Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải “cơn sốt” cho người tiêu dùng

Hương Ly| 29/05/2010 08:44

(HNM) - Những lo lắng về việc hàng hóa, dịch vụ sẽ tăng giá sau khi Chính phủ điều chỉnh tăng lương cơ bản đã được giải tỏa khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5-2010 được công bố. Mức tăng nhẹ 0,27% trong tháng 5 cho thấy, giá hàng hóa có xu hướng ổn định trở lại, thậm chí một số mặt hàng có xu hướng giảm giá. Giá ổn định sau khi lương tối thiểu được điều chỉnh tăng khiến quyết định này có ý nghĩa hơn, nhất là với đại bộ phận công nhân viên chức hưởng lương.

Gạo là một trong những mặt hàng giảm giá trong thời gian qua. Ảnh: TTXVN


Tín hiệu vui
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 5-2010 tăng 0,27% so với tháng 4. Như vậy, 5 tháng đầu năm 2010, CPI đã tăng 8,76% so với cùng kỳ năm 2009. Trong tháng, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng mạnh nhất với mức 1,46%. Nhóm thực phẩm chỉ tăng 0,09% so với tháng trước, mặc dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều địa bàn. Đáng chú ý, một số nhóm hàng đã có xu hướng giảm giá. Cụ thể, giá lương thực giảm 1,29% so với tháng trước, kéo nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,12%. Nhóm bưu chính - viễn thông giảm nhẹ 0,05%. So với tháng trước, chỉ số giá vàng tháng 5 đã tăng 1,91%, trong khi đó, giá USD lại giảm 0,63%.

Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, CPI cũng chỉ tăng nhẹ so với tháng trước. CPI tại Hà Nội trong tháng 5 tăng nhẹ 0,41%. Trong rổ hàng hóa, 9 nhóm hàng tăng giá dưới 1%, duy nhất có nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,77%. Đặc biệt, hai nhóm văn hóa, thể thao, giải trí và bưu chính - viễn thông có mức giảm giá từ 0,05% đến 0,17%. Tốc độ tăng CPI tại TP Hồ Chí Minh cao hơn Hà Nội, song cũng chỉ tăng thêm 0,48% so với tháng trước. Hầu hết các nhóm hàng đều tăng nhẹ, trong đó, tăng cao nhất là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng với mức 1,70%. Riêng nhóm đồ uống và thuốc lá đã giảm 0,13% trong tháng 5...

Theo các chuyên gia, nguyên nhân tăng giá là do nhu cầu tiêu dùng, giải trí trong những ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tăng cao, khiến lượng hàng hóa và giá bán của một số mặt hàng nhích lên đôi chút. Mức tăng CPI 0,27% có thể coi là tín hiệu vui, góp phần tích cực vào việc kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng cả năm nay ở mức 1 con số như mục tiêu đã đề ra.

Tiếp tục giữ ổn định giá hàng hóa
Theo quy luật, sau những đợt điều chỉnh tăng lương tối thiểu, giá thị trường cũng lập tức "ăn theo", khiến việc tăng lương không còn ý nghĩa. Nắm rõ quy luật này, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ đầu tháng 5, Thủ tướng đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó phối hợp đồng bộ với các địa phương kiểm soát giá, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá, nhất là với các mặt hàng thiết yếu; kiểm soát việc thực hiện phương án hình thành giá tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn của nhà nước. Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội, không gây tâm lý chủ quan nhưng cũng không tạo sự hoảng loạn, nhất là không kích thích yếu tố tăng giá theo tâm lý.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trung tuần tháng 5, UBND TP Hà Nội đã quyết định trích 500 tỷ đồng từ ngân sách cho các DN lớn trên địa bàn vay với lãi suất ưu đãi để gom hàng dự trữ phục vụ người dân và bình ổn giá trên địa bàn trong 6 tháng cuối năm nay. Bên cạnh việc kiểm soát nguồn vốn vay ưu đãi, bảo đảm các DN được sử dụng vay vốn đúng mục đích, UBND TP Hà Nội giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát giá thị trường; bảo đảm cung - cầu hàng hóa phục vụ người dân. Khi thị trường xảy ra hiện tượng biến động giá hoặc cung - cầu không bình thường, các DN được vay vốn ưu đãi sẽ chịu sự chỉ đạo trực tiếp của UBND TP Hà Nội và tổ giám sát liên ngành để thực hiện điều tiết giá theo yêu cầu...

Việc đưa ra các chính sách kịp thời nhằm giữ ổn định giá thị trường, kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã giúp ổn định cuộc sống của người dân và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chị Đặng Thu Trang, nhân viên kế toán tại một doanh nghiệp nhà nước cho biết, chỉ cần nhìn vào mức chi tiêu hằng ngày của mỗi gia đình là biết được tình hình giá cả đang diễn biến ra sao. Sau đợt tăng lương từ ngày 1-5, các gia đình có thể "nới tay" khi mua bán là do giá hàng hóa, dịch vụ trong tháng 5 khá ổn định. Quyết tâm điều tiết giá các loại nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào theo cơ chế thị trường của Chính phủ cũng được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội. Đây là tiền đề quan trọng giúp kinh tế Việt Nam sớm khôi phục đà tăng trưởng bền vững theo mục tiêu đã đặt ra.

Tháng 6, giá gas sẽ giảm

Giá gas thế giới đang được chào bán ở mức 687 USD/tấn, giảm 32 USD/tấn so với đầu tháng 5. Theo tính toán của các công ty kinh doanh gas, mức giảm mạnh nêu trên sẽ khiến giá bán lẻ gas trong nước giảm 7.000-8.000 đồng/bình 12kg. Dự kiến, giá gas mới được các doanh nghiệp kinh doanh gas áp dụng từ đầu tháng 6. Giới kinh doanh gas cho biết, giá gas thế giới đã giảm theo giá dầu thô và đang vào mùa hè nên nhu cầu sử dụng gas trên thế giới giảm mạnh.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải “cơn sốt” cho người tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.