc đánh dấu bước phát triển mới của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam. Trong niềm vui đó, những người lãnh đạo Tổng Công ty tự tin đặt ra các mục tiêu giàu tham vọng. Với lĩnh vực đóng tàu, xây dựng các cụm công nghiệp đóng tàu hùng mạnh, có ngành công nghiệp phụ trợ đủ mạnh để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đưa Việt Nam lên vị trí cường quốc đóng tàu lớn thứ 4 trên thế giới vào năm 2020. Mục tiêu đó có cơ sở và có thể trở thành hiện thực khi các đối tác nước ngoài tiếp tục vào Việt Nam, đem theo những đơn hàng lớn. Còn nhớ, vào những năm 2005-2006, Chủ tịch Tập đoàn Vinshin Phạm Thanh Bình đã cho biết, với các đơn hàng đã ký, tập đoàn đã đủ việc làm cho nhiều năm. Riêng kế hoạch trong giai đoạn 2001-2005, Vinashin đã về đích trước 2 năm. Thật đáng trân trọng và tự hào!
Thông tin Vinashin đang nợ hơn 80 nghìn tỷ đồng (trong tổng số tài sản khoảng 90.000 tỷ đồng) và Chính phủ buộc phải ra tay tái cơ cấu tập đoàn thực sự khiến không ít người bất ngờ. Theo Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 18-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu Vinashin, những doanh nghiệp và dự án dở dang tại ngành nghề không gắn với ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính của tập đoàn; các công ty không thật cần thiết trong chiến lược phát triển… sẽ phải chuyển giao cho các doanh nghiệp khác phù hợp hơn, có điều kiện hơn, cụ thể là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn cho biết, việc tái cơ cấu sẽ giúp Vinashin "bớt" khoảng hơn 20 nghìn tỷ đồng tiền nợ. Tuy nhiên, nếu thường xuyên theo dõi thông tin về tập đoàn này, điều này cũng đã được dự báo. Còn nhớ, trong báo cáo kết quả giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước của Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố tại cuộc họp cuối năm 2009, đã cho thấy số nợ khi đó là gần 20 nghìn tỷ đồng. Số nợ quá hạn xấp xỉ 3.900 tỷ đồng, chiếm 91,4% tổng số nợ quá hạn của cả 7 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Vì sao một doanh nghiệp đang có tốc độ phát triển mạnh, được hậu thuẫn lớn như vậy lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn như vậy? Do bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hay do quá ôm đồm trong khi năng lực có hạn và còn những nguyên nhân nào khác?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.