(HNM) - Giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh do Thành ủy Hà Nội phát động và tổ chức đã được 5 năm, mang đến nhiều ý nghĩa không chỉ với những người làm báo, mà còn đóng góp cho Thủ đô nhiều kế sách hay trong việc xây dựng văn hóa Hà Nội. Sau 5 năm tổ chức, Giải báo chí đã phát hiện nhiều vấn đề “nóng” trong phát triển văn hóa Thủ đô, nhiều cách làm hay, những nhân tố điển hình, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển vì một Hà Nội đẹp hơn...
Sức hút của một giải báo chí
Những người làm báo Thủ đô vẫn còn nhớ, ngày 20-6-2018, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 94B-KH/TU về việc tổ chức Giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ I. Cuộc thi có mục đích xây dựng văn hóa Thủ đô tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội “Ngàn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình”…
Trong năm đầu tiên, Ban tổ chức đã nhận được 263 tác phẩm dự thi của 22 cơ quan báo chí. Sau 5 năm, số lượng tác phẩm, tác giả và cơ quan báo chí tham gia ngày càng tăng cả về chất lượng và số lượng.
Theo Hội Nhà báo Hà Nội, sau 5 năm tổ chức, cuộc thi đã nhận được gần 2.000 tác phẩm của không chỉ các cơ quan báo chí Thủ đô, mà còn có sự tham gia của nhiều cơ quan báo chí trung ương và báo ngành, như: Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Đầu tư, Báo Nông thôn ngày nay… Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Nội Kiều Thanh Hùng cho rằng, Giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đang ngày càng có sức hấp dẫn lớn và thu hút sự quan tâm của các đơn vị báo chí. Điều đó cho thấy trách nhiệm, tâm huyết của các cơ quan báo chí với các vấn đề xây dựng văn hóa của Thủ đô.
Trong khi đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn, thành viên Hội đồng chung khảo mùa giải năm nay nhận định, việc Hà Nội lựa chọn chủ đề phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một chủ trương đúng, phù hợp trong bối cảnh văn hóa ngày càng đóng vai trò quan trọng. Còn theo nhà báo Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, thành viên Hội đồng chung khảo của 5 mùa giải, qua từng năm, cuộc thi đã chứng kiến sự phát triển, đổi mới và sáng tạo không ngừng của các cơ quan báo chí cũng như đội ngũ những người làm báo. Số lượng tác phẩm báo chí điện tử sử dụng hình thức đa phương tiện hiện đại, như: Megastory, Longform, E-magazine… ngày càng nhiều.
Gợi mở nhiều vấn đề trong phát triển văn hóa
Sau 5 năm tổ chức, Giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã gợi mở nhiều vấn đề trong phát triển văn hóa Hà Nội, với những góc nhìn mới mẻ.
Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng chung khảo 5 mùa giải Tô Quang Phán nhận xét, trong 5 năm qua, rất nhiều đề tài không chỉ đơn thuần là phản ánh, mà còn mang tính phát hiện, gợi mở, góp ý, phản biện, góp phần giúp thành phố Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp trong việc xây dựng văn hóa, như: Văn hóa công sở, văn hóa chung cư, văn hóa xếp hàng, văn hóa vỉa hè, văn hóa làng nghề, văn hóa ẩm thực… Đặc biệt, trong 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 (năm 2020, 2021), rất nhiều đề tài về công tác phòng, chống dịch, những việc ứng xử nhân văn, vì mọi người vốn là truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Hà Nội được nhân lên, trở thành tâm điểm phản ánh của báo chí.
Còn theo nhà báo Trần Bá Dung, trong 5 năm qua, rất nhiều vấn đề phát triển văn hóa được đề cập đến, đã có tác dụng lớn, giúp định hình phong cách, văn hóa người Hà Nội. “Đặc biệt, 2 năm gần đây, báo chí Hà Nội và nhiều tờ báo lớn của trung ương tập trung vào đề tài công nghiệp văn hóa Hà Nội ở nhiều góc nhìn khác nhau, mang đến một bức tranh sinh động, phong phú về sự phát triển của Thủ đô”, nhà báo Trần Bá Dung nói.
Tại lễ trao giải năm 2021, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo giải đánh giá, bằng tâm huyết, trí tuệ, tình cảm, tình yêu với Hà Nội, các cơ quan báo chí, nhà báo đã có những tác phẩm phản ánh một cách sinh động các hoạt động của thành phố Hà Nội trên tất cả các lĩnh vực. Thông qua các tác phẩm, báo chí đã góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân Thủ đô. Đặc biệt, nâng cao ý thức trách nhiệm, quyết tâm của cả hệ thống chính trị của thành phố trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị...
Có thể khẳng định, Giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh của Thành ủy Hà Nội không chỉ tạo ra được một sân chơi bổ ích, hấp dẫn cho những người làm báo, mà còn góp phần cùng thành phố trong phát triển văn hóa Thủ đô, vì một Hà Nội đẹp hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.